Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi
Chỉ sau một tháng, cơ thể tôi trở nên hồng hào. Tôi ăn khỏe hơn, lên cân liên tục, rồi dần dần “từ giã” các chứng bệnh và những tháng ngày liên miên trong bệnh viện.
Gia đình tôi nghèo lắm! Mẹ phải lăn lội ngoài đường kiếm ăn từ lúc tôi mới sinh ra được vài ngày tuổi. Không được chăm bẵm, lại là đứa trẻ sinh thiếu tháng, tôi trở nên ốm yếu còi cọc… nói theo cách bây giờ là “suy dinh dưỡng”. Sức khỏe của tôi yếu dần, và thường xuyên phải nằm viện với nhiều chứng bệnh phát sinh. Gia đình tôi lúc ấy, dường như kiệt quệ về cả mặt kinh tế lẫn tinh thần.
Được trở về nhà những ngày ít ỏi, sau những ngày dài ở bệnh viện, điều tốt nhất cha mẹ có thể dành được cho tôi cải thiện bữa ăn cũng chỉ có cá, cua, ếch… bắt được ngoài đồng. Để cho cha mẹ vui lòng, tôi cố gắng nhưng không ăn được bao nhiêu, mỗi bữa chỉ cần một bát cơm là đã lo căng. Tôi không ăn được nhiều thức ăn có chất đạm, vì bụng cứ đầy anh ách như không tài nào tiêu hóa nổi.
Rồi đến một ngày…
Cha tôi nhặt được một tờ rơi, “Tuyển võ sinh”. Mang về nhà bàn bạc với mẹ, và quyết định dành dụm hết sức để tôi đủ kinh tế tham gia lớp võ thuật mới này.
Hơn một tháng sau, tôi mới được cha đưa đến lớp võ.
Buổi đầu bẽn lẽn nấp sau lưng cha, tôi vừa sợ, vừa ngại. Tất cả học sinh trong lớp cũng chỉ khoảng bằng tuổi tôi, nhưng trông họ lớn. Tôi run rẩy, ngồi co một góc và khóc suốt cả buổi. Tôi biết cha cố tình để tôi lại, nhưng ông vẫn ở bên ngoài theo dõi từng cử chỉ, hành động của tôi.
Buổi thứ hai, tôi bắt đầu hòa đồng với một số bạn bè trong lớp. Khi nghe kể về những bộ phim chưởng, tôi bỗng hào hứng với những thế võ mà lũ bạn khua múa, và muốn trở thành một nhà võ thuật gia như Lý Tiểu Long.
Tình yêu võ thuật của tôi bắt đầu từ đây.
Tôi thấy can đảm hơn và tự xin thầy cho vào lớp học. Trước những tiếng “hự, hự…”, những động tác dứt thoát, những cú đấm nhanh uyển chuyển, những tiếng dậm châm mạnh mẽ đều như một… khiến tôi cố gắng. Nhưng vì điều gì đó, tôi không tài nào theo kịp. Có vẻ như chân tay tôi không nghe theo những suy nghĩ trong đầu, những thế võ tôi thể hiện không khác gì những “điệu múa ba lê”. Những tiếng cười “ồ” làm tôi ngài ngại, hụt hết hứng thú, và không muốn học nữa. Một lần nữa tôi lại đứng ra khỏi hàng ngũ và chỉ biết ngắm nhìn mọi người tập luyện.
Cuối buổi hôm đó, thầy giáo mời chúng tôi một chầu kem. Vừa ăn, thầy vừa kể về tuổi thơ của một cậu bé gầy gò, yếu ớt và hay bị bạn bè trêu đùa, bắt nạt. Chỉ vì muốn có một thân hình vạn vỡ, cân đối, để không ai dám trêu đùa, mà cậu bé đó tìm đến võ thuật. Sự đam mê, kiên trì và lòng ham học giúp đã cậu bé thực hiện được ước muốn của mình. Và cậu bé đó chính là thầy.
Tôi tò mò, chuyển vị trí ngồi cạnh thầy và hỏi:
– Thầy ơi! Liệu em có thể học được võ và giỏi được như thầy không?
Thầy cho tôi một câu trả lời, khiến tôi rất vui:
Có! Bất cứ ai cũng có thể học võ, cũng có thể thành công và đạt đến trình độ cao trong võ thuật.
– Nếu muốn được như thầy, em cần làm gì?
Thầy dẫn tôi ra sau sân võ, ở đó có khoảng hơn mười cái bao tải cát. Thầy nói riêng với tôi:
– Đối với em, em phải rèn luyện sức khỏe cho tốt. Chỉ một cú đấm vào bao cát, hay chạy vài vòng cũng là em đang thực hiện những hành động cơ bản nhất của võ thuật.
Thầy khuyên tôi mỗi một buổi đến lớp trước tiên phải đấm 50 phát vào một trong các bao cát kia, cứ một tuần tăng thêm mười lần, đấm xong rồi chạy bộ vài vòng xung quanh sân, trước khi vào tập trung cùng với lớp.
Chỉ sau một tháng, cơ thể tôi trở nên hồng hào. Tôi ăn khỏe hơn, lên cân liên tục, rồi dần dần “từ giã” các chứng bệnh và những tháng ngày liên miên trong bệnh viện.
Chưa đầy sáu tháng, không những tôi đã bắt kịp được các bạn trong lớp mà còn nhận lời “thách đấu” và hạ gục được một vài người có vóc dáng to hơn mình. Tuy rằng thời gian tôi học võ không dài, nhưng không thể phủ nhận lợi ích mà võ thuật mang lại. Tôi ngày càng mê những động tác võ, chìm vào nó một cách vô thức và cũng luôn muốn những người xung quanh mình sẽ sớm nhận ra những gì võ thuật mang lại. Cùng nhau học võ để giữ gìn sức khỏe, tiêu tan bệnh tật!
Đỗ Văn Toàn/Hà Nội