Hơn 5 thế kỷ trôi qua, kể từ khi vùng đất Vijaya được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đất võ Bình Định xuất hiện nhiều võ nhân kiệt xuất nhờ sở hữu những bí kíp võ thuật do tổ tiên truyền lại…
- Sôi nổi Giải Võ cổ truyền nhi đồng năng khiếu và trẻ Quận 3 mở rộng lần 1 – 2018
- Học võ thuật truyền thống là học cả một nền văn hóa
Trong số đó, “bí kíp điểm huyệt” độc nhất vô nhị của nhà họ Lâm ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định).
Pho bí kíp gia bảo
Một ngày đầu năm mới 2018, tôi lọ mọ tìm đến nhà võ sư Lâm Ngọc Ánh, con trai của cố võ sư Lâm Bình Phú ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) với ước nguyện được tận mắt “mục sở thị” pho bí kiếp điểm huyệt, vật gia bảo 5 đời của nhà họ Lâm.
Trời mưa lâm thâm nhưng khi vừa bước vào Từ đường họ Lâm (phái III), tôi đã thấy hàng chục đứa trẻ đang cùng võ sư Lâm Ngọc Ánh luyện võ trên khoảnh sân xi măng trơn trượt.
Thấy tôi đi vào ngõ, võ sư Lâm Ngọc Ánh giao đám học trò lại cho cô em ruột, chuẩn võ sư Lâm Thị Hồng Hạnh tiếp tục hướng dẫn các em luyện võ để vào tiếp khách. Tách trà nóng giữa ngày mưa đã làm ấm câu chuyện võ nghệ của 2 người.
Võ sư Lâm Ngọc Ánh là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Lâm ở đây. Ông tổ của võ sư Ánh là Lâm Liên Hoan gốc Hoa, vào thời phản Thanh phục Minh, ông sang Nhơn Phúc khai hoang vỡ hóa lập nghiệp làm ăn, truyền dạy võ nghệ cho con cháu. Ông cố của võ sư Lâm Ngọc Ánh là cụ Lâm Hữu Phong truyền nghiệp võ cho con là Lâm Đình Thọ, ông nội của võ sư Ánh. Sau đó cụ Thọ tiếp tục truyền thụ võ nghệ cho cha của võ sư Ánh là cố võ sư Lâm Bình Phú rồi đến đời anh em võ sư Lâm Ngọc Ánh.
“Mặc dù đã được ông cố tôi hết lòng truyền thụ những bí kíp võ học của dòng họ, nhưng với lòng ham mê học hỏi, ông nội tôi còn tìm đến vị cao thủ nức danh về võ thuật ở thôn An Thái, cùng xã Nhơn Phúc, là ông Diệp Bảo Sanh (còn gọi là Tàu Sáu) để thọ giáo thêm. Trong thời gian đó ông còn trao đổi võ thuật với những cao thủ trong làng võ An Nam (võ cổ truyền). Do kết hợp nhiều trường phái, nên đến đời ông nội tôi, võ thuật của nhà họ Lâm đã thuần Việt”, võ sư Ánh cho biết.
Theo võ sư Lâm Ngọc Ánh, thật ra pho bí kíp điểm huyệt của nhà họ Lâm là 1 quyển sách về y võ, do Linh Không Thiền Sư ở Ngũ Đài Sơn (Trung Quốc) nghiên cứu, truyền lại hậu thế. Tổ tiên nhà họ Lâm may mắn được sở hữu pho bí kíp này, đến đời võ sư Lâm Ngọc Ánh là đã trên 300 năm.
Nguyên bản bí kíp được viết bằng chữ Hán. Đến đời ông nội võ sư Lâm Ngọc Ánh là võ sư Lâm Đình Thọ, vì sợ bí kíp thất truyền nên đã đích thân mang sách lên chùa Núi Lớn (Bình Định), mời cho bằng được nhà sư Thích Huyền Ấn, người nổi tiếng đức cao vọng trọng dịch và viết thành chữ quốc ngữ.
Trước khi giao bản dịch cho chủ nhân quyển bí kíp, nhà sư Thích Huyền Ấn còn viết lời dặn. Lời dặn nói: “Xưa các bậc tiên triết rất bí ẩn, không công bố bí kíp. Nay Nhất Đán lột hết tinh thần và những bí yếu của sách công bố cho đời, để những người có chí với đạo làm tài liệu tham khảo. Sách này ghi rõ trên thân người có 108 huyệt đạo, trong đó có 36 tử huyệt và 72 tiểu huyệt, ghi chú cặn kẽ thước tấc trên đồ hình, và phép dùng thuốc khi thọ thương. Pho bí kíp điểm huyệt này có giá trị ngàn vàng không đổi…”.
Nữ nhi không được ghé mắt xem bí kiếp
Theo võ sư Lâm Ngọc Ánh, thời xưa, y võ không truyền dạy cho nữ nhi, chỉ những đấng mày râu mới được truyền thụ. Thêm vào đó, bí kiếp điểm huyệt lại minh họa rạch ròi những tử huyệt trên thân thể con người bằng đồ hình rất rõ ràng. Vì thế, bí kiếp này chỉ được truyền dạy cho người trong nhà, mà phải là trai trưởng hoặc người con trai dày đức độ, chứ nữ nhi tuyệt nhiên không được ghé mắt nhìn vào những trang sách quý, vì sợ lan truyền ra ngoại tộc.
“Những tử huyệt ghi trong bí kíp thật ra là để người chữa thương biết vùng chấn thương thuộc huyệt nào, và biết phải dùng thuốc gì để điều trị. Tuy nhiên, nếu võ nhân xấu tính biết rõ những tử huyệt trên thân người, trong lúc tức giận hay vì trả thù riêng mà đánh ngay tử huyệt đối thủ thì đó là “vũ khí” chết người. Khi người xấu nắm hết kinh mạch của đối phương thì khi xuất chiêu sẽ hạ thủ. Do đó, bíp kíp điểm huyệt của nhà họ Lâm không được truyền dạy cho đồ đệ”, võ sư Ánh cho hay.
Thấy tôi lớ ngớ giữa lùng bùng các thuật ngữ võ học như “tử huyệt”, “nhơn thần giờ”, võ sư Lâm Ngọc Ánh giải thích thêm: 72 tiểu huyệt trên cơ thể con người nếu dính đòn thì uống thuốc qua loa cũng sẽ khỏi, nhưng với 36 tử huyệt nếu bị dính đòn là chỉ có chết nếu không được chữa đúng thuốc.
Ở những tử huyệt, bình thường nếu dính đòn đã nguy hiểm, nếu bị đánh đúng vào giờ hiểm thì càng nguy hiểm hơn. Ví như giờ Ngọ thì máu chảy về đại huyệt nào, nếu đúng giờ này mà ra đòn ngay huyệt ấy thì đối thủ chỉ có tử vong. Hoặc như vào mùa xuân mà bên hông tả (trái) bị trúng đòn là sẽ trọng thương, mùa hạ nên tránh chấn thương đầu gối và chân, mùa thu tránh chấn thương hông hữu (phải) và mùa đông nên cẩn trọng gìn giữ với vùng bụng khi giao đấu.
“Vì thế, người vừa giỏi võ vừa am hiểu huyệt đạo sẽ canh giờ mà đánh vào đúng tử huyệt để dẫn đối thủ đến cái chết, người ta gọi đó là “nhơn thần giờ”. Trong pho bí kíp ghi rất rõ, huyệt “u môn” nằm phía dưới tim, ngay huyệt cự khuyết, phía tả 5 phân thuộc can qua, phía hữu 5 phân thuộc phế, dùng chiêu “ngũ pháp bát tượng” hoặc “bát tượng hóa thân” đánh vào đó, nếu trong 1 ngày mà không kịp chữa trị là người dính đòn ắt chết”, võ sư Ánh nói.
Được thừa kế bí kíp điểm huyệt của tổ tiên, võ sư Lâm Ngọc Ánh ngoài dạy võ cho con em địa phương, hiện ông còn là thầy chữa bệnh bằng những bài thuốc lấy từ sách quý. Bệnh nhân của ông trên khắp cả nước nhưng ông chữa bệnh gần như không lấy thù lao, chỉ lấy tiền thuốc. Người bệnh ở Hà Nội mời ông ra chữa bệnh, ông chỉ nhận vé máy bay để đi lại, khi về chỉ nhận quà tượng trưng chứ tuyệt nhiên không nhận tiền. Còn người dân địa phương đến nhà ông chữa bệnh ông chỉ lấy 50-70 ngàn đồng tượng trưng để chi phí tiền thuốc.
“Được thừa kế sách quý, tôi nhận thấy đây là trọng trách giúp ích cho đời mà tổ tiên đã giao phó. Do vậy, dù không có thu nhập tôi vẫn miệt mài làm. Anh thấy đấy, 2 bàn chân của tôi 1 trắng 1 đen. Bàn chân đen là do ngày ngày nhúng thuốc, đặt lên chiếc lưỡi cuốc để trên lò lửa hừng đỏ, sau đó dậm lên vùng thọ thương của người bệnh, thuốc “ăn” lâu dần thành bàn chân hóa đen”, võ sư Ánh bộc bạch.
Anh Thư (T.H) – Theo Vũ Đình Thung