Thiếu lâm Hắc Hổ môn: Chú trọng cả quyền lẫn cước

Kết hợp tinh hoa của Thiếu lâm Nam phái và Bắc phái, môn phái Nam Bắc phái Thiếu lâm Hắc Hổ môn (NBP-HHM) được ra đời tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) năm 1840. 119 năm sau, Chưởng môn đời 4 người Trung Quốc chuyển giao trách nhiệm Chưởng môn đời 5 tại Việt Nam cho võ sư Nguyễn Hớn Minh.

Võ nhạc Taekwondo Việt Nam tung clip khuấy động làng võ cuối năm
Chuyện ngày 20/11: Người thầy không cầm phấn

“TUNG KHĂN” CHỈ SAU HAI HIỆP

Trước 1975, hoạt động võ thuật ở miền Nam ít tổ chức thi quyền mà tập trung vào bộ môn Quyền Anh và Võ tự do, hầu hết hướng đến các cuộc thượng đài. Ông Nguyễn Hớn Minh thuộc nhóm tập võ tự do, là một võ sư nổi tiếng với nhiều trận thắng để đời trước các võ sĩ danh tiếng trong và ngoài nước.

anh-6
Võ sư, HLV và các môn sinh NBP-HHM tại điểm tập 151 Lũy Bán Bích

Năm 1969, Kinh Dị – võ phái rất lớn ở Trung Quốc – cử võ sĩ xuất sắc của mình là Đặng Phước Chang sang Sài Gòn thách đấu. Tiếp “truyền nhân của Chưởng môn Kinh Dị” ở võ đài sân Tinh Võ (Chợ Lớn) lúc đó chính là ông Nguyễn Hớn Minh; trận đấu dự định diễn ra trong 3 hiệp nhưng mới chỉ sau 2 hiệp thì HLV của tay đấm Trung Quốc đành phải “tung khăn” chịu thua.

anh-4
Chưởng môn Tăng Kim Phụng (thứ hai, từ trái) và các võ sư môn phái NBP-HHM

Khoảng hai năm sau, “học trò cưng” Mã Thành Nam của võ sư Huỳnh Kim Hên (tức Mã Thành Long, thuộc môn phái Trà Kha rất tiếng tăm ở miền Tây Nam Bộ) lại lên tiếng thách đấu. Dù thua đến 10kg (58 so với 68) nhưng Chưởng môn đời 5 của NBP-HHM vẫn chấp nhận thượng đài, và kết quả là vẫn buộc HLV của đối thủ phải… “tung khăn” khi trận đấu chỉ mới ở hiệp 2.

anh-3
Võ sư Trần Bửu Duyên (trái) hướng dẫn một thế võ tự vệ

Năm 1972, ông Minh còn có một trận đấu đáng nhớ với vô địch Võ tự do miền Tây Nam bộ Nguyễn Giàu cùng hạng cân với ông. Thế nhưng, cũng ngay hiệp 2, một “cú rờ-ve” của ông Minh khiến cho mặt mũi ông Giàu đầy máu và phải chở đến bệnh viện cấp cứu ngay. Sau trận đấu này, ông Minh quyết định treo găng luôn!

ĐÀO TẠO THÊM NHIỀU HLV VÀ VĐV GIỎI

Năm 2008 ông Minh qua đời nên nhiệm vụ Chưởng môn đời thứ 6 của môn phái NBP-HHM do võ sư Tăng Kim Phụng tiếp quản từ đó đến nay. Võ sư Phụng cho rằng: “Thiếu lâm Nam phái chú trọng quyền, sử dụng đòn tay nhiều hơn trong lúc Thiếu lâm Bắc phái chú trọng cước, sử dụng đòn chân nhiều hơn nên có câu Nam quyền Bắc cước. Từ xa xưa, các sư phụ của NBP-HHM đã chọn giữ lại những tinh hoa của hai môn phái trên để luyện cho học trò của mình tập quyền và cước như nhau. Nếu võ sinh nào tích cực tập luyện thì hiệu quả rất tốt”.

anh-1
Thể hiện dũng mãnh trong bài Mãnh hổ xuất động nhiều lần đoạt HCV toàn quốc

Võ sư Tăng Kim Phụng chính là con gái đầu của cố võ sư Nguyễn Hớn Minh, trong 8 chị em của bà có 4 người phải mang họ Tăng của mẹ vì giai đoạn đó ông Minh trốn quân dịch, không lập được hôn thú với vợ; 4 em khác mang họ cha vì gia đình “lách” bằng cách chọn nơi sinh là bệnh viện tư.

anh-5
Một số môn sinh NBP-HHM đều còn đang học bậc tiểu học

Cùng võ sư Phụng, ba người em khác đều tiếp tục nghiệp của cha là Tăng Kim Tài (hiện là Trưởng bộ môn Boxing và Võ cổ truyền Q.11, TP.HCM), Nguyễn Kim Vân (đoạt 6 HCV và 1 HCB toàn quốc – HLV đội tuyển TP.HCM) và Nguyễn Kim Nga đều đang là võ sư môn phái NBP-HHM. Võ sư còn lại của môn phái này là ông Trần Bửu Duyên (Giảng viên trường ĐH TDTT TP.HCM, HLV tuyển dự bị tập trung TP.HCM), ông Duyên và bà Vân còn là Ủy viên BCH Liên đoàn VCT TP.HCM. Môn phái còn có 25 HLV và 35 Hướng dẫn viên.

anh-9
Bài quyền Thanh long đại đao giúp Liêu Trúc Linh đoạt HCV giải toàn quốc 2016

Ngoài trách nhiệm Chưởng môn của NBP-HHM, bà Tăng Kim Phụng còn là HLV trưởng đội tuyển Võ cổ truyền quận Tân Phú (TP.HCM). Hiện có khoảng 250 võ sinh theo học môn phái NBP-HHM tại hai điểm tập đều nằm trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú).

anh-7
Võ sinh Nguyễn Thị Thanh Thảo 8 năm liền vô địch giải trẻ toàn quốc

Võ sư Trần Bửu Duyên xác định hướng phát triển của môn phái vẫn là đào tạo thêm nhiều VĐV xuất sắc đóng góp vào tuyến năng khiếu TP.HCM. Tuy vậy, theo ông, sắp tới môn phái sẽ tạo nhiều thêm nhiều điểm tập nữa để đào tạo được nhiều HLV và VĐV giỏi, góp phần phát triển môn võ cổ truyền ngày một đi lên.

anh-8
Lâm Hoàng Phúc đoạt HCV Hội khỏe Phù Đổng TP.HCM 2016 với bài Tứ Linh Đao

Nhờ nỗ lực tập luyện và thi đấu, võ sinh của NBP-HHM đã đem lại thành tích khá ấn tượng khi chỉ tính trong 3 năm gần đây (2014 – 2016) đoạt được 19 huy chương toàn quốc (15V, 4B) và 185 huy chương toàn TP.HCM (89V, 62B, 34Đ). Cũng trong 3 năm này, tập thể võ sinh của môn phái này đã 2 lần đoạt giải nhất và 1 lần giải nhì toàn đoàn ở giải Hội khỏe Phù Đổng và giải Học sinh TP.HCM.

anh-2
Thầy trò vui đùa sau một buổi tập

Các VĐV nổi bật có: Nguyễn Thị Thanh Thảo (17 tuổi, sinh 1999, học sinh lớp 12 trường Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định) đoạt HCV giải trẻ toàn quốc liên tiếp 8 năm liền tính đến năm 2016; Liêu Trúc Linh (17 tuổi, học sinh trường THPT Bình Hưng Hòa) trong 6 năm gần đây đoạt 5 HCV và 1 HCB giải toàn quốc (riêng giải năm 2016 đoạt 1V và 1B); Lâm Hoàng Phúc (10 tuổi, học sinh lớp 5 Trường TH Bình Trị Đông) trong năm 2016 đoạt 3 HCV Hội khỏe Phù Đổng TP.HCM…

chu-quang2

Một bài quyền đặc sắc của Thiếu Lâm Hắc Hổ Môn:

https://youtu.be/h4urh0Yd1tw

Bài và ảnh: CHU NGỌC