Dù mới thành lập được hơn 1 năm nay, nhưng CLB Võ cổ truyền xã Tân Thanh nằm trong khuôn viên trường tiểu học Tân Thanh, huyện Giồng Trôm đã phát triển nhanh chóng và trở thành điểm sáng về phong trào tập luyện võ thuật của huyện Giồng Trôm nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Niềm đam mê với môn võ cổ truyền dân tộc chính là động lực để phấn đấu của các võ sinh và ban huấn luyện Câu lạc bộ.
Tìm hiểu sơ bộ về Âm Dương trong Võ cổ truyền
Công phu xưa và nay của Võ cổ truyền Việt Nam
Có mặt tại Câu lạc bộ (CLB) Võ cổ truyền xã Tân Thanh, nằm trong khuôn viên trường tiểu học Tân Thanh, huyện Giồng Trôm vào một buổi chiều, khi cơn mưa nặng hạt vừa dứt, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là không khí yên bình vốn có của một vùng nông thôn. Gọi là CLB nhưng đơn thuần đây chỉ là một lớp dạy võ bình thường dành cho các em nhỏ từ 6 – 14 tuổi trên địa bàn xã. Theo lời của Huấn luận viên trưởng Lê Thành Trung (34 tuổi) thì CLB thành lập được hơn 1 năm nay. Tuy mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng CLB đã thu hút được một lượng lớn học viên đăng ký. Hiện tại, CLB có khoảng 150 võ sinh theo học. Toàn huyện Giồng Trôm có hơn 30 CLB võ thuật thì Tân Thanh là lớp có số lượng võ sinh đông nhất.
Câu lạc bộ tập luyện vào lúc 18h – 20h hàng ngày. Dù trời nắng hay mưa, các võ sinh nhỏ tuổi vẫn duy trì việc đến lớp đê luyện tập thường xuyên. Võ sinh nhỏ tuổi nhất mới học lớp 3 và lớn tuổi nhất cũng vừa lên lớp 9. Một điều khá thú vị là các võ sinh nữ cũng chiếm một số lượng khá đông trong lớp. Chia sẻ với phóng viên Vothuat.vn, em Ngô Thanh Vân ( học sinh lớp 5 – Trường tiểu học Tân Thanh) cho biết: “Em đăng ký học võ được 3 tháng nay. Em mong muốn học võ để mang lại sức khỏe trong việc học tập và bảo vệ bản thân”. Mặc dù câu trả lời của em còn run rẩy và liên tục ngắt quảng nhưng chứa đựng sự hồn nhiên của trẻ thơ và tình yêu đặc biệt với môn võ cổ truyền dân tộc.
Huấn luận viên trưởng của CLB là võ sư Lê Thành Trung (34 tuổi). Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Trung đã có hơn 10 năm theo nghiệp dạy võ. Ngồi trò chuyện cùng phóng viên Vothuat.vn, anh Trung có dịp trải lòng về những khó khăn của nghề. Anh đam mê võ thuật từ khi còn bé, và lớn lên anh không ngần ngại theo học võ. Anh Trung cho biết: “Bản thân tôi đã từng bôn ba khắp Bến Tre, kể cả lên Sài Gòn để bái sư học nghề. Với mỗi người thầy tôi đều học hỏi và tích lũy cho mình kinh nghiệm cần thiết. Trong quá trình truyền đạt lại kinh nghiệm cho các võ sinh lớn tuổi hay nhỏ tuổi, nhiều lúc tôi cũng gặp không ít khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy nản chí bởi vì niềm đam mê với môn võ đã ngấm sâu vào trong xương máu của mình từ bé rồi.”
Khuôn viên của trường tiểu học Tân Thanh khá rộng, nhưng số lượng võ sinh theo học cũng khá nhiều khiến sân trường trở nên nhộn nhịp. Nhìn những bài quyền, những động tác tập luyện xuất phát từ chính thân hình bé nhỏ của các em, khiến những người làm võ thuật như chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Bởi giữa một vùng quê xa xôi, tình yêu võ, niềm đam mê với một môn võ truyền thống của dân tộc vẫn luôn tồn tại trong tâm hồn trẻ thơ. Chia sẻ về việc học võ của mình, em Ngô Nguyên Lộc (học sinh lớp 4 – Trường tiểu học Tân Thanh) cho biết: “Ngoài giờ học võ trên lớp, về nhà em còn tập luyện thêm. Học võ sẽ mang lại cho em thật nhiều sức khỏe, để không bị người khác ức hiếp”.
Đối với các em nhỏ nơi đây, ngoài giờ lên lớp để tiếp thu kiến thức thì việc học võ vào mỗi buổi chiều dường như là một niềm vui vô bờ bến. Các em vẫn trong độ tuổi ăn, tuổi ngủ. Việc học võ sẽ giúp các em có thêm nhiều sức khỏe và tránh xa với những tật xấu mời thời buổi công nghệ số mang lại. Những động tác tập luyện tuy còn yếu ớt, vẫn còn đó chút ngây ngô, lúng túng của trẻ thơ nhưng dưới bàn tay dìu dắt của HLV Trung, các em đã từng bước khắc phục.
Màn đêm dần buông xuống cũng là lúc chúng tôi phải tạm chia tay với các em nhỏ của CLB Võ cổ truyền xã Tân Thanh. Đâu đó, vẫn còn tiếng reo hò, vẫn còn vọng lại âm thanh quen thuộc của những bài quyền. Điều đọng lại trong đội ngũ những người làm Vothuat.vn là hình ảnh ngây thơ của các em nhỏ trong trang phục truyền thống của võ cổ truyền. Mai này, khi lớn lên các em sẽ hiểu được thế nào là niềm đam mê với võ thuật, với môn võ truyền thống của dân tộc. Và một điều quan trọng nữa, cũng chính là câu nói của HLV Lê Thành Trung khiến chúng tôi tâm đắc nhất: “Chúng tôi dạy cho các em đạo đức, dạy cho các em trở thành người tử tế trước rồi mới hướng đến việc học võ cho các em sau. Một người học võ luôn đi kèm với đạo đức và nhân cách tốt. Đó mới là người học võ chân chính”.
https://youtu.be/lE_CpeblMD4
Võ Đạt – Vothuat.vn