Mới đây, Liên đoàn Taekwondo Thế giới WTF đã thảo luận và chấp thuận nhiều đề xuất thay đổi luật thi đấu tại cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 27 tại Canada. Đây cũng là một trong những hành động đáng chú ý của WTF trong thời gian gần đây trong nỗ lực định hướng lại xu hướng kỹ thuật thi đấu đối kháng.
Chủ tịch LĐ Taekwondo Thế giới: “Đã đến lúc làm Taekwondo hoành tráng hơn”
Tín hiệu đáng mừng cho Taekwondo TP.HCM trước thềm ASIAD
Sự ra đời của hệ thống giáp điện tử cùng nhiều công nghệ hỗ trợ giám sát thi đấu khác đã mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển bộ môn Taekwondo, đưa Taekwondo lên một đẳng cấp mới – đẳng cấp thể thao đối kháng chuyên nghiệp. Sự can thiệp của công nghệ đã làm giảm thiểu những sai sót trong khâu trọng tài các giải đấu, đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Trong nhiều năm qua, Taekwondo vẫn luôn giữ vững vị thế của một môn thể thao quan trọng và phổ biến, một trong số rất ít môn võ thuật xuất hiện tại Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh – Olympic (Riêng Olympic Rio 2016, chỉ có 5 môn võ được tổ chức tranh tài).
Tuy nhiên, cũng chính sự can thiệp của công nghệ đã đẩy Taekwondo đến với thời đại của sự khắc nghiệt. Cùng với sự phát triển của nhiều yếu tố khác như khoa học thể chất, kinh nghiệm thi đấu của các đội tuyển quốc gia,… làng Taekwondo chuyên nghiệp trở thành nơi mà mọi sai lầm dù tính bằng phần ngàn giây cũng có thể trả giá đắt. Điều đó khiến các VĐV dần hình thành lối thi đấu an toàn và “khô khan” hơn rất nhiều.
Cũng từ đó mà một vấn nạn được hình thành: các VĐV chuyên nghiệp bắt đầu phụ thuộc quá nhiều vào đòn chân trước. Nếu như các VĐV Taekwondo “cổ điển” cần rất nhiều sức mạnh và độ hiểm hóc để giành chiến thắng thì kể từ khi giáp điện tử được trình làng, những đòn chân nhanh, gọn, dễ tiếp cận và an toàn bằng chân trước chiếm ưu thế rõ rệt. Công nghệ đã vô tình hủy hoại hình ảnh của một bộ môn vốn nổi tiếng với những cú đá “quỷ khốc thần sầu” và nhiều kỹ thuật hiểm hóc, thay vào đó là những cú đá chỉ vừa đủ mạnh để ghi điểm trên giáp điện tử, tập trung quá nhiều vào tốc độ, sự an toàn và lối thi đấu phòng ngự – phản công thụ động.
Chính những người đại diện của tập đoàn 2020 Armor – đơn vị đã đóng góp rất nhiều trong việc ứng dụng công nghệ vào thi đấu Taekwondo cũng từng chia sẻ; “Chúng tôi bắt đầu cảm thấy nhớ thời kỳ mà Taekwondo là cuộc chơi của uy lực, phản xạ, độ hiểm hóc và rất nhiều những kỹ- chiến thuật đa dạng. Bây giờ, Taekwondo lại là sân chơi để đọ xem… chân ai dài hơn. Đây không còn là thời kỳ mà các VĐV dựa vào từng yếu tố cao, thấp, nặng, nhẹ của mình mà chọn một đấu pháp thích hợp nữa, vì dù sao chỉ cần chân họ chạm được vào giáp là đã có điểm. Họ bắt đầu nhường cuộc chơi lại cho những người giỏi “chọt” chân nhàm chán nhưng an toàn. Đôi khi, chúng tôi giật mình tự hỏi nếu đây là mùa Olympic cuối cùng của Taekwondo, làm cách nào để chúng ta có thể xây dựng bộ môn này tiếp tục như một môn võ thuật – thể thao hào hứng và đáng theo đuổi?”
Sự thay đổi này đã được cộng đồng Taekwondo toàn thế giới nhận ra từ rất lâu, đã bắt đầu có những lời phản đối nhưng tất cả cũng phải tuân theo quy luật thắng thua rõ ràng của thể thao. Nhiều video clip so sánh phong cách Taekwondo cũ – mới được đăng tải, trong đó có đoạn clip sau đây, một ví dụ rất rõ ràng về việc VĐV quá phụ thuộc vào đòn chân trước.
Một video clip khác có phần “châm biếm” sự thay đổi của kỹ thuật Taekwondo:
Tuy nhiên, câu chuyện đó sắp đi vào quá khứ. Cùng với tuyên bố “Đã đến lúc chúng ta phải làm Taekwondo hoành tráng và hào hứng hơn” của ông Chungwon Choue (Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Thế giới), bộ luật mới được WTF thông qua có rất nhiều điểm tiến bộ và tác động trực tiếp đến xu hướng kỹ thuật thi đấu. Trong số đó, phải đặc biệt kể đến việc tăng điểm đòn đá vào thân người (từ 1 thành 2 điểm), tăng số điểm cách biệt tối đa từ 12 lên 20 (giúp các võ sĩ có thể yên tâm tiếp tục thi đấu chủ động dù bị dẫn điểm), thêm hình phạt cho rất nhiều “mánh khóe” tận dụng đòn chân trước như dùng “cut kick” đá chân đối thủ đang ra đòn, đá dưới đai, đỡ đòn bằng chân…
Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong phong trào tập luyện của làng Taekwondo thế giới, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của bộ môn tại các sự kiện quốc tế sắp tới, điển hình như giải Vô địch Thế giới được tổ chức vào tháng 6/2017 tại Muju, Hàn Quốc.
Hồ Võ