“Tôi thà không kiếm được đồng nào mà giành được chiến thắng còn hơn là kiếm 10 triệu USD mà phải thua trận và đây là lời tôi nói ra, tôi thề nó là sự thật. Sẽ luôn là như vậy, kể cả khi tôi là một tay đấm nghèo rách. Tôi chỉ muốn giành chiến thắng, tôi không quan tâm đến những chiêu trò này, rồi họ cũng sẽ biết đến tôi sau khi tôi thắng.”
MMA đương đại đang ngày càng trở thành một môn thể thao phổ biến với sức ảnh hưởng lớn mạnh khủng khiếp trên toàn cầu. Trên các đấu trường MMA lớn như UFC, các võ sĩ giờ đây không đơn thuần là những kẻ chỉ đánh nhau khi được kí hợp đồng nữa. MMA giờ như một chính trường, như một hậu cung thu nhỏ, đấu nhau trên võ đài đã đành, sau võ đài vẫn tìm mọi cách để tên tuổi của mình luôn xuất hiện trên các mặt báo. Từ trash talk đến phạm luật, quyền năng mà MMA trao cho võ sĩ là sự nổi tiếng để họ có thể tự tung tự tác bất chấp tất cả chỉ để được nổi tiếng và có nhiều tiền.
Giữa một đấu trường mà ai cũng muốn tên tuổi của mình được nổi như cồn thì Georges St Pierre lại đi ngược lại số đông đó. Anh như một vị minh quân, một vị vua thấu tình đạt lí, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đã bao biến cố đi qua, Georges St Pierre vẫn đứng sừng sững và được tất cả phải kính nể, tôn trọng nhờ tài năng và phẩm chất hơn người của mình. Và đây là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Georges St Pierre.
Yên ả bên dòng Saint Laurent
Vùng đất Quebec, Canada bên dòng sông Saint-Laurent hiền hòa và lãng mạn vốn nổi tiếng là một di sản văn hóa của thế giới. Nơi đây ngập tràn những tòa nhà cổ kính cùng thành trì đã tồn tại trăm năm. Thành phố xinh đẹp ở miền Đông Canada ngày 19/5/1981 đón chào một cậu bé kháu khỉnh, lanh lợi sinh ra đời. Cậu bé đó được cha mẹ đặt tên Georges St Pierre.
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại một vùng quê yên bình và xinh đẹp. Từ nhỏ cậu bé Georges St Pierre đã làm quen với việc làm các công việc trong gia đình. Mặc dù cuộc sống chẳng mấy khấm khá nhưng cha mẹ luôn dạy cho Pierre những điều tốt đẹp nhất, mong muốn con mình sau này lớn lên sẽ giúp ích cho đời.
Thuở nhỏ, cậu bé St Pierre tháo vát, năng động, thích chạy nhảy. Cha thấy vậy liền cho cậu đi học Hockey. Ở Canada thời đó, Hockey là một môn thể thao rất được ưa chuộng. Năm 7 tuổi, St Pierre cũng như bao đứa trẻ khác cũng đến lúc cắp sách đến trường. Chẳng may trong ngôi trường của cậu lại có lắm kẻ hay có thói bắt nạt và trộm vặt. Pierre trở thành nạn nhân của những vụ trộm và bắt nạt đó. Về nhà, cậu quyết tâm bỏ Hockey để xin cha học võ. Phần vì Hockey quá tốn kém, phần vì cậu muốn bảo vệ chính bản thân mình.
Cha đồng ý và cho Pierre theo học Kyokushin Karate từ một người thầy trong vùng. Và thế là, cậu bé Georges St Pierre ngày ngày đến phòng tập để tập luyện. Cậu bé thể hiện một phẩm chất phi thường ngay từ khi còn bé, học đến đâu hiểu đến đó, động tác dứt khoát, chính xác đến mức các sư phụ phải kinh ngạc. Thấy giáo dạy Karate của anh mất lúc anh 12 tuổi. Sự ra đi của người thầy mẫu mực, một người thầy có sự ảnh hưởng rất lớn tới tính cách và cuộc đời sau này thực sự là một cú sốc tinh thần đối với anh. Sau đó Georges St Pierre cũng học thêm Muaythai, Brazilian Jiujitsu. Năm 18 tuổi anh bắt đầu học vật tự do và Boxing.
Tuy nhiên, dù cho học thêm rất nhiều môn, Karate vẫn là môn võ có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của GSP. Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Blackbelt năm 2006, St Pierre đã nói rằng “Tôi rất vui vì đã được học Karate từ nhỏ. Nhiều người đã nói với tôi rằng Karate là không hữu dụng trong chiến đấu. Nhưng họ đã sai. Tôi dám chắc rằng nếu tôi không sử dụng Karate thì tôi sẽ không thể ở một đẳng cấp võ thuật như ngày hôm nay được. Karate giúp tôi gia tăng sực mạnh, rắn chắc và sự mềm dẻo. Trong khi chiến đấu tôi không sử dụng Kata nhưng tôi sử dụng rất nhiều đòn đá và các kỹ thuật khác mà tôi được học từ Kyokushin Karate”.
Lúc này, Pierre đã có thân hình vạm vỡ của một lực sĩ. Ở tuổi 18, Pierre trở thành một niềm khát khao của nhiều cô gái với thân hình đẹp, gương mặt nam tính của mình.
Khởi đầu của huyền thoại
Georges St Pierre bắt đầu sự nghiệp của nghiệp dư của mình khi đang tập luyện Jiu Jitsu.. Chiến thắng đầu tiên của anh là lúc anh 16. Tuy nhiên sự nghiệp MMA chuyên nghiệp thực sự mới bắt đầu khi anh ở độ tuổi 21 với trận đánh bại võ sĩ Ivan Menjivar bằng Knockout ở cuối hiệp 1.
Ở tuổi 21, khó có một từ ngữ nào để nói về sự xuất sắc của GSP. 7 trận đầu tiên ra mắt đấu trường chuyên nghiệp, GSP thắng cả 7 trong đó có 4 trận thắng bằng KO. Kể từ đó, Georges St Pierre bắt đầu con đường xây dựng “đế chế” của mình tại UFC. Sau những chiến thắng dễ như chẻ tre, cơ hội đầu đời đến với GSP khi anh đối đầu Matt Hughes tại UFC 50, nơi mà anh lần đầu tiên có mặt trong một trận đấu tranh đai.
Đối mặt với một tay đấm dày dặn kinh nghiệp hơn rất nhiều, Pierre đã nhận thấy bại đầu tiên trong sự nghiệp ngay ở giây cuối cùng của hiệp 1. Trận thua đã ám ảnh Georges St Pierre một thời gian khá dài đến mức sau này nhắc lại, huyền thoại MMA cũng phải thừa nhận Hughes chính là người mà anh sợ nhất khi phải bước vào lồng sắt.
Sau thất bại trước Matt Hughes, St-Pierre đã hồi sinh với chiến thắng trước Dave Strasser bằng TKO. Tiếp đó, anh thắng thêm 4 trận nữa để thêm một lần đối mặt Matt Hughes cho trận tranh đai hạng cân welterweight. Đó là tại sự kiện UFC 65 vào năm 2006, lúc này St Pierre đã là một võ sĩ cừ khôi, chững chạc và tự tin hơn rất nhiều.
Pierre đã mang đến cho khán giả một trận đấu đỉnh cao thật sự và một màn báo thù không thể ngọt ngào hơn. Trận đấu diễn ra được 2 hiệp, Pierre tung một pha head kick kèm một cú đấm cực mạnh để kết liễu Hughes bằng TKO. Đó là lần đầu tiên, Pierre giơ cao chiếc đai vô địch UFC cùng với một niềm tự hào rất lớn nơi chàng trai 25 tuổi.
Thất bại và sự hồi sinh
Ngay sau khi giành được đai vô địch UFC hạng cân welterweight. Georges St Pierre được chỉ định đấu với Matt Serra để bảo vệ đai vô địch. Trước trận đấu, cuộc sống của Pierre có không ít biến động khi cha anh mắc căn bệnh quái ác, người anh em họ rất thân với Pierre cũng qua đời một cách đột ngột. St Pierre cũng chia tay với team của mình sau một thời gian dài gắn bó. Những biến động đó ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm lý của võ sĩ người Canada. Tâm lý không vững vàng, Pierre đã để mất đi chiếc đai vô địch của mình vào tay Matt Serra. Tuy nhiên, anh chẳng đổ lỗi hay trách móc bất cứ điều gì dẫu cho thất bại, Pierre chỉ nói: “Serra hay hơn và xứng đáng có được chức vô địch”.
Anh chúc mừng đối thủ nhưng trong lòng thì đau như dao cắt. Về nhà, Pierre lại lao đầu vào tập luyện để mong một ngày chiếc đai lại về với mình. Anh ám ảnh về chiếc đai vô địch đến mức trận đấu sau đó với Josh Koscheck, anh đã bắt chước hành động quấn đai lên bụng như một lời khẳng đình anh nhất định sẽ leo đến đỉnh cao một lần nữa. Sau trận thắng Josh Koscheck, St Pierre một lần nữa đối đầu với Matt Hughes cho trận tranh đai tạm thời. Lần này, Pierre đang ở những năm tháng sung mãn nhất, còn Hughes đã ở tuổi xế chiều nên chẳng quá khó cho Pierre giành một chiến thắng.
Sau rất nhiều chờ đợi, ngày 19/4/2008, GSP đã một lần nữa có cơ hội chạm mặt Matt Serra để đòi lại chiếc đai vô địch của mình. Lại càng ý nghĩa hơn khi sự kiện UFC 83 hôm đó diễn ra trên chính quê hương Quebec, Canada – nơi GSP đã chào đời. Đó là sự sắp đặt hữu ý để chào đón một nhà vô địch thực thụ theo một cách không thể hoàn hảo hơn. Lịch sử gọi, GSP đáp lời bằng một chiến thắng TKO trong đêm Canada thơ mộng.
GSP đã đòi lại chiếc đai vô địch theo một cách đặt biệt như thế đó. Để rồi, sau đêm Canada hôm đó, người ta chẳng thể nào tìm nổi một cái tên đủ sức hạ gục GSP. Lần lượt 1, 2 rồi đến 9 đối thủ đã đến với Pierre. Trong số này có cả những cái tên vô cùng đình đám như BJ Penn, Nick Diaz, Carlos Condit nhưng rồi tất cả đều lần lượt nằm lại dưới chân GSP. Kể từ trận thua Matt Serra vào năm 2017, chẳng ai còn thấy Pierre phải cuối mặt thêm một lần nào. Hơn 10 năm đi qua cũng chẳng có ai đủ trình so kè với GSP. Anh hồi sinh một cách mạnh mẽ bằng tài năng chứ chẳng bằng thứ gì khác. GSP đường đường đi vào lịch sử UFC là một trong hai võ sĩ có chuỗi bảo vệ đai dài nhất bên cạnh Anderson Silva.
Năm 2017, ở tuổi 36, Pierre ra mắt hạng cân Middleweight và đối đầu một huyền thoại khác là Michael Bisping. Pierre thắng luôn trận này để trở thành nhà vô địch hai hạng cân của UFC. Sau đó, Pierre giải nghệ trong vinh quang. Một hành động của một anh hùng kiêu hãnh thật sự. GSP giải nghệ để lại một sự nghiệp đồ sộ, lẫy lừng mai bất cứ ai cũng khao khát. Hơn thế, GSP là võ sĩ không thể bị ghét ở UFC, là một vị vua mà tất cả phải cúi đầu tôn trọng.
Một nhà vua đúng nghĩa
Lối đánh đẹp mắt, đậm chất kỹ thuật của GSP quả thật là một di sản. GSP không bao giờ thượng đài với ai mà không có sự chuẩn bị kỹ càng, tìm hiểu thấu đáo. Không chỉ vậy, GSP còn ghi điểm trong mắt người hâm một khi là một người tài đức vẹn. Trên võ đài anh là một cơn ác mộng với tất cả, sau võ đài anh là bạn của tất cả mọi người.
GSP luôn tập trung vào luyện tập, chăm lo cho gia đình mình. Ngoài thời gian tập luyện anh tự thưởng cho mình quãng thời gian riêng tư. Có thể nói giữa vòng xoáy danh lợi tại UFC hiện nay, GSP đứng ngoài tất cả. Anh bình tĩnh nhìn nhận, chiêm nghiệm mọi thứ, dành sự tôn trọng cho tất cả mọi người. Những võ sĩ ngày nay thích “đú trend” Conor McGregor khi liên tục đá đểu, chửi nhau trong và ngoài võ đài. GSP thì không.
Anh thừa nhận: “Tôi không thích nói xấu ai cả. Tôi chỉ là chính tôi mà thôi. Với tôi, tôi thích để bản thân mình được tự nhiên, được là chính tôi. Tôi hoàn toàn không giỏi về khoản chửi nhau. Tôi chỉ không giỏi nó. Nếu tôi cố gắng làm điều đó thì tôi chỉ tự đem mình ra làm trò cười và tôi sẽ thua”.
Giữa trò chơi tranh đoạt tiền tài, nhiều võ sĩ chọn cho mình thi đấu những trận đấu triệu đô mặc dù biết trước kết quả. GSP chẳng bao giờ để tiền chi phối. “Tôi thà không kiếm được đồng nào mà giành được chiến thắng còn hơn là kiếm 10 triệu USD mà phải thua trận và đây là lời tôi nói ra và tôi thề nó là sự thật. Sẽ luôn là như vậy, kể cả khi tôi là một tay đấm nghèo rách. Tôi chỉ muốn giành chiến thắng, tôi không quan tâm đến những chiêu trò này, rồi họ cũng sẽ biết đến tôi sau khi tôi thắng.”
“GSP đã củng cố di sản của mình như một trong những võ sỹ vĩ đại nhất lịch sử UFC. Cậu ấy đã đánh bại tất cả những võ sĩ đáng gờm trong triều đại bảo vệ đai welterweight của mình, thậm chí lên một hạng cân để đoạt luôn đai middleweight. Cậu ấy đã cống hiến suốt bao năm tháng để trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất của MMA, và vẫn đang là một trong những đại sứ tốt nhất cho môn thể thao này. Cậu ấy cũng đã đưa Canada lên bản đồ MMA,” chủ tịch UFC Dana White tri ân Georges St Pierre.
Lời từ biệt võ đài của GSP đã để lại một thời kỳ thay đổi thực sự của hạng cân Welterweight. Phong cách thi đấu chắc chắn như cỗ xe bọc thép của mình đã giúp GSP thống trị nhiều năm. Sau ngày GSP giải nghệ, nhiều võ sĩ với lối đánh máu lửa đã biến hạng cân này thành một đấu trường hoàn toàn khác – nơi mà những trận đấu dog fight trở thành “đặc sản”. Nhưng, dẫu cho có khốc liệt hơn, khoảng trống mà GSP để lại vẫn là quá lớn. Người ta vẫn nhớ về GSP như những gì đẹp đẽ nhất của hạng cân này.
Hoài Phương