Võ cổ truyền VN vào trường học: Cần bước đi linh hoạt

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ năm học 2015 – 2016, những bài tập võ cổ truyền (VCT) được đưa vào tập luyện trong các trường phổ thông cả nước.

Hướng dẫn tuyệt kỹ tay không chống dao găm của Võ trận Bình Định
“Tướng – Sĩ – Tượng” trong bàn cờ “Võ trận Bình Định”

 HOÀN TẤT GIÁO TRÌNH

Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ gởi Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch ngày 11/8/2015, Chính phủ đồng ý cho triển khai việc đưa VCT vào chương trình Giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương.

Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tất cả các Sở GD-ĐT trên toàn quốc tổ chức các hoạt động nêu trên trong tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách triển khai bài VCT cho giáo viên cả nước. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể cho học sinh tập luyện bài VCT vào đầu giờ các tiết học thể dục hoặc trong thời gian dành cho các hoạt động giáo dục của trường.

Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa (áo trắng), các võ sư Phật Quang quyền và một số học sinh trong buổi tập VCT chiều 13.10.2016
Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa (áo trắng), các võ sư Phật Quang quyền và một số học sinh trong buổi tập VCT chiều 13.10.2016

VCT Việt Nam với rất nhiều môn phái của nhiều địa phương, hệ thống bài tập của các môn phái cũng có một số chi tiết không giống nhau. Trước khi áp dụng cho đông đảo người tập với nhiều lứa tuổi khác nhau ngoài trường học, từ nhiều năm trước, Ban chuyên môn của Liên đoàn cũng đã mất rất nhiều công sức và thời gian mới tìm ra được những phần tinh túy chung và chọn ra được những bài tập thống nhất để cùng tập luyện. Sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT-DL, Liên đoàn VCT Việt Nam đã khẩn trương chuẩn bị để sớm đi vào hoạt động, ưu tiên cho việc hoàn chỉnh bộ giáo trình áp dụng trong trường học và củng cố đội ngũ huấn luyện, Đến nay toàn bộ giáo trình riêng cho 3 cấp học phổ thông (TH, THCS và THPT) đã được biên soạn hoàn chỉnh, phát hành dưới dạng tài liệu in ấn và băng đĩa gởi về các địa phương thực hiện.

 “CƠ CHẾ” CHO ĐỘI NGŨ HUẤN LUYỆN

Về việc chuẩn bị đội ngũ huấn luyện, trong tháng 1/2016, Liên đoàn đã tổ chức đợt tập huấn hàng năm cho các võ sư và HLV cả nước tại Lâm Đồng, trong đó có các bài chính thức đưa vào trường học. Trong tháng 11/2016, lớp ôn luyện toàn quốc sẽ tổ chức tại Đồng Nai để rút kinh nghiệm khi đưa VCT vào nhà trường.

Các học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa hăng hái tham gia tập luyện VCT ngay trên sân trường
Các học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa hăng hái tham gia tập luyện VCT ngay trên sân trường

Phó Chủ tịch Liên đoàn VCT Việt Nam Lê Kim Hòa cho biết: “Một số tỉnh thành đã bắt đầu triển khai đến các trường học. Riêng TP.HCM, toàn bộ lực lượng HLV, hướng dẫn viên của tất cả môn phái ở đây đều đã tập huấn xong 3 bài Căn bản công pháp đưa vào trường học. Hội khỏe Phù Đổng hằng năm của thành phố này từ 10 năm nay đều có thi đấu môn VCT nên đội ngũ giảng dạy được thường xuyên bổ sung, ít gặp khó khăn”.

Ở một địa phương khác, nhờ được sự giúp sức của phụ huynh học sinh và Thiền tôn Phật Quang ở gần trường, hơn 250 học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng được tập VCT miễn phí từ tháng 6/2016 đến nay. Biết Thiền tôn có tập luyện VCT cho các môn sinh, Hiệu trưởng Trương Đình Phúc đã nhờ và được các võ sư cùng HLV môn phái Phật Quang quyền (có bằng cấp của LĐ.VCT.VN) của Thiền tôn giúp sức giảng dạy mỗi tuần 3 buổi; phụ huynh học sinh hỗ trợ mua thảm tập và các dụng cụ tập luyện.

Các học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa hăng hái tham gia tập luyện VCT ngay trên sân trường
Các học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa hăng hái tham gia tập luyện VCT ngay trên sân trường

Ngoài các “điểm sáng” như đã nêu, không ít địa phương vẫn còn khó khăn khi triển khai chỉ đạo của Chính phủ. Đối với các trường trước đây có tổ chức cho học sinh học các môn võ khác, cần có một thời gian chuyển tiếp để sắp xếp lại. Lực lượng võ sư, HLV môn VCT ngoài nhà trường ở nhiều địa phương không thiếu. Thế nhưng, khó khăn phổ biến hiện nay là chưa có đủ lực lượng giáo viên dạy VCT vì “cơ chế” chỉ cho phép những người có “chứng chỉ sư phạm” tham gia giảng dạy. Trong khi chờ đợi “cơ chế” thoáng hơn, cách làm của Trường Trần Đại Nghĩa và Thiền tôn Phật Quang nên được các địa phương vận dụng linh hoạt để thực hiện.

https://youtu.be/CwrLUxr1_SI

Bài và ảnh: CHU NGỌC