Câu chuyện đối đầu giữa Vịnh Xuân với các môn võ thuật đối kháng hiện đại ngày càng bị cuốn sâu vào những diễn biến đơn thuần giữa một vài cá nhân như Từ Hiểu Đông, Đinh Hạo (Trung Quốc) hay gần gũi hơn với chúng ta là võ sư Vịnh Xuân Nam Anh Francois Flores. Xin hãy tạm gác lại những câu chuyện đó và nhìn về bản chất kỹ thuật của Vịnh Xuân để tìm hiểu nguyên nhân vì sao môn võ trứ danh này lại có quá nhiều mâu thuẫn và thất bại trước võ thuật hiện đại.
- Võ sư Vịnh Xuân với mong ước thực hiện Diệp Vấn phiên bản Việt
- Từ trận thua của Đinh Hạo trước Từ Hiểu Đông, bàn về tính thực chiến của Vịnh Xuân
Trước hết, cần nói rõ rằng bài viết này đề cập sâu vào vấn đề kỹ thuật của một cá nhân “nguyên chất” (không tập thêm các môn võ khác để bù lấp điểm yếu kỹ thuật), tức là những so sánh dưới đây sẽ được xét trong môi trường công bằng, và kết quả lập luận sẽ không có nhiều thay đổi khi cá nhân người tập Vịnh Xuân có đẳng cấp hay mức độ tập luyện như thế nào. Như huyền thoại MMA Bas Rutten từng khẳng định “Võ thuật là cuộc chiến phong cách này khắc chế phong cách kia”, bài viết này không đưa ra nhận định Vịnh Xuân sẽ thắng hoặc sẽ thua các môn võ nào, mà là nhìn nhận công bằng và thẳng thắn trên khía cạnh bản chất võ thuật để đánh giá “tử huyệt” của nó. Chuyện một môn võ có “tử huyệt” khi đặt vào hoàn cảnh cụ thể là hoàn toàn bình thường. Muay Thái trứ danh đến mấy nhưng thế đứng cao đặc trưng của nó vẫn là điểm yếu không thể chối bỏ trên sàn MMA.
Vậy điểm yếu của Vịnh Xuân là gì?
CỰ LY ĐÒN GẦN – PHỤ THUỘC CẬN CHIẾN
Hầu hết các kỹ năng đặc trưng của Vịnh Xuân đều ở tầm gần. Cận chiến cũng chính là “rơ” đánh quen thuộc của Vịnh Xuân. Chỉ với cách đánh này Vịnh Xuân mới thực sự tạo ra sự hiểm hóc, dồn dập và tạo ra được môi trường hoàn hảo cho từng miếng đòn sở trường.
Nhưng lối đánh này là một điểm yếu thực sự. Bạn biết trong Muay Thái, Boxing, Tán Thủ… các võ sĩ “gà con” phải làm gì suốt những năm tháng đầu tiên của họ không? Cố gắng outstrike (tấn công từ khoảng cách tối đa, nằm ngoài tầm với của đối thủ), cố gắng giữ cuộc chiến ở khoảng cách đó. Trừ một số trường hợp như bản năng kỹ thuật quá rõ ràng và cần tận dụng ngay (như trường hợp của huyền thoại Boxing Mike Tyson), còn lại các võ sĩ ở hầu hết bộ môn đều tập luyện outstrike. Vì sao? Nếu họ cận chiến ngay từ khi mới tập, họ chẳng học được điều gì thực sự hiệu quả cả. Trạng thái này cho họ rất nhiều thời gian để phán đoán và kiểm soát vấn đề..Họ sẽ từ từ có khả năng đánh cận chiến qua tháng năm rèn giũa, và khi đó họ có thể đánh tốt ở mọi khoảng cách.
Cũng từ góc nhìn đó, ta có thể nhận thấy cận chiến đem lại một môi trường hết sức bất lợi về nhiều mặt như khả năng phán đoán và xử lý tình huống. Các võ sĩ nếu không trải qua thời gian tập luyện RẤT DÀI, họ rất khó đánh tốt khi cận chiến, trừ khi có bẩm sinh thiên tài về phản xạ. Vậy nên các môn võ mang tính cận chiến thường đòi hỏi người tập luyện có thời gian “chinh chiến” đáng kể để so kè được với một đối thủ non nớt hơn. Và xin nhớ rằng Vịnh Xuân không phải ví dụ duy nhất về vấn đề này. Krav Maga, Kali… cũng xảy ra câu chuyện tương tự.
Bạn cần một ví dụ? Hãy xem lại trận chiến của Đinh Hạo và Từ Hiểu Đông, xem hiệu quả thi đấu của anh ta ở tầm xa và tầm cận chiến có khác biệt rõ ràng như thế nào.
ÍT DI CHUYỂN
Sự thật là Vịnh Xuân rất ít di chuyển để giữ trạng thái cân bằng của cơ thể và độ ổn định trong các kỹ thuật đặc thù. Đây là điều dễ thấy ở hầu hết các môn võ thuật cổ điển khác (trước khi bị thể thao hóa, kể cả Karate cũng có lối đánh cực ít di chuyển). Hầu hết các môn võ cổ đều được phát triển để kết thúc trận chiến thật nhanh (thực chiến) hoặc sử dụng ở các môi trường hạn chế di chuyển (đồi núi, ngõ hẻm…), vậy nên đặc điểm này ở Vịnh Xuân là hoàn toàn bình thường và dễ thông cảm. Thực tế nó cũng không phải một “điểm yếu” gì đáng kể.
Nhưng đó là câu chuyện của thế kỷ trước. Trong thời đại này, nơi mà Vịnh Xuân đang có cuộc đối đầu nảy lửa với võ thuật đối kháng thể thao hiện đại, yếu tố ít di chuyển chính thức trở thành một “tử huyệt”. Bạn biết điều khác biệt rõ nhất giữa một võ sĩ Boxing giỏi và dở không? Chính là khả năng di chuyển. Khả năng đem lại rất nhiều lợi thế trong một kèo “solo”: bạn có quyền lựa chọn thời điểm “vào ra” bắt đầu hoặc kết thúc pha đòn – xin nhắc lại: QUYỀN CHỦ ĐỘNG chọn điều đó. Bạn thậm chí có thêm quyền kiểm soát góc độ. Trong một cuộc đối đầu ở hoàn cảnh hiện đại, thực sự Vịnh Xuân đã chịu một điểm trừ chí mạng từ chính đặc trưng kỹ thuật của mình.
Công bằng mà nói, Vịnh Xuân CÓ kỹ năng di chuyển chứ không phải là chôn chân một chỗ, nhưng nếu so sánh với hệ thống footwork của các môn võ hiện đại, rất khó để có thể chấm điểm hơn cho Vịnh Xuân ở khoản này.
THIẾU ĐỘNG NĂNG CƠ THỂ
Xét về khía cạnh vật lý học, cơ chế ra đòn của Vịnh Xuân không thể – xin nhắc lại là KHÔNG THỂ tạo ra lực đấm lớn bằng các môn võ thuật đối kháng hiện đại, trừ khi anh ta có cân nặng và chế độ tập luyện tốt hơn đối thủ rất nhiều. Thế đứng và lối ra đòn “Nhật tự xung quyền” của Vịnh Xuân không dùng nhiều lực momen quay của cơ thể, tức là không thể dùng khối lượng cơ thể để cộng thêm động năng vào đòn đấm. Trong khi đó ở các môn võ như Boxing, Muay Thái… điều đầu tiên và cơ bản nhất mà mỗi võ sĩ phải làm được đó là DÙNG HẾT số động năng cơ thể đó.
Thực tế, Vịnh Xuân có một điểm cộng lớn là tư thế và cơ chế ra đòn của Vịnh Xuân cho phép họ tung nhiều đòn hơn trong cùng một khoảng thời gian, vừa bù được về tổng số lực gây ra, vừa gây sự áp chế khó chịu. Ở một góc nhìn khác, việc chịu điểm trừ về khả năng di chuyển khiến cho cơ chế ra đòn của Vịnh Xuân bị tác động lớn: họ phải thực sự tận dụng được tối gia thời gian và không gian có được ở mỗi pha đòn trước khi đối thủ thoát ra được khỏi pha đòn một cách chủ động. Tức là, với một đối thủ giành được sự chủ động về lựa chọn vào – ra pha đòn, Vịnh Xuân khó gây ra được sát thương áp đảo – trừ khi họ làm được nhiều hơn những đòn đấm đá đơn thuần, các đòn hiểm như chọc mắt chẳng hạn. Riêng chỗ này thì Vịnh Xuân có điểm cộng.
Kết lại những đặc điểm trên, ta có thể thấy Vịnh Xuân dù là môn võ thực sự “có tiếng có miếng” trong một số thời đại nhất định nhưng một số đặc trưng kỹ thuật thực sự là “tử huyệt” khi đứng trước các môn võ thuật thể thao đối kháng hiện đại. Điều này lý giải cho tỉ lệ thất bại đáng lo ngại giữa “kèo” đấu Vịnh Xuân – võ hiện đại, đồng thời mở ra một dấu chấm hỏi lớn: Vịnh Xuân trong thời đại này cần thay đổi hay bổ sung những gì? Các trường hợp thú vị như võ sĩ Vịnh Xuân nhưng tập luyện thêm các môn võ thuật khác sẽ bù lấp khuyết điểm kỹ thuật Vịnh Xuân như thế nào? Hãy đợi thời gian và những câu chuyện mới cho chúng ta bằng chứng để trả lời.
Hồ Võ