Ở tập 2 Đấu trường võ nhạc, nhóm võ cổ truyền Cờ Lau đã có phần biểu diễn hừng hực khí thế, đẹp mắt, thành công khơi dậy tinh thần dân tộc. Nhưng phía sau sân khấu họ là những người lao động bình dị, sống hết mình với đam mê võ thuật.
Những người trẻ miệt mài đi tìm vị trí cho tinh hoa võ thuật Việt
Võ cổ truyền là tinh hoa võ thuật của dân tộc việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập như hiện nay có rất nhiều bộ môn võ từ bên ngoài du nhập vào. Vì vậy, vị thế của võ cổ truyền dường như bị lu mờ, ít người biết đến. Tuy nhiên vẫn có những bạn trẻ đang theo đuổi niềm đam mê với võ thuật dân tộc. Trong số đó có các võ sinh nhóm Cờ Lau thuộc môn võ cổ truyền, học trò của võ sư Đào Văn Lanh, đến từ Võ đường Hoa Lư, tỉnh Bình Dương.
Trưởng nhóm Nguyễn Nam Long chia sẻ lý do đặt tên Cờ Lau được lấy từ sự kiện lịch sử vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đã dùng cờ lau đứng lên khởi nghĩa, thống nhất đất nước. Thông qua đó, nhóm bộc lộ niềm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc vừa là lời nhắc nhở đến các thành viên phải luôn nỗ lực, quyết tâm chiến thắng, không ngại khó khăn.
Trước đây Cờ Lau đã tham gia thi đấu ở một số giải như: Giải võ cổ truyền Thuận An mở rộng năm 2014, Giải võ cổ truyền Tân Uyên mở rộng năm 2012… Dường như với người trẻ nhiêu đó là chưa đủ, để cho mọi người biết nhiều hơn về môn võ dân tộc. Long bày tỏ, Đấu trường võ nhạc là sân chơi lành mạnh để các thành viên rèn luyện bản lĩnh và thực hiện ước mơ đang ấp ủ, đưa võ cổ truyền trở lại vị trí vốn có của nó.
Quả thực, Cờ Lau đã mang đến Đấu trường võ nhạc tiết mục độc đáo, hấp dẫn, vô cùng đẹp mắt. Nhóm mặc trang phục màu đen, đai đỏ truyền thống của võ cổ truyền Việt Nam. Qua phần thi, cả đội khiến ban giám khảo, khán giả vỗ tay không ngớt khi thực hiện những động tác điêu luyện, đẹp mắt. Ngoài ra, Cờ Lau còn sử dụng binh khí trường côn và đao đây là hai trong tổng số 18 loại binh khí phổ biến nhất của võ cổ truyền mà nhóm muốn giới thiệu đến mọi người. Hai binh khí này thực sự đã tạo hiệu ứng rất tốt trong phần thi và giúp nhóm tung ra hết những thế mạnh của môn võ dân tộc, khiến cả khán phòng có dịp “mãn nhãn”. Bài biểu diễn trên nền nhạc mang âm hưởng hào hùng kết hợp vũ đạo và võ thuật đã tạo được cảm xúc thăng hoa và khơi dậy tinh thần yêu nước mạnh mẽ từ phía người xem.
Những người lao động bình dị gắn kết với nhau bằng tình yêu dành cho võ thuật
Nhóm có tất cả 11 người, cùng nhau tập luyện và thay phiên biểu diễn. Thành viên nhóm đa số là công nhân, học sinh và sinh viên. Cuộc sống của mỗi người còn nhiều khó khăn, chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi, từ trợ cấp của gia đình. Trong số đó có em Nguyễn Quốc An (12 tuổi), bố mẹ đều thuần nông và chăn nuôi hay như các võ sinh Nguyễn Ngọc Khỏe – công nhân may, Nguyễn Hoàng Nghiêm – công nhân may giày da, Nguyễn Nam Long – công nhân cơ khí… Trưởng nhóm chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm đều là người xa quê, làm công nhân ở Bình Dương. Hầu hết đều đang phải ở trọ, trừ bạn Vũ Ngọc Sức”.
Long trải lòng để tham gia và có thời gian luyện tập, nhiều bạn trong nhóm sẵn sàng nghỉ làm, thậm chí xin nghỉ việc để theo đuổi đam mê võ thuật. Đặc biệt, có bạn mới kết hôn phải thuyết phục gia đình để đi thi Đấu trường võ nhạc. Tham gia đã là khó, họ còn phải lặn lội từ Bình Dương lên Sài Gòn từ lúc 17h30 – 21h00 mới về. Bên cạnh đó trình độ của các thành viên cũng không đồng đều, chưa bao giờ tiếp xúc với vũ đạo, âm nhạc khiến quá trình luyện tập trở nên vất vả hơn.
Long nói: “Đã có lúc nhóm xảy ra những mâu thuẫn tưởng chừng không thể tiếp tục nhưng cuối cùng mọi người ngồi lại với nhau”, anh đã thuyết phục mọi người ngồi lại nói chuyện, động viên để hiểu và chia sẻ cho nhau. Thông qua cuộc thi, các thành viên đã gắn bó như người thân. Những khó khăn mà nhóm đang gặp phải chính là động lực để các bạn vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh để theo đuổi niềm say mê võ thuật.
Cờ Lau cũng hứa hẹn trong thời gian tới sẽ nỗ lực đem đến Đấu trường võ nhạc những tiết mục hấp dẫn nhất, quyết liệt hơn nữa để chinh phục giám khảo và người xem.
Anh Thư (T.H) – Theo Mi Ty