Thiếu lâm Nững Xị: Không “tam sao thất bổn”

Thiếu Lâm Nững Xị (TL-NX) xuất phát từ Trung Hoa, chính gốc của người Tiều (Triều Châu); “nững xị” theo tiếng Tiều là “né lực”. Lối đánh của TL-NX buộc võ sinh di chuyển nhanh để chớp thời cơ, không lấy đà và không lo đỡ đòn mà phải tấn công liên tục.

Thiếu lâm Hắc Hổ môn: Chú trọng cả quyền lẫn cước
Sức mạnh từ những đường quyền của Thiếu Lâm Bằng Long Hải

SƯ PHỤ LONG HỔ HỘI

Từ đầu thế kỷ 20, ở các tỉnh Nam bộ xuất hiện võ sư Lâm Hữu Hội (sinh ở Bạc Liêu) có cuộc sống giang hồ lãng tử và hay bênh vực kẻ cô thế. Là con của một đại điền chủ, nhưng ông không ham làm giàu mà mong muốn lớn nhất là trở thành cao thủ võ lâm.

anh-1
Các võ sư, HLV và môn sinh Thiếu Lâm Nững Xị tại Phòng tập TT-VHTT Q.Gò Vấp

Ông được gia đình mời nhiều thầy dạy võ nổi tiếng ở Trung Hoa truyền dạy, trong đó có Huỳnh Long đại sư thuộc dòng võ Chu gia quyền truyền dạy “Long quyền” và Lão Hổ Vương chuyên về “Hổ quyền”. Vì vậy, ông và các môn đệ đều chọn nghệ danh bắt đầu bằng chữ “Long”, riêng ông kết hợp thêm với Hổ quyền để có nghệ danh là Long Hổ Hội.

Thời đó, Long Hổ Hội được mời đi đấu võ đài và thành công khắp trong nước lẫn các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan… Năm 1932, ông đã từng hạ đo ván nhà vô địch Muay Thái là Surivong ngay tại thủ đô Bangkok của nước bạn. Sau một thời gian lang bạt ở các tỉnh miền Tây, tên tuổi của Long Hổ Hội vang danh khắp nơi nhờ có nhiều đòn thế độc và hiểm.

Vậy mà khi nghe tin có ba cao thủ vì loạn lạc chiến tranh ở Trung Hoa phải bỏ xứ sang ẩn náu trên núi Tà Lơn (Châu Đốc), ông vẫn cất công đến bái sư, xin được theo học và chọn một đại sư thuộc môn phái TL-NX trong ba vị này để học kỹ hơn.

Sau một thời gian dài khổ luyện, năm 1945, võ công của Long Hổ Hội được nâng lên rất cao, cùng lúc 3 sư phụ của ông có cơ hội trở lại quê hương nên ông đứng ra tiếp tục gánh vác việc truyền bá môn phái TL-NX trên đất Việt.

bau-3
Đông đảo thiếu nhi tham gia tập luyện môn võ Thiếu Lâm Nững Xị.

Rất nhiều học trò của ông Hội sau này đều là những võ sư, võ sĩ danh tiếng một thời trên sàn đấu trước đây, nhiều năm liền giành những giải thưởng lớn ở các hạng cân trước năm 1975 như: Long Mous-taza (nổi danh nhờ đánh đâu thắng đó, từng đá bò chết vang danh khắp Việt Miên Lào), Long Mous-sơmi (vệ sĩ cho Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ suốt 10 năm trước 1975), Long Mous (lính nhảy dù, từng hạ đo ván đại lực sĩ kiêm võ sư Kinh Kha), Long Phi Báu, Long Phi Thanh, Mã Xuân Ba…

CHƯỞNG MÔN LONG PHI BÁU

Chưởng môn hiện nay của môn phái Thiếu Lâm Nững Xị (nay còn gọi là Long Phi Báu Nhu quyền) là võ sư Long Phi Báu (tên thật là Nguyễn Văn Báu, quê Hải Phòng) từng chỉ dạy cho hàng nghìn võ sĩ và cũng là một danh y chuyên chữa các bệnh đau nhức gân, xương khớp và hay cứu giúp người nghèo. 

bau-1
Võ sư Chưởng môn Long Phi Báu (trái) hướng dẫn đòn “cùi chỏ lật”.

Ngoài trách nhiệm của môn phái, ông Báu còn là Chủ tịch Chi hội Võ cổ truyền quận Gò Vấp (TP.HCM). Năm 1972, thầy Long Hổ Hội có cúng bái tổ và cho ông được mở lớp dạy võ ở tổ đường tại đường Phan Văn Trị (Gò Vấp). Thấy ông mới 20 tuổi, có mấy tay giang hồ như Quý Nhái (học trò của võ sư Huỳnh Tiền, thuộc lớp võ sĩ đàn anh cỡ Long Mous), Lợi Rổ, Phan Cọp… đều là những “anh chị” nổi tiếng trong các quân chủng Thiết giáp, Nhảy dù, Biệt động quân… đòi thử tài với ông.

Họ nói: “Chú em còn nhỏ, biết gì mà dạy”. Lúc đó Long Phi Báu bị các anh này bắt ép “Động thủ đi, nếu không chúng tao không cho dạy!” nên đành phải nhận lời và nói thẳng là “Em khỏi thủ, anh cứ đánh đi”. Quý đánh ngay, ông né được; khi Quý đánh tiếp, ông chỉ cần sử dụng một đòn đá tạt ống quyển sở trường thì đối thủ phải nằm đài ngay. Từ đó, Quý Nhái và các tay giang hồ này mới không đến quấy phá võ đường Long Phi Báu nữa.

Dân học võ hay bị chấn thương hoặc trật gân, khớp… khi tập luyện và thi đấu nên ông được thầy Long Hổ Hội truyền cho các bài ấn huyệt và xoa bóp bằng phương pháp võ thuật để chữa trị cho các đồng môn. Thấy nghề này hữu ích với nhiều người, ông Báu tự nghiên cứu thêm và tham gia học về Đông y ở Viện Y học dân tộc và một số trường Đại học tại TP.HCM để tăng thêm kiến thức, đuợc Sở Y tế TP.HCM cấp phép mở phòng mạch chữa bệnh.

GIỮ ĐÚNG CHÂN TRUYỀN

Dù đã 65 tuổi nhưng võ sư Long Phi Báu vẫn thực hiện thuần thục cú đá tạt ngang ống quyển do sư phụ Long Hổ Hội truyền dạy. Ông nói: “Từ Bắc chí Nam, đòn thế của TL-NX không giống môn phái nào cả. Chúng tôi luôn tự hào vì có những đòn thế riêng rất độc đáo như: đòn cùi chỏ lật, rờ-ve lật (trước khi thầy Long Hổ Hội thượng đài, các môn phái khác không có), đá ổng quyển, bộ chân xoay làm cho người tập thuần thục rất dễ né đòn”. Đặc biệt, TL-NX không chủ trương đỡ đòn của đối thủ, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng trả đòn phản công rất hiệu quả.

bau-5
Bài quyền “Thái âm siêu đao” do ông Nguyễn Thế Hùng (tuổi trên 60) biểu diễn.

Thiếu Lâm Nững Xị không sao chép, vay mượn của bất cứ một võ phái khác hoặc sửa đổi làm mất đi giá trị bản gốc” là lời dặn của sư phụ Long Hổ Hội. Chính vì vậy, Chưởng môn Long Phi Báu và các môn đệ đều tuân thủ việc truyền dạy, quyết tâm giữ nguyên bản các đòn thế và bài quyền của môn phái áp dụng từ những ngày đầu tiên, không để cho “tam sao thất bản”.

bau-4
Bài quyền “Song đấu côn đao” do hai em thiếu nhi thể hiện

TL-NX chuyên đào tạo các môn võ đối kháng, hiện có 5 võ sư, 60 HLV và 800 võ sinh tập trung tập luyện tại các võ đường ở Gò Vấp, Củ Chi, Thủ Đức, Q.12 (TP.HCM), các tỉnh Bình Phước, Nam Định và Nghệ An. Nhờ đào tạo cơ bản tốt, nếu người tập sau đó có chuyển qua các môn võ khác như Muay Thái, Pencak Silat, Wushu… đều phát triển tốt.

Nhiều học trò của võ đường Long Phi Báu đạt được nhiều thành tích cao trong thi đấu, trong đó có Võ Văn Đài (học cơ bản TL-NX, khi chuyển qua Muay Thái có HCV châu Á, HCB thế giới…), Đặng Minh Cảnh (HCV Tán thủ Wushu TP.HCM), Huỳnh Hoàng Thái (Pencak Silat), Trương Văn Sử, Hoàng Ngọc Thắng, Nguyễn Minh Tùng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Phú Long…

bau-2
Võ sư Trương Văn Sử dũng mãnh trong bài quyền “Tư Lìa Hố”.

Võ sư Trương Văn Sử (sinh 1974) cho rằng: “Nhờ sự chỉ dạy tận tình của sư phụ Long Phi Báu, tôi học được nhiều đòn đá và đòn quật liên hoàn rất hiệu quả khi thi đấu. Càng luyện tập, tôi càng khỏe hơn, rèn luyện ý chí cũng rất tốt ”.

Anh Võ Hoàng An (27 tuổi – đã tập TL-NX được 2 năm) thì nghĩ rằng mình có “cái duyên” với môn phái này. Anh từng học nhiều nơi khác nhưng phải nhào lộn nhiều và chuyên biểu diễn nên bị kiệt sức, không theo nữa. Về TL-NX, do các thầy rất tận tâm và chuyên môn cao, tập cho học trò cách phản xạ rất nhanh, tay chân hoạt động rất uyển chuyển nên lúc tập rất mệt nhưng sau khi tập xong thì thấy rất nhẹ nhàng, làm việc thoải mái.

https://youtu.be/F7xA8SydHAA

Bài và ảnh: CHU NGỌC