Gần 20 năm sau ngày ông Ngô Sĩ Quý (1922 – 1997) ra đi, đầu tháng 2/2016, Hội võ thuật cổ truyền Hà Nội tổ chức Lễ vinh danh ông là Đại võ sư cao cấp môn phái Vịnh Xuân Việt Nam (VX-VN) để ghi nhận công lao và di sản của ông để lại cho nền võ thuật cổ truyền VN.
Bí mật về võ sư Việt Nam là “đại ca” Diệp Vấn
Vì sao Vịnh Xuân được mệnh danh là “bất khả chiến bại”?
“CHÂN TRUYỀN” CỦA CỤ TẾ CÔNG
Cụ Nguyễn Tế Vân (thường gọi là Tế Công) đến Việt Nam từ năm 1931 và ngày nay được các môn sinh Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam suy tôn là sư tổ của môn phái mình. Bốn học trò “chân truyền” của cụ Tế Công là Trần Văn Phùng, Trần Thúc Tiển, Đỗ Bá Quý và Ngô Sĩ Quý; đến nay, các thầy đều đã qua đời.
Khoảng cuối thập niên 1930, ở phố Hàng Bạc (Hà Nội) có một dàn nhạc giao hưởng của Hoa kiều, trong đó có cây violon 1 Cam Túc Cường. Biết ông Quý cũng chơi violon rất hay nên ông Cường mời ông Quý đến chơi cùng ban nhạc, từ đó hai ông trở thành đôi bạn thân thiết. Ngoài âm nhạc, ông Cường còn học thêm VX-VN với gia sư của gia đình mình; và thật bất ngờ, gia sư đó chính là… cụ Tế Công. Nhờ vậy, ông Quý cũng được thầy Tế Công “để mắt” và truyền dạy VX-VN.
Phát biểu ở Lễ vinh danh thầy Ngô Sĩ Quý nêu trên, ông Hoàng Quốc Lập (nguyên Cán bộ cao cấp QĐNDVN, môn sinh VX-VN của thầy Quý) nhận định: “Nhân duyên đã ngẫu nhiên kết nối 3 người (Tế Công – Túc Cường – Sĩ Quý) với nhau qua việc cùng luyện tập VX-VN từ cuối thập niên 1930 đến Cách mạng tháng Tám 1945. Thời gian đó, ông Quý đã tiếp thu khá đầy đủ triết lý cũng như kỹ thuật vận động được cụ Tế Công trực tiếp truyền thụ. Đây chính là quãng thời gian định hình, đặt nền móng cho sự nghiệp võ thuật của ông Quý để hơn 20 năm sau trở thành người có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, truyền bá tinh hoa VX-VN, được các lớp thế hệ học trò trong và ngoài nước ngưỡng mộ, tôn vinh và theo đuổi”.
Những học trò đầu tiên đến với Vịnh Xuân quyền chi phái Ngô Sĩ Quý cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970 có những người đều thành danh sau này như Hoàng Quốc Toàn, Dương Quốc Tuấn, Trần Hậu Tuấn, Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam, Trần Việt Trung, Nguyễn Tiến Long, Trần Nghị, Bùi Chương, Nguyễn Nam Vinh, Lê Hoài Nam… Hiện có khoảng trên 20 võ đường và CLB Vịnh Xuân VN chi phái Ngô Sĩ Quý đang hoạt động tại Hà Nội; tại TP.HCM cũng có một số võ đường hoạt động tốt và nước ngoài có các CLB tại Mỹ, Pháp, Bỉ, Ý, Nga, Israel…
NGƯỜI TẠO RA “SINH MỆNH TRI THỨC” CHO TÔI
Những người hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật và thể thao thường biết đến ông Trần Hậu Tuấn hiện đang sống tại TP.HCM là một người sưu tập tranh nổi tiếng, hay người đã từng tốt nghiệp Đại học TDTT và HLV đội bóng đá Công an TP.HCM (giai đoạn 1982 – 1993). Thật ra, trước đó ông đã được gắn bó với Vịnh Xuân Việt Nam trong một cơ duyên đặc biệt.
Lúc ở tuổi thiếu niên, ông Tuấn sống trong một khu tập thể quân y và người sống ngay sát nhà mình là ông Hoàng Quốc Toàn (sau này là Đại tá, Bác sĩ Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực Quân Y viện 108). Biết ông Toàn có học võ nên ông Tuấn xin theo học và được “người hàng xóm đáng quý này” hướng dẫn. Không ngờ, ông Toàn chính là cháu ruột của thầy Ngô Sĩ Quý nên sau đó ông Tuấn được thầy Quý nhận làm học trò luôn. Ban đầu, hai anh em cũng chẳng biết đó là võ gì, thầy bảo “cứ tập đi!”. Và chính nhờ thầy Quý, từ các chỉ bảo trong từng động tác cho đến những ứng xử trong cuộc sống qua năm tháng, có thể nói VX-VN là một hoạt động quan trọng, ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc sống của ông Tuấn.
Ông Trần Hậu Tuấn tâm sự: “Tôi được học rất nhiều thầy, nhưng rõ ràng thầy Ngô Sĩ Quý là một người thầy đặc biệt, một sư phụ đúng nghĩa, một người cha không sinh ra tôi nhưng thầy đã tạo ra sinh mệnh tri thức cho tôi”.
Ấn tượng lớn nhất của ông Tuấn đối với thầy Ngô Sĩ Quý là một nhà giáo dục lớn, làm việc rất có hệ thống và khoa học. Thầy Quý luôn mong muốn truyền bá hệ thống kỹ năng vận động của Vịnh Xuân, mà trong sâu thẳm tâm tư của mình, ông truyền đạt triết lý nhân văn cao đẹp của môn phái VX-VN cho các thế hệ trẻ Việt nam. Ông luôn lấy Nhân sinh quan “Chân Thiện Mỹ” làm đầu trong việc truyền dạy Vịnh Xuân quyền.
“Được gặp gỡ và được thầy Ngô Sĩ Quý dìu dắt từ ngày còn trẻ tuổi, với tôi là một vinh dự và hạnh phúc!”, ông Tuấn nhìn nhận.
Đón xem: Câu chuyện ngôi sao “Võ sư Vịnh Xuân Trần Hậu Tuấn”, sẽ phát sóng lúc 18h thứ 7 ngày 22/10/2016:
https://youtu.be/A1GDBQ8Ge6E
Bài và ảnh: CHU NGỌC.