Tại Giải Vô địch Taekwondo toàn quốc 2016, TP.HCM “mất tích” trên bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải điều bất ngờ.
Những cú đá Taekwondo “bất thành” tại World Hanmadang 2016
Khi Taekwondo so tài nghệ cùng Capoeira
Thành phố mang tên Bác vốn là một trong những đơn vị thể thao dẫn đầu cả nước trong nhiều bộ môn, và Taekwondo không phải ngoại lệ. Đã có những quãng thời gian dài, TP.HCM là nơi sản sinh hoặc nuôi dưỡng những thế hệ VĐV mũi nhọn của làng Taekwondo Việt Nam. Tuy vậy, trong khi các VĐV nội dung quyền tiếp tục vai trò cánh chim đầu đàn (với những ví dụ rõ ràng như ngôi vị nhất toàn đoàn Giải vô địch Taekwondo học sinh toàn quốc năm 2015, Hội khỏe Phù Đổng 2016…), các VĐV ở nội dung đối kháng lại có dấu giảm sút phong độ rõ rệt.
Đây là điều đã được cảnh báo một thời gian dài trước “cú sốc lịch sử” khi Taekwondo Việt Nam lần đầu tiên vắng bóng sau 16 năm tham dự Olympic. Với vai trò một trong những đơn vị đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển quốc gia, việc TP.HCM thu sút ở một giải trong nước cũng là tấm gương phản ánh lại một phần hiện thực của Taekwondo Việt Nam.
Mới đây, câu chuyện đó một lần nữa được nhắc lại tại Giải Vô địch Taekwondo toàn quốc năm 2016 (được tổ chức thi đấu từ ngày 6 – 11/11 tại Nhà thi đấu Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi đang quy tụ 243 VĐV từ 27 đoàn tranh tại 9 nội dung quyền cũng như 16 nội dung đối kháng. Mãi đến khi giải chỉ còn lại một ngày thi đấu, đơn vị TP.HCM chỉ có một số VĐV được vinh danh như Nguyễn Thanh Trọng, Huỳnh Vị Bá Trước, Nguyễn Thị Hồng Thủy, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Trương Phong… Trong đó, đáng chú ý nhất là Nguyễn Văn Duy (HCV đối kháng cá nhân hạng cân 63kg), tấm HCV duy nhất hiện tại của đoàn TP.HCM lại là nhà vô địch SEA Games 28. Như vậy, TP.HCM đã tự chứng minh rằng đội tuyển gần như đã trắng tay trong cuộc đầu tư vào thế hệ VĐV trẻ, để nhiều đơn vị khác như Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Nam… bất ngờ dẫn trước ở các nội dung thi đấu.
Theo đánh giá của các HLV tên tuổi, thành tích đối kháng của Taekwondo Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang trong giai đoạn nhìn nhận lại những sai lầm trong cách phát hiện, đầu tư và đào tạo VĐV; sẽ cần một khoảng thời gian dài để có thể nhìn thấy sự thay đổi và tìm lại niềm tin vào thế hệ nhân tài mà chúng ta đã bỏ lỡ. Nguyễn Văn Duy – VĐV được đào tạo từ tuyến trẻ là một trường hợp đáng kỳ vọng, nổi bật lên như một ví dụ cho những thành quả ban đầu trong công cuộc “làm lại từ đầu” của Taekwondo TP.HCM.
Những sự kiện như Giải Vô địch Taekwondo toàn quốc 2016 mang ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thay đổi và khắc phục hiện thực đó, một cột mốc xuất hiện đúng lúc để những người làm công tác (trong cả phong trào lẫn thi đấu chuyên nghiệp) đánh giá lại mọi thứ. Con số 16 năm hứa hẹn đổi màu huy chương (HCB của VĐV Taekwondo Trần Hiếu Ngân, Olympic 2000) có trở thành 20 năm hay không, điều đó phụ thuộc vào những thay đổi ngay bây giờ của các đơn vị “cánh chim đầu đàn”, trong đó có TP.HCM – đơn vị đã từng là tâm điểm của rất nhiều niềm hy vọng.
Y.N