Võ sĩ Nguyễn Kế Nhơn: “Võ thuật đã ngấm vào máu rồi thì sao bỏ được”

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất võ Bình Định nhưng ít ai ngờ rằng con đường võ thuật của Nguyễn Kế Nhơn lại không hề bằng phẳng. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm trong sự nghiệp, cuối cùng tay đấm của vùng đất An Nhơn đã làm nên lịch sử khi mang về chiếc đai WBC Muay Thai chuyên nghiệp cho võ thuật Việt Nam…

GIAN NAN NGHIỆP VÕ

Trong làng võ thuật hiện đại Việt Nam, khi nhắc đến cái tên Nguyễn Kế Nhơn chắc chắn nhiều người sẽ nhớ đến một chàng võ sĩ với vẻ ngoài hiền lành, giọng nói “đặt sệt” ngữ âm địa phương Bình Định… Tuy nhiên, ẩn sau bề ngoài đó là niềm đam mê mãnh liệt với võ thuật. Bước lên sàn đấu, Kế Nhơn luôn khiến các đối thủ phải nể phục bởi lối đánh mạnh mẽ nhưng không kém phần hoa mỹ.

Nguyễn Kế Nhơn sinh ra và lớn lên ở vùng quê thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định. Cha của anh từng là một võ sĩ và cũng là võ sư võ cổ truyền gốc Bình Định. Đó là may mắn đối với Kế Nhơn khi anh được tiếp xúc với võ thuật từ khi còn bé.

Kế Nhơn chia sẻ: “Tôi có may mắn vì được tập luyện võ cổ truyền từ nhỏ. Bắt đầu thi đấu từ những năm học lớp 6, tôi đã giành chiến thắng ngay ở trận đầu tiên. Đó có thể xem là thành công ban đầu để nuôi dưỡng niềm đam mê của bản thân”.

Tưởng chừng như nghiệp võ đến với Nhơn suôn sẻ thì bất ngờ anh được cha mẹ cho nghỉ tập để chuyên tâm cho việc học. Nhơn nói: “Lúc đầu, cha cho tập chỉ để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân nhưng mình càng tập thì càng thích và đam mê. Vì tập võ quá nhiều nên không học giỏi như các bạn đồng trang lứa. Sau đó, cha mẹ đã cho Nhơn nghỉ võ để tập trung vào học. Từ lớp 9 – 12, đó là quãng thời gian Nhơn tạm ngưng, không đụng tới võ”.

Với Kế Nhơn, khi niềm đam mê võ đã ngấm vào máu thì rất khó để từ bỏ. Mặc dù vậy, anh vẫn nghe theo lời của gia đình cho đến khi xong tốt nghiệp cấp 3.

Rời quê nhà Bình Định, anh khăn gói vào Sài Gòn để tiếp tục việc học. Cũng từ đây, anh bắt đầu tìm lại với võ thuật. Đăng ký tập võ ở Thủ Đức được 10 ngày, Nhơn được thầy chọn cho đi đánh giải Boxing trẻ của TP.HCM. Vốn xuất thân là võ cổ truyền, do đó Boxing vốn khá lạ lẫm nhưng Kế Nhơn vẫn quyết tâm thử sức mình. Niềm vui đến khi anh giành được HCB. Anh được chọn vào đội tuyển Boxing của TP.HCM tham gia giải toàn quốc vào năm 2007 và 2008 nhưng điều bị thua ở ngay trận đấu đầu tiên.

Võ sĩ Nguyễn Kế Nhơn.
Võ sĩ Nguyễn Kế Nhơn.

Thất vọng với kết quả, Nguyễn Kế Nhơn tự ngộ ra rằng, bản thân từ nhỏ tập võ cổ truyền, thời gian tiếp xúc với Boxing muộn, thể trạng lại không phù hợp. Do đó, anh quyết định chuyển sang một ngã rẻ mới ở bộ môn Kickboxing.

Tập Kickboxing được 4 tháng, anh được chọn vào đội tuyển quốc gia để tham dự Đại hội võ thuật châu Á và giành được HCĐ. Tưởng chừng như đây sẽ là bệ phóng giúp Kế Nhơn khơi dậy tài năng của mình ở bộ môn mới. Tuy nhiên, không lâu sau, đội tuyển Kickboxing của thành phố giải tán, Kế Nhơn lại lận đận không biết đi đâu về đâu.

Một thời gian sau, anh được đội Bình Dương mời về ký hợp đồng thi đấu. Đến năm 2010, mặc dù mới tập Vovinam được hơn 1 tháng nhưng Nhơn đã xuất sắc đoạt HCV Vovinam Đại hội TDTT toàn quốc. Sau năm 2010, anh chuyển hẳn sang thi đấu kickboxing và Muay Thai cho đến ngày nay. Theo Kế Nhơn, đây là hai môn võ yêu thích nhất, nó giúp anh phát huy tối đa sức mạnh của bản thân.

Về sau, Kế Nhơn thi đấu ấn tượng trên các sàn đấu trong nước và giành được nhiều tấm HCV danh giá. Tiểu biểu trong số đó phải kể đến HCV Kickboxing 2011, HCV Muay toàn quốc 2011, 2013…

KHÔNG THỂ SỐNG ĐƯỢC NẾU THIẾU VÕ THUẬT  

Đó là điều mà Kế Nhơn chia sẻ về quãng thời gian được cho là khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh. Vào cuối năm 2011, anh bị tai nạn giao thông, gãy chân phải và phải nghỉ thi đấu một năm.

Đến khi quay lại, cảm giác thi đấu đã không còn khiến anh không đạt được thành tích cao. Kế Nhơn bắt đầu chán nản và có ý định từ bỏ võ thuật. Nhưng bước ngoặc đến khi anh tìm đến Saigon Sports Club. Được sự động viên của anh Trịnh Văn Trí (Giám đốc của SSC), Kế Nhơn quyết định quay lại thi đấu và giành được 2 HCV Muay toàn quốc vào năm 2013. Tuy nhiên cũng trong năm này, việc không được chọn đi thi đấu SEA Games khiến Kế Nhơn 1 lần nữa quyết định nghỉ tập võ.

Kế Nhơn trải lòng: “Nghỉ 7 tháng để đi làm vệ sĩ, đứng ngoài cuộc chơi nhìn bạn bè tập luyện, cảm giác thấy quyến luyến và muốn quay lại lần nữa. Không có võ thuật, con người tôi như điên dại, không thể tập trung được việc gì”.

Khi trở lại, Kế Nhơn vẫn tiếp tục tập luyện ở Saigon Sports Club. Năm 2014, lần đầu tiên anh được sang Malaysia để thi đấu Muay chuyên nghiệp.

Với Nhơn, đây là kỷ niệm và trận đấu đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình. Anh nói: “Khi đó, đối thủ rất mạnh mà bản thân mình chưa bao giờ thử sức ở hạng 54, do đó, cảm thấy rất áp lực. Hơn nữa, đối thủ liên tiếp xem thường mình nên bản thân đặt quyết tâm phải giành chiến thắng. Khi bước lên đài, thấy cờ Việt Nam tung bay thì bao nhiêu cảm giác lo lắng không còn nữa. Nhơn đã chiến đấu hết mình và giành chiến thắng K.O ở hiệp đấu thứ 4. Đó cũng là lần đầu tiên, Nhơn nhìn thấy ánh mắt của đối thủ bước tới bắt tay mình với sự tôn trọng. Một niềm vui và tự hào rất lớn đối với bản thân Nhơn”.

Trở về Việt Nam, Kế Nhơn tiếp tục tập luyện và sau đó giành thêm 2 chiến thắng ở sàn đấu chuyên nghiệp nữa vào các năm 2015 và 2017 trước khi đến với chiến thắng lịch sử ở trận tranh đai WBC Muay Thai International vào ngày 27/2 vừa qua.

“NHÌN VÀO ÁNH MẮT TỰ HÀO CỦA CHA, TÔI BIẾT RẰNG MÌNH ĐÃ ĐI ĐÚNG HƯỚNG”

Kế Nhơn chia sẻ rằng, dù bề ngoài cha mẹ có phản đối mình đi theo nghiệp võ nhưng thật lòng họ vẫn luôn ủng hộ và dõi theo anh trên từng mỗi bước đi.

Cha Nhơn từng nói: “Võ thuật bạc bẽo lắm, khi còn thi đấu có nhiều vinh quang thì người ta sẽ nhớ tới mình. Nhưng khi chấn thương hoặc giải nghệ rồi thì sẽ chìm vào quên lãng”.

Biết được điều đó nhưng vì quá đam mê võ thuật nên bản thân không còn lựa chọn nào khác. “Bản thân Nhơn quá đam mê, thấy giải đấu thì xin đi đánh nhưng lần nào cha cũng cản. Nhơn đã cố gắng chiều theo ý cha mẹ để học đến hết 12 rồi tự quyết định tương lai cho mình. Đó là theo con đường võ thuật.

Sau khi đạt những thành tích, cha mẹ rất hãnh diện. Khi về quê nhà đánh giải thì gia đình có đi xem và ủng hộ. Điều mà trước đây không bao giờ có. Nhớ có lần nhìn vào ánh mắt cha, Nhơn cảm nhận được ông rất tự hào và lúc đó mình biết rằng đã đi đúng hướng”.

Trong suốt hành trình với nhiều thăng trầm của nghiệp võ, nhiều lúc Kế Nhơn cũng dừng lại và tự nghĩ sẽ từ bỏ võ thuật vì nó chỉ là đam mê nhất thời. Nhưng ý nghĩ đó được anh nhanh chóng gạt bỏ sang một bên để bước tiếp con đường duy nhất mà bản thân đã chọn.

Anh nói: “Tôi từng có 2-3 lần nghĩ sẽ bỏ võ vì nó không nuôi sống được cho bản thân. Tôi cũng từng có ý nghĩ sẽ đi học, sau đó đi dạy. Nhưng không, nó là cái nghiệp theo vô máu rồi, đứng ngoài chịu không nổi thì làm sao bỏ được”.

CHIẾC ĐAI WBC MUAY THAI LỊCH SỬ – THÀNH QUẢ NGỌT NGÀO

Khi mang trên mình chiếc đai WBC Muay Thai lịch sử trên đất Thái Lan, Nguyễn Kế Nhơn đã rơi nước mắt. Gia đình, bạn bè và những người dõi theo từng cú ra đòn của Nguyễn Kế Nhơn ở trận đấu đó điều hiểu được, đó là giọt nước mắt của niềm vui, hạnh phúc vỡ òa sau bao tháng năm tập luyện vất vả.

Nước mắt rơi khi Kế Nhơn giành chiếc đai WBC Muay Thai lịch sử trên đất Thái Lan.
Nước mắt rơi khi Kế Nhơn giành chiếc đai WBC Muay Thai lịch sử trên đất Thái Lan.

Ở độ tuổi xấp xỉ 30, Kế Nhơn không còn trẻ nhưng chắc chắn sẽ còn đủ sức để thi đấu đỉnh cao thêm vài năm nữa. Quyết định đánh ở đấu trường chuyên nghiệp là một bước ngoặt, và chiếc đai WBC chính là thành quả ngọt ngào nhất, xứng đáng thuộc về chàng võ sĩ quê Bình Định.

Sau tất cả những thành công mà Kế Nhơn có được, khi được hỏi về gia đình, đặc biệt là người vợ có ủng hộ anh trên con đường võ thuật? Nhơn ngẹn lòng nói: “Quen nhau từ năm 2009, cùng nhau trải qua một quá trình dài để đến được với nhau. Cô ấy chính là hậu phương vững chắc nhất. Mỗi lúc Nhơn khó khăn hay chán nản, cố ấy luôn động viên Nhơn quay lại sống đúng với bản thân, đúng với đam mê của mình. Nhơn được như hôm nay, một phần lớn là nhờ hậu phương từ vợ”.

Gia đình nhỏ được xem là hậu phương vững chắc để Kế Nhơn tiến bước trên con đường võ thuật. Ảnh: FBNV.
Gia đình nhỏ được xem là hậu phương vững chắc để Kế Nhơn tiến bước trên con đường võ thuật. Ảnh: FBNV.

Được biết, chiếc đai WBC Muay Thai không phải là điểm dừng trong sự nghiệp mà nó như là bước đệm để Kế Nhơn hướng đến những mục tiêu cao hơn. “Xong Muay Thai WBC, tối muốn thử sức mình ở đấu trường MMA”, anh khẳng định.

Với Nguyễn Kế Nhơn, không có thành công nào là không trải qua gian khó. Tự nhận thấy bản thân mình khá lận đận với nghiệp võ nhưng mỗi lần như vậy, anh lại biết cách để vượt qua và chạm thới vinh quang.

Trương tương lai, Kế Nhơn đang muốn thử sức ở võ đài MMA quốc tế.
Trương tương lai, Kế Nhơn đang muốn thử sức ở võ đài MMA quốc tế.

Từ một cậu bé của vùng quê thôn Ngãi Chánh, Bình Định, Nguyễn Kế Nhơn đã bước qua chặng đường dài để vươn tới đỉnh cao của võ thuật. Và khi nhắc đến Kế Nhơn, cộng đồng võ thuật luôn gọi anh với biệt danh có phẩn nể phục “tượng đài Muay Thai”.

“Cuộc sống thì ai cũng có ước mơ và hoài bão. Với Nhơn, đó là được chơi thể thao được tập võ và thi đấu võ. Đã có nhiều ngã rẻ, nhiều cấm cản nhưng quyết định cuối cùng Nhơn vẫn quyết định theo đuổi đam mê của mình. Mình đã cố gắng và làm được điều mong muốn nhất thì dù có thành công hay thất bại, bản thân vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống, sẽ không hối hận. Bởi vậy, bạn có đam mê thì hãy cố gắng theo đuổi đam mê”, Nguyễn Kế Nhơn nói.

Xem video: Nhà vô địch WBC Muay Thai Nguyễn Kế Nhơn

https://youtu.be/tFPEiupRrak

Võ Đạt – Thùy Liên