Việc hợp nhất hai liên đoàn ITF và WTF là một vấn đề nhạy cảm, cũng như nhiều bất cập chưa được giải quyết, thế nhưng, đó vẫn là nguyện vọng của nhiều thế hệ võ sĩ bộ môn Taekwondo.
Những điểm khác nhau giữa Taekwondo ITF và WTF
Trong quá khứ, hai liên đoàn WTF (World Taekwondo Federation) và ITF (International Taekwondo Federation) cũng đã nhiều lần ngồi vào bàn thảo luận với các nghị quyết hợp tác thiết thực. Cụ thể, trong lần gần đây nhất 12/05/2015, 2 liên đoàn đã đề ra và chấp thuận bản thỏa thuận hợp tác tuyên bố rằng cả 2 liên đoàn đều có thể cử VĐV tham dự các giải đấu do mỗi bên tổ chức, nếu cam kết tuân thủ theo điều lệ và nguyên tắc được ban hành.
Mỗi liên đoàn Taekwondo đều phát triển bộ môn theo một đường lối thành công, đảm bảo cho sự đa dạng của bộ môn trong cả thi đấu thể thao đối kháng lẫn võ thuật thuần túy. Đó là lý do phần đông cộng đồng võ sinh Taekwondo toàn thế giới vẫn luôn hi vọng về tương lai hợp nhất của WTF và ITF.
Sự hợp nhất của đại gia đình Taekwondo, trước mắt sẽ tạo nên nhiều lợi thế lớn trong việc tổ chức các sự kiện, thi đấu, quản lý võ sinh cũng như thống nhất hệ thống kỹ thuật đặc thù của bộ môn Taekwondo trên phạm vi toàn thế giới.
Thế nhưng, việc WTF và ITF hợp nhất cũng tồn tại những bất cập trong nguyên lý phát triển chung của một bộ môn võ thuật.
Hầu hết các bộ môn võ thuật trong lịch sử loài người tiến đến con đường phân tách (hệ thống quản lý, hệ phái…) đều mang những lý do nhất định, phần nhiều là để phục vụ việc phát triển và đa dạng hóa võ thuật. Võ thuật tồn tại nhiều xu hướng, trường phái, việc phân tách thành các hệ phái riêng vừa để đảm bảo sự phát triển phong phú của võ thuật, vừa tránh tình trạng bất đồng, kỹ thuật và lý thuyết võ thuật của bộ môn.
Như vậy, sự tồn tại song song hai liên đoàn WTF và ITF là một phần tất yếu và bình thường trong tiến trình phát triển của một bộ môn võ thuật. Nhờ sự tồn tại của WTF và ITF mà ngày nay, Taekwondo đã được biết đến trên trường thế giới như một bộ môn thể thao đối kháng thực thụ, nhưng vẫn là một bộ môn võ thuật thực thụ – với các di sản kỹ năng chiến đấu thuần túy.
Việc thống nhất hai hệ thống WTF và ITF là một nguyện vọng chính đáng và dễ hiểu của các thế hệ võ sinh Taekwondo, thế nhưng nhìn chung nguyện vọng này lại vô tình cản trở con đường phát triển đa dạng mà lịch sử đã hình thành nơi bộ môn Taekwondo. Sự tồn tại song song của WTF – ITF vẫn nên được duy trì, nhất là khi lãnh đạo của cả hai liên đoàn vẫn luôn sẵn lòng cho sự hợp tác phát triển thỏa đáng của bộ môn.
Video clip: Taekwondo ITF
[jwplayer player=”1″ mediaid=”96722″]
Hồ Võ