Võ đường Mai Hãn – nơi rèn luyện sức khỏe và nhân cách con người

Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi.

Càng đi sinh hoạt với võ đường, các em càng học được nhiều thứ: từ cách sống, suy nghĩ chân chính, 5 điều cấm giới của Phật, đức tính nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh và sẵn sàng tha thứ cho những người có lỗi…

image001
Võ sinh tập luyện tại Võ đường Mai Hãn – Quảng Trị

Trong khuôn viên rộng rãi, thanh tịnh của một ngôi chùa tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, hàng trăm võ sinh trong bộ võ phục thấp thỏm trông mong đến khi tiếng chuông chùa vang lên, để lúc này các em gặp gỡ các bạn đồng môn, cùng chung vui tập võ trong một môi trường nghiêm túc và thoải mái.

Mỗi ngày, khi mặt trời tắt nắng, sân chùa Tỉnh hội Quảng Trị lại sáng trưng và vang lên tiếng trẻ em học võ. Đó là một võ đường Mai Hãn thuộc hệ phái võ cổ truyền dân tộc. Nguồn gốc xuất xứ của võ đường Mai Hãn do cố võ sư Trương Minh Hiếu sáng lập năm 1968. Sở dĩ ông đặt tên võ đường Mai Hãn là vì lấy tên hai địa danh lớn của Quảng Trị là non Mai sông Hãn. Non Mai tức là núi Mai Lĩnh, một ngọn núi đẹp ở chiến khu Ba Lòng. Sông Thạch Hãn là con sông dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị đi vào lịch sử dân tộc với trang sử hào hùng trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

image007

Võ đường Mai Hãn hoạt động qua từng thời kỳ và gắn với chiều dài lịch sử dân tộc, đào tạo nhiều thế hệ võ sinh, những trận so đài nãy lửa trên dải đất miền Trung vào những năm 80 góp phần làm nên tên tuổi của võ phái vào lúc ấy. Đển hình như có võ sư Đỗ Văn Tứ – người hiện nay kiêm giữ chức Chủ tịch Hội võ thuật Võ Cổ truyền tỉnh hay võ sư Nguyễn Quang Tâm – trưởng ban chuyên môn võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là hai cây đại thụ trong võ cổ truyền tỉnh nhà, họ đến với võ cổ truyền dân tộc bằng tất cả niềm đam mê và lòng nhiệt huyết. Đã có thời điểm võ cổ truyền Việt Nam nói chung, làng võ cổ truyền Quảng Trị nói riêng lâm vào cảnh suy thoái, công tác giảng dạy và phát triển gặp nhiều khó khăn… nhưng chính tình yêu võ thuật, coi võ là nghiệp nên thầy và trò võ đường khi ấy đã thường xuyên đi biểu diễn thi đấu ở khắp nơi: lên tận Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), khi thì về tận vùng biển Cửa Việt (Gio Linh), rồi lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), xuống Tây Ninh… Những chuyến đi đó không chỉ tạo kinh phí cho võ phái hoạt động mà quan trọng hơn, để truyền bá võ thuật cổ truyền. Số lượng môn sinh qua đó không ngừng tăng lên…

Hiện tại với hơn 1.000 võ sinh tham gia tập luyện tại 3 địa điểm trên địa bàn tỉnh đó là Thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong.

Võ đường lấy “võ đức” làm nền tảng và chính điều này tạo nên sức mạnh hình thành cái nôi đào tạo hàng trăm võ sinh xuất sắc, bổ sung một lượng vận động viên không nhỏ cho tỉnh nhà đi thi đấu ở các giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc. Điển hình trong số đó là võ sư Đỗ Dạ Long cũng là người phụ trách Võ đường Mai Hãn hiện. Với đội ngũ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm và đam mê, được đào tạo kỹ lưỡng, bài bản, tâm huyết với nghề nghiệp, nên nhiều năm qua Võ Đường Mai Hãn tỉnh Quảng Trị đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ đại hội TDTT của tỉnh Quảng Trị đó là giải Nhất toàn đoàn Võ cổ truyền tỉnh Quảng Trị năm 2005, 2006, 2008, 2009, 2013.

Ngoài hoạt động chuyên môn, Võ đường còn tham gia các buổi biểu diễn võ thuật miễn phí nhân các ngày lễ lớn của dân tộc để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người. Bên cạnh đó Võ đường tổ chức các buổi ngoại khóa dâng hương hoa tại Bến thả hoa sông Thạch hãn để nhắc nhở võ sinh tri ân các anh hùng dân tộc, không bao giờ quên nguồn cội.

Lễ tri ân ngày 27/7 tại Bến thả hoa bên sông Thạch Hãn
Lễ tri ân ngày 27/7 tại Bến thả hoa bên sông Thạch Hãn

Trở lại với Võ đường Mai Hãn tại sân chùa Tỉnh hội Quảng Trị, hằng ngày võ đường đã thu hút khoảng 100 võ sinh tới rèn luyện võ thuật một cách chăm chỉ. Bắt đầu buổi tập, môn sinh cùng ôn lại bài học hôm trước, sau đó tập những thế võ mới. Trong tiếng chuông ngân nga ở một góc sân chùa, có nhóm tập đứng tấn, có nhóm tập quyền hay chỉ đơn giản là ngồi nghe võ sư giảng giải. Nhìn các em biểu diễn những bài đao, thương vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ, dứt khoát, mồ hôi chảy ròng trên má, trên cổ mới hiểu em đã khổ luyện rất nhiều.

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi hai bên thái dương, Liên, 18 tuổi, cho biết đã học võ được 4 năm. Dù đang rất bận với việc ôn luyện chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia, nhưng Liên vẫn tích cực vẫn đến lớp võ.

image018

image016
Võ sinh biểu diễn đường phố truyền bá võ thuật

Nhưng quan trọng hơn là các em đến đây được học đạo võ, đạo dạy làm người có ích cho xã hội. Khi đến đây bài học đầu tiên các em được học là chữ “nhẫn” rồi sau đó mới đến chữ “dũng”, chữ “trí”, chữ “tâm” và tiết tháo làm người. Không “nhẫn” thì không học được võ đạo nên điều đầu tiên là phải rèn chữ “nhẫn”. Con đường võ học là con đường dài vô tận, sự gặp gỡ của thầy trò ngay trên sân chùa này cũng bởi cơ duyên hội ngộ mà có. Người dạy cho các em là người mỗi ngày thắp cho các em một đốm lửa, đốm lửa ấy sẽ do chính các em thổi bùng lên thành nhiệt huyết, thành hành trang để đi trọn kiếp người. “Cái mình mong muốn không chỉ dừng lại ở việc giúp các em học võ nâng cao sức khỏe để tự bảo vệ bản thân mà còn muốn hướng các em đến những điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống“, Võ sư Đỗ Dạ Long chia sẻ.

Mỗi một tuần song song với việc học võ, võ đường kết hợp với nhà chùa tổ chức cho võ sinh học đạo vào ngày chủ nhật. Thượng tọa Thích Giác Chơn giảng cho các môn sinh ngay tại khuôn viên chùa Tỉnh hội. Thượng tọa Thích Giác Chơn, trụ trì chùa Tỉnh hội Quảng Trị vui vẻ khi nhắc tới lớp võ trong sân chùa. Thầy nhận thấy, trẻ ở thị xã ít có không gian để chơi nên trẻ hay sa đà vào chơi game, chát. Vì vậy, khi được đề nghị cho mượn sân chùa là nơi mở võ đường, thầy ủng hộ rất nhiệt tình. Để tạo điều kiện cho lớp, nhà chùa thắp thêm vài bóng điện thật sáng, nấu nước uống hàng tối cho các em và thỉnh thoảng có thêm vài túi bánh, kẹo để động viên. Tất cả những điều này hoàn toàn miễn phí, nhà chùa không lấy tiền của lớp hay của phụ huynh trẻ.

Võ sư - võ sinh võ đường
Võ sư – võ sinh võ đường

Khi chưa đến với Võ Đường Mai, cá tính nhiều em chưa mấy hòa thuận, thiếu lễ phép, ngỗ nghịch… Nhưng sau một thời gian tham gia sinh hoạt với võ đường, nhiều em đã thay đổi tâm tính rất nhiều: dịu dàng hơn, bình tĩnh hơn, khoan dung hơn, biết cư xử với bạn bè và người lớn đúng mực. Hoặc nhiều em học được những lời Phật dạy như “Từ bi, Hỷ xả”, giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn… Phải chăng chính đó là một phần của sự “Vô ngại, Đại bi” mà đức Phật từng dạy.

image012

Với các bậc phụ huynh, đây chính là một nơi để trẻ em rèn luyện sức khỏe và nhân cách. Hơn nữa, đây là môn võ bắt nguồn truyền thống dân tộc, được dạy trong chùa càng thêm ý nghĩa. Càng đi sinh hoạt với võ đường, các em càng học được nhiều thứ: từ cách sống, suy nghĩ chân chính, 5 điều cấm giới của Phật, đức tính nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh và sẵn sàng tha thứ cho những người có lỗi với mình như lời Phật dạy. Làm được điều ấy không những tốt cho mình mà còn cảm hóa được mọi người xung quanh.

Và tôi nghĩ học võ chính là học cách làm người!

Lê Thị Thu Thanh/ Triệu Phong – Quảng Trị