Hoàng bị tai nạn giao thông, vết thương ban đầu rất nhỏ song do sơ cứu và chăm sóc không đúng cách nay nhiễm trùng nặng, có nguy cơ phải cưa chân.
Chấn thương cổ chân – “bạn lâu năm” của dân võ
Những chấn thương kinh hoàng nhất lịch sử MMA
Lê Thanh Hoàng 23 tuổi quê ở Bình Định gặp tai nạn vào tháng 11 năm ngoái, khi là sinh viên năm cuối Trường Đại học Thể dục thể thao trung ương 2, Thủ Đức. “Bị xe khách tông phải, em ngã xuống đất vẫn tỉnh chỉ chân trái hơi mỏi, không ngờ tình trạng nay lại nặng đến mức có thể phải bỏ chân”, chàng trai ngậm ngùi chia sẻ.
Hoàng tâm sự, có đai trắng môn võ cổ truyền Tây Sơn, ước mơ lớn nhất của anh là trở thành võ sư để dạy cho bọn trẻ ở quê, vậy mà vừa tốt nghiệp đại học đã bị tai nạn phải ngồi một chỗ, có thể bị tàn phế.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy xương chân trái, chỉ định phẫu thuật kết hợp xương, nẹp vít cố định. Gần một tháng sau vết thương không khỏi mà càng đau và sưng tấy, Hoàng đến một bệnh viện khác kiểm tra thì chỗ xương gãy đã bị nhiễm trùng nặng và tụ mủ. Anh điều trị ở 2 bệnh viện khác tại TP HCM vẫn không thuyên giảm.
Cuối cùng, Hoàng được chuyển đến Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Dược TP HCM khi chân trái đã phù căng, đau nhức. Kết quả kiểm tra cho thấy vết thương đã nhiễm trùng, nhiễm trùng xương tại vị trí gãy và lan sang các vùng lân cận, phần mô xung quanh chỗ gãy cũng bị tổn thương nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thôi, tại vị trí vết thương của Hoàng có một lỗ nhỏ, có thể từ lỗ này mà vi trùng xâm nhập vào trong gây nhiễm trùng, áp xe, tụ mủ từ cổ chân lên đến gối, đặc biệt ở những chỗ bắt vít trên xương trước đây. Các bác sĩ hội chẩn quyết định mổ ngay để giải quyết tình trạng nhiễm trùng và kết nối xương cho bệnh nhân.
Trong ca phẫu thuật đầu tiên, các bác sĩ phát hiện một mảnh xương gãy lìa đã bị viêm nhiễm phải gắp bỏ và làm sạch ổ nhiễm trùng. Tiếp đến là cắt lọc khoảng 7-8 cm xương để giảm nguy cơ nhiễm trùng lây lan, sau đó đặt khung cố định ngoài. Tuy nhiên do tình trạng nhiễm trùng quá nặng, dùng thuốc kháng sinh liều cao vẫn không diệt hết, thậm chí vi trùng bắt đầu kháng thuốc nên việc điều trị trở nên khó khăn.
Bác sĩ chia sẻ, “rất tiếc từ vết thương ban đầu rất nhẹ, do xử trí và chăm sóc không tốt dẫn đến hậu quả nặng nề là chàng trai có thể bị mất chân”.
Bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết đến nay Hoàng đã trải qua 3 ca đại phẫu, vết thương tiến triển thuận lợi song chưa thể đưa ra tiên lượng chắc chắn. Hiện tại vấn đề nghiêm trọng nhất là tình trạng nhiễm khuẩn, vi khuẩn bắt đầu kháng thuốc, chi phí điều trị kháng sinh lên đến 5 triệu đồng một ngày trong khi gia đình nghèo khó có thể theo đuổi điều trị.
“Nguy cơ tái phát nhiễm trùng và biến chứng có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Bác sĩ đang cố gắng điều trị giữ chân cho người bệnh, nhưng nếu tình huống xấu buộc phải cắt chi để cứu tính mạng người bệnh”, bác sĩ Khanh nhận định.
Bố của bệnh nhân, ông Lê Văn Hồng cho biết tổng chi phí điều trị cho Hoàng đến nay khoảng 400 triệu đồng, gia đình phải vay mượn khắp nơi. Ông Hồng bị tai biến cách đây 8 năm không còn sức lao động nên được hưởng chế độ người khuyết tật với trợ cấp 540.000 đồng mỗi tháng. Mọi chi tiêu trong nhà phải phụ thuộc vào người vợ nuôi gà vịt và làm ruộng.
Nhìn đứa con từng là võ sư tráng kiện ngày nào giờ không thể bước đi trên đôi chân của mình, người cha mái tóc hoa râm chia sẻ: “Hoàng từ bé yêu võ thuật, lớp 6 thi võ cổ truyền Bình Định và đạt được nhiều giải thưởng. Mấy ngày nay nó cứ khóc suốt”.
Theo Vnexpress