Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi
Bạn bè thường hỏi tôi “Cậu không đi một cách tự nhiên được ư?”. Tôi cảm thấy thích thú với câu hỏi đó và coi đó là mục tiêu tập luyện sao cho những bước di chuyển kỹ thuật của tôi càng ngày càng thanh thoát và tự nhiên hơn.
Tính đến nay, tôi đã luyện tập Aikido được 6 tháng. Đó là khoảng thời gian để tôi tìm hiểu và bắt đầu thấm dần triết lý của môn võ học tình thương này.
Hàng tuần tôi đến sân võ 3 lần vào buổi chiều. Đây không chỉ là dịp giúp tôi xả hết những căng thẳng sau hai ngày mệt nhọc, mà còn là dịp tôi được thỏa niềm đam mê sân võ của mình. Tôi may mắn được luyện tập ở Nhà thi đấu Phú Thọ, nơi có sàn tập tiêu chuẩn. Với những kỹ thuật ném, té ngã và lăn tròn, Aikido là một trong những bộ môn va đập rất mạnh với mặt sàn. Chứng kiến những khó khăn và đau đớn của các anh chị em đồng môn khác đang tập luyện trên những tấm thảm ghép dày chưa tới 5 cm, thậm chí một số đòn còn bị nhầm, chấn thương có thể xảy ra. Tôi đã tự trách mình vì những lần lơ là, không cố gắng. Mỗi lần té ngã trên sân, tôi lại tưởng tượng về nỗi đau gấp trăm như thế này trên sân cứng. Sân võ đã nhắc nhở tôi vượt qua sự yếu đuối này.
Trong nhiều kỹ thuật được dạy, có lẽ bộ pháp là điểm mà tôi thấy đặc sắc nhất ở Aikido. Những bước di chuyển linh hoạt và cực kì hợp lý, có thể dễ dàng tập luyên ở bên ngoài. Tôi nhớ về lần đầu tiên thành công khi sử dụng trọn vẹn các kỹ thuật Ayumi ashi, Sankaku ashi và Tsugi ashi, cảm giác đôi chân được lướt nhẹ trên mặt đất, cơ thể uyển chuyển theo từng bước đi và nhịp thở. Tôi đã nhanh chóng và nhẹ nhàng vượt qua dãy hành lang đầy sinh viên và dài hơn 30m của trường. Lúc đó tôi nhận ra ứng dụng to lớn của những kỹ thuật này.
Giờ đây các bước di chuyển của Aikido đối với tôi đã không còn bó hẹp trong những nguyên tắc nặng nề của võ thuật nữa, mà đó là sự hòa hợp của tự nhiên. Một khi tâm, khí và thân thể di chuyển hợp nhất, bạn sẽ cảm nhận con đường mình đi hay cách mình thực hiện sẽ rất khác so với trước, dù trong những việc bình thường nhất. Nó sẽ chảy như một dòng nước và uyển chuyển như một chiếc lá trôi trên dòng nước đó… Bạn bè thường hỏi tôi “Cậu không đi một cách tự nhiên được ư?”. Tôi cảm thấy thích thú với câu hỏi đó và coi đó là mục tiêu tập luyện sao cho những bước di chuyển kỹ thuật của tôi càng ngày càng thanh thoát và tự nhiên hơn.
Sau 6 tháng tập luyện, ngoài những triết lý nhận được, tôi còn phát hiện ra một vẻ đẹp mới của môn võ này, đó là những đứa bé. Thật hiếm thấy sân võ nào lại có những môn sinh nhỏ tuổi đến thế. Chúng thật sự là những thiên thần trên sân. Nhìn chúng rụt rè, sợ sệt trong những ngày đầu mới tập. Tôi lại bất ngờ xen lẫn thích thú khi thấy các bé đã biết nô đùa và tự làm quen với các anh chị chỉ ít tuần sau đó. Cá nhân tôi thầm cảm ơn những người cha, người mẹ đã chọn cho con họ một môn học bổ ích chứ không vùi đầu quá nhiều vào sách vở. Dõi theo từng bước chạy hồn nhiên của các em, chốc chốc lại thấy chúng dừng lại rồi kéo lưng quần bởi những ống quần dài quá cỡ, hay sửa lại cọng đai chẳng bao giờ chịu nằm yên trên thắt lưng của mình… Chắc chắn các bạn sẽ không tài nào nhịn được cười khi một lần trong thấy cảnh các thầy HLV dù đang lúc đạo mạo hướng dẫn chúng tôi nhưng cũng phải lúng túng dừng lại trước ánh mắt van ơn quá trong và quá sáng ấy, chỉ để làm công việc duy nhất: thắt lại đai cho các bé. Lẽ dĩ nhiên, để giữ sự kỷ luật và nghiêm túc trên sân võ, các em vẫn hay bị các thầy nhắc nhở. Nhưng nếu thật sự mất đi những nụ cười này, chắt chắn sân tập Aikido sẽ mất đi một phần triết lý yêu thương của mình.
Tình thương này còn thấm nhuần qua mái tóc đã 70 tuổi của võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, người cô đã gắn bó 10 năm với các em khuyết tật trong lớp Aikido Yêu Thương mỗi sáng thứ 4 và thứ 7 hàng tuần. Hay như những giọt mồ hôi và nụ cười của cả đoàn Ấm áp tình người trong dịp tết vừa rồi. Tôi cảm thấy thật may mắn khi trở thành môt thành một phần trong triết lý của môn võ này.
Sáu tháng trước tôi đến với Aikido trong sự thất bại và tuyệt vọng, 6 tháng sau tôi nguyện gắn bó với môn võ này vì tình yêu thương mà không màn đến tính thực chiến hay bao lâu sẽ được mang chiếc đai đen trên người. Bởi khi xưa Tổ sư có dạy “Mục đích của tập luyện là để đánh tan sự yếu đuối, rèn giũa cơ thể, và đánh bóng tâm hồn”. Dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng lời dạy của người vẫn còn nguyên giá trị.
Trần Thế Cường/ Lớp Aikido Phú Thọ – TP HCM