Cuối năm 2016 vừa qua, Liên đoàn Võ Cổ Truyền Việt Nam đã có quyết định thay đổi một số màu đai và các cấp bậc trong hệ thống bộ môn, trong số đó, màu đai trắng vốn gắn liền với hình ảnh các võ sĩ cũng đã bị thay thế.
Chung kết Võ cổ truyền: Lộ diện 4 nhà vô địch mới
Thanh Long Võ Đạo: Tinh hoa dòng Võ cổ truyền Việt Nam
Sự thay đổi này không chỉ gây ra một số nhầm lẫn trong thời gian đầu thực hiện quyết định đổi mới của Liên đoàn mà còn để lại niềm tiếc nuối đặc biệt với những võ sư – võ sinh có sự tìm hiểu lâu dài với văn hóa võ thuật của bộ môn, bởi lẽ màu đai trắng không chỉ đơn thuần mà màu sắc mà còn gắn liền với những quan niệm văn hóa độc đáo.
Không phải ngẫu nhiên mà các vị tiền nhân chọn màu đen để làm màu cho võ phục của võ dân tộc. Theo quan niệm người Á Đông, hành tinh này buổi ban đầu là một đại dương mênh mông (Thủy). Do sự biến đổi tương tác của lưỡng nghi (âm – dương; đêm – ngày), sau nhiều năm tháng, hành tinh này đã hình thành nên sự sống (cây cỏ, động vật , loài người).
Màu đen (Thủy) được xem như một khởi đầu của một quá trình hình thành và phát triển. Ngoài ra, nó còn một ý nghĩa bao hàm cho sự u tối. Người môn sinh mặc lên người bộ võ phục màu đen mang ý nghĩa nhắc nhở họ hãy luôn khiêm tốn, dù sau này họ có lãnh hội được những tuyệt kỹ võ thuật thượng thừa thế nào đi nữa thì họ cũng chỉ là những “bọt muối giữa đại dương, hạt cát giữa sa mạc mênh mông”.
Người Á Đông xưa quan niệm “thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”.
Lưỡng nghi là âm và dương; tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm và thiếu dương; bát quái là: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn và đoài. Người ta cũng nhận thấy bản chất của sự tiến hóa vạn vật là sự ức chế – giúp đỡ – ảnh hưởng – nương tựa – thúc đẩy giữa các thành tố. Để biểu thị sự biến hoá không ngừng và qui luật của sự biến hoá đó, người xưa đặt ra “thuyết âm dương”. Âm dương không phải là thứ vật chất cụ thể nào mà thuộc tính mâu thuẫn nằm trong tất cả mọi sự vật, nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn chi phối mọi sự biến hoá và phát triển của sự vật.
Như vậy, có thể thấy “thuyết âm dương” không hề là một khái niệm đơn giản, mà là một hệ thống học thuyết được xây dựng chắn chắn, logic và hoàn thiện của người Á Đông xưa – cũng tức là các nền văn hóa đã dựng xây nên nền móng Võ cổ truyền.
Cũng theo các học thuyết duy vật cổ điển, tất cả mọi vật chất cụ thể được tạo nên trong thế giới này đều do năm yếu tố ban đầu là nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại; tức là thuỷ,mộc, hoả, thổ, kim. Dựa vào những quan sát và đánh giá các hiện tượng tự nhiên, người Á Đông cũng tin rằng năm yếu tố này tác động lẫn nhau theo hai vòng tuần hoàn tương sinh – tương khắc.
- Nhờ nước cây xanh mọc lớn lên (Thủy sinh Mộc)
- Cây cỏ làm mồi nhen lửa đỏ (Mộc sinh Hỏa)
- Tro tàn tích lại đất vàng thêm (Hỏa sinh Thổ)
- Lòng đất tạo nên kim loại trắng (Thổ sinh Kim)
- Kim vào lò lại chảy nước đen (Kim sinh Thủy)
Đây là lí do mà các vị tiền bối võ sư đã dùng quy luật ngũ hành tương sinh để áp dụng cho hệ thống cấp bậc màu đai cho môn võ dân tộc của mình. Các cấp đai được sắp xếp đúng theo thứ tự tương sinh của ngũ hành, bao gồm Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim. Quy cách thể hiện các màu đai này cũng tương ứng với hành trình võ thuật của một đời người:
- Màu đen (hành Thủy): thể hiện cho sự khởi đầu, người học võ chưa biết gì về võ thuật.
- Màu xanh (hành Mộc): thể hiện cho sự sống, thoát ra khỏi sự u mê tăm tối, mở đầu cho một chặn đường mới trên con đường võ học.
- Màu đỏ (hành Hỏa): tượng trưng cho sự mạnh mẽ, giống như người võ sinh đã trưởng thành, thoát ra khỏi sự yếu đuối.
- Màu vàng ( hành Thổ): dùng cho đẳng cấp huấn luyện viên. Thể tiện sự trường tồn, vững chắc. Bắt đầu một chặn đường xây dựng, vun đắp cho những thế hệ đi sau. (Theo thuyết ngũ hành: Thổ là đất để trồng trọt, gây giống được.)
- Màu trắng (hành Kim): dùng cho đẳng cấp võ sư. Kim được sinh từ Thổ cũng như người võ sư phải được sinh ra từ hàng ngũ những Huấn luyện viên.
Hệ thống đai đẳng này đã gắn bó với võ cổ truyền nhiều thập kỷ, gìn giữ những kinh nghiệm, tư duy quý báu của ông cha. Nói cách khác, Võ cổ truyền mang sứ mệnh bảo tồn và truyền dạy triết lý sâu xa của nền triết học phương Đông.
Phạm Vũ