Tôi biết mình đang đi đâu và tôi biết sự thật. Tôi biết rằng tôi chằng cần phải trở thành bất cứ ai mà người khác muốn. Tôi có quyền tự do trở thành bất kỳ ai theo ý tôi

Trong cơn nắng chói chang của những ngày hè 2016 cái tin sự ra đi đột ngột của Muhammad Ali, nhà vô địch quyền Anh huyền thoại của thế giới, như bóp nghẹn con tim của bao người hâm mộ. Một đóa hồng đỏ duy nhất được đặt bên cạnh di ảnh cố võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali tại trung tâm mang tên ông ở thành phố Louisville, bang Kentucky, sau khi tin loan nhanh về sự ra đi của nhà vô địch quyền Anh đầy cá tính, nổi danh có những cú đấm thần kỳ. Mới đây, đã tròn 4 năm từ ngày Ali rời xa nhân thế.

Nhiều người vẫn tự hỏi, Muhammad Ali là ai? Khi người ta còn bận tâm xem những diễn viên Hollywood nay có gì thú vị, ai chia tay, ai ra ca khúc mới thì liệu mấy ai còn quan tâm tới một vận động viên thể thao lìa xa trần thế? Và tại sao cả thế giới lại đang khóc than cho người đàn ông đó?

Với thế hệ người trẻ, có lẽ một trận quyền anh của Muhammad Ali là điều gì đó xa lạ nhưng với những người cha người anh, họ say những trận đấu của ông hơn bất cứ điều gì khác. Muhammad đã đổ bóng một tượng đài không chỉ xuống làng thể thao thế giới mà toàn thể nhân loại trong thế kỷ 20. Người ta vui cùng ông, buồn khi thấy ông gần như sắp bại trận nhưng lại reo hò sung sướng khi ông trở lại và giành thắng trận.

Và hơn tất cả, người ta yêu người đàn ông này không phải chỉ vì những thành tích mà ông đã đạt được. Đằng sau cuộc đời của Muhammad Ali là sự nỗ lực, những bài học và câu nói mà mãi mãi về sau, chúng ta vẫn sẽ nằm lòng mỗi khi nhắc đến.

Thật khó tưởng tượng trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, trong một thế giới nối kết như bây giờ, lại có người nổi tiếng trên toàn cầu như Muhammad Ali mà không cần đến mạng internet, truyền thông xã hội hay hệ thống truyền hình dây cáp.

Ông là nhà vô địch Muhammad Ali

Muhammad Ali tên thật là Cassius Marcellus Clay Jr vào ngày 17/1/1942 tại vùng Louisville. Bắt đầu học quyền Anh từ năm 12 tuổi tại một CLB ở địa phương, Ali nhanh chóng cho thấy tố chất tuyệt vời để trở thành một trong những tay đấm xuất sắc nhất trong lịch sử môn thể thao này.

Tài năng sớm được công nhận, Ali được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự Thế vận hội. Tại Olympic Rome năm 1960, Ali tạo tiếng vang lớn khi đánh bại võ sĩ nghiệp dư người Ba Lan Zbigniew Pietrzykowski để giành chiếc HCV hạng dưới nặng. Đó chiến tích lớn nhất trong cuộc đời Ali cho đến thời điểm đó.

“Tôi nhớ rằng cậu ấy đã chạy khắp làng Olympic cùng chiếc HCV trên tay”. Wilma Rudolph, nữ VĐV Mỹ, người giành 3 HCV môn điền kinh năm đó cho biết. “Cậu ấy ngủ cũng đeo nó. Ăn uống cũng không rời. Không ai đạt huy chương mà ăn mừng như cậu ấy cả”. Rudolph hiểu rằng, thứ tuyệt vời nhất dành cho Ali chỉ có quyền Anh. Và đó chính xác là những điều Ali làm để xây dựng danh tiếng cho bản thân.

Những người từng có cơ hội tiếp xúc với Ali đều nhận xét ông là người hoạt ngôn, vui vẻ nhưng vô cùng tự tin và chẳng biết sợ hãi. Ngày 29/10/1960, trong trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên, Ali hạ gục tay đấm Tunney Hunsaker trong vòng 6 hiệp. Đội của Ali khi đó có cựu võ sĩ quyền Anh hạng gà George King. Người sau này chia sẻ với báo giới cuộc nói chuyện đáng nhớ với huyền thoại người Mỹ.

Ali hỏi King: “Tại sao anh lại có cái tên đó. Anh quá nhỏ bé để trở thành một vị vua (trong tiếng Anh “King” có nghĩ là vua). Mọi người nên gọi anh là Johnson hay gì đó bởi thật sự chỉ có một vị vua duy nhất mà thôi”.

“Đó là ai vậy?” King hỏi lại trong sự kinh ngạc.

Không chút do dự, Ali nói: “Đó là người mà anh đang nói chuyện cùng đấy”.

Vào thời điểm ấy, người ta hay gọi Ali với biệt danh “cái mồm nhiều chuyện vùng Louisville”. Ali từng nói: “Tôi trẻ, tôi đẹp trai, tôi nhanh nhẹn và tôi không thể bị đánh bại. Tôi nói những điều ấy ngay từ khi tôi còn chưa trở thành như vậy. Tôi thiết nghĩ nếu tôi nói dù nhiều, tôi sẽ thuyết phục được thế giới rằng tôi là người giỏi nhất”.

Tất nhiên, Ali không chỉ có cái miệng quen nói suông. Theo cây viết William Nack, hiếm ai tập luyện chăm chỉ như Ali. Ông thường dậy lúc 4h sáng. Bắt đầu ngày mới bằng việc chạy 5-10 dặm trên đôi giày được gắn chì.

Ý chí và nghị lực tuyệt vời giúp chàng trai Ali đạt được những thành công nhanh chóng. Ở tuổi 22, Ali thắng chiếc đai WBC danh giá sau chiến tích đánh bại nhà vô địch Sonny Liston và bất bại trong 7 năm tiếp theo. Không lâu sau khi giành đai vô địch thế giới, Muhammad Ali đã quyết định theo đạo Hồi và từ lúc này ông mới chính thức lấy tên Mohammad Ali.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Mohammad Ali đã gặp biến cố khi ông từ chối nhập ngũ vào năm 1967. Kết quả là Ali đã bị Hiệp hội quyền Anh thế giới tước đai vô địch và cấm thi đấu 3 năm rưỡi. Sau khi mãn hạn cấm thi đấu, Alli đã thượng đài vào tháng 10.1970. Trong trận này, ông đã hạ knock-out võ sĩ Jerry Quarry. Đến tháng 3.1971, Mohammad Ali đối đầu với nhà tân vô địch thế giới Joe Frazier ở Madison Square Garden. Kết quả là Ali đã phải nhận thất bại đầu tiên trong sự nghiệp.

Tháng 10.1974, Mohammad Ali đã giành lại đai vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới khi hạ knock-out nhà vô địch lúc bấy giờ là George Foreman trong trận đấu được tổ chức tại Kinshasa. Tròn 1 năm sau, Ali đã trải qua trận đấu vô cùng khó khăn khi mất tới 14 hiệp đấu để đánh bại Joe Frazier ở Quezon, Philippines.

Nói về những vinh quang lúc đó, Muhammad Ali tự nhận xét mình: “Cú đấm đau như ong chích, né đòn nhanh như bướm vờn và khỏe như bọ cánh cứng. Tay của tôi có thể đánh được những thứ mà mắt của bạn không nhìn thấy được. Cứ hỏi George Foreman ấy”.

“Để trở thành một nhà vô địch vĩ đại, bạn phải tự tin rằng mình là kẻ giỏi nhất. Nếu không hãy giả vờ mình là kẻ giỏi nhất”

Kế từ cuối thập niên 1970, sự nghiệp của Ali bắt đầu đi xuống. Vào các năm 1978 và 1980, ông lần lượt nếm thất bại trước Leon Spinks và Lary Holmes. Ngày 11.12.1981, Ali đánh mất đai vô địch sau khi để thua trước võ sĩ Trevor Berbick. Không lâu sau, ông đã tuyên bố giải nghệ.

Sở hữu thân hình đồ sộ với chiều cao 1m91 và cân nặng 95 kg, Ali có sức mạnh của một chú gấu hoang dại kết hợp với tốc độ của một tay đấm hạng trung. Thêm một trái tim dũng cảm trong lồng ngực và chiếc cằm cứng như đá granite.

Cả sự nghiệp, Ali có trong tay 56 chiến thắng và chỉ 5 lần thua trận, 3 trong số đó đến khi huyền thoại người Mỹ đã ở bên kia sườn dốc. Trong quãng thời gian này, ông từng giữ chiếc đai WBA, WBC, lineal và The Ring thế giới.

Tờ The Ring năm 1998 đánh giá Ali là võ sĩ sô 1 hạng nặng mọi thời đại. Trang ESPN xếp huyền thoại người Mỹ là tay đấm xuất sắc thứ 2 trong lịch sử. Đó là những gì mà cậu bé lần đầu đến với boxing chỉ nhằm mục đích đánh gục cái gã lấy trộm chiếc xe đạp của mình làm được.

Ali tự nhận xét: ““Tôi chính là vị cứu tinh của thế giới quyền Anh. Nếu không có tôi, môn thể thao này sẽ bị bất tử”.

Cả đời chiến đấu cho lẽ phải

Giáo sĩ Yasir Qadhi, học giả Hồi giáo người Mỹ chia sẻ trên trang Facebook của ông: “Không ai chối cãi Muhammad Ali là người Mỹ theo đạo Hồi nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay. Muhamad Ali đã đưa ra một hình ảnh tích cực về Hồi giáo, và giao truyền tên tuổi của nhà tiên tri Muhammad kính yêu của chúng ta tới mọi gia đình, khiến tên ngài được nhắc tới ở khắp mọi nơi. Đây quả là một cuộc sống đáng mơ ước.”

Với một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể tráng kiện, một cá tính mà có nhà báo miêu tả là ‘bất khả kiềm hãm’, đi kèm với tài đối đáp nhanh nhẹn, Muhammad Ali trên đỉnh cao danh vọng, là môt ‘sức mạnh của thiên nhiên và một tác nhân của sự thay đổi’, một bài báo viết.

Năm 1966, Muhammad Ali từ chối nhập ngũ để tham chiến tại Việt Nam, ông nổi danh với câu phản biện “Không có người Việt Nam nào đối xử tồi tệ với người da đen cả”. Ông coi việc điều hàng nghìn binh lính và máy bay đến quốc gia Đông Nam Á là một hành vi vô nghĩa. Người từng chịu vô số lời miệt thị và không dám vào các cửa hàng của người da trắng khi còn nhỏ hiểu nước Mỹ còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết thay vì đi phát động các cuộc chiến. Đến năm 1978 ông tiếp tục giăng khẩu hiệu phản đối chiến tranh tại Việt Nam ngay tại nơi tuyển quân, sau đó ông bị bắt và bị kết án 100 nghìn USD và 5 năm tù giam.

Phát biểu tại đám đông sinh viên ngay trước phiên tòa xét tội vì từ chối nhập ngũ, Ali hét lớn: “Kẻ thù của tôi là người da trắng. Không phải Việt Nam, Nhật Bản hay Trung Quốc. Bạn là kẻ thù của tôi khi tôi muốn tự do. Bạn là kẻ thù của tôi khi tôi muốn công lý. Bạn là kẻ thù của tôi khi tôi muốn bình đẳng. Bạn không đứng lên ủng hộ tôi và muốn tôi đến một nơi nào đó và chiến đấu ư?”

“Lương tâm tôi không cho phép tôi bắn những người anh em của mình, hay những người nghéo đói vật lôn trong vũng bùn của cường quốc Mỹ,”

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Ali đã nói: “Bắn họ vì lí do gì. Họ không bao giờ gọi tôi là “mọi”, chưa bao giờ tệ bạc với tôi, chưa bao giờ xua đuổi tôi, họ không cướp của tôi, hãm hiếp và giết mẹ tôi…Sao tôi có thể cầm súng bắn những người nghèo đó? Cứ đưa tôi vào tù.”Ngoài thành công nổi bật trong làng quyền Anh thế giới, Muhammad Ali còn được biết đến là một nhà từ thiện, nhà hoạt động xã hội năng nổ. Kể từ khi treo găng vào năm 1981, Ali có mặt ở khắp nơi trên thế giới vì các sứ mệnh nhân đạo và dành thời gian cho nhiều đóng góp cho xã hội. Năm 2005, ông cũng đã nhận Huân chương Tự do tổng thống. Ngoài ra, ông còn thành lập Trung tâm nghiên cứu Parkinson mang tên Muhammad Ali ở Phoenix và một học viện giáo dục, văn hóa ở thị trấn quê hương ông Louisville, Kentucky.

Muhammad Ali còn được nể phục vì luôn can đảm, thuỷ chung với nguyên tắc mà ông cho là đúng, bất chấp phải trả cái giá đắt nhất, như danh vọng, tiền tài và cả sự nghiệp đầy hứa hẹn của ông. Nhiều người đơn cử tính cả quyết, trước sau như một của ông khi thẳng thừng từ chối nhập ngũ để sang Việt Nam chiến đấu, viện lý do tôn giáo. Một quyết định khác mà nhiều người cho là can đảm là lúc ông cải đạo sang đạo Hồi.

Đến những người bất đồng quan điểm với Muhammad Ali cũng phải bái phục ý chí sắt đá, quyết không phản bội các giá trị cốt lõi của mình, và thái độ ‘không bao giờ bỏ cuộc’ của Muhammad Ali.

Ali trở thành thần tượng của vô số người thuộc thành phần bị thua thiệt trong xã hội, như các nhóm thiểu số. Tạp chí Time thuật lời vận động viên bóng rổ nổi tiếng Kareem Abdul Jabbar, nói về ảnh hưởng của Muhammad Ali đối với ông như sau:

“Tôi lên 13 tuổi khi gặp ông lần đầu trên Đại lộ Hollywood, ảnh hưởng của Muhammad Ali trong những năm có tính cách quyết định của đời tôi, vượt ra ngoài lĩnh vực thể thao. Ông đã hoàn toàn chinh phục thế giới quyền Anh, với lối đối đáp nhanh nhẹn và khả năng đánh bóng chính mình bằng những tuyên bố vô cùng tự tin, mà giới chỉ trích miêu tả là ‘tự khoe mình một cách không biết ngượng’.

Trên đời chỉ có một Ali

Năm 1984, Muhammad Ali phát hiện mắc chứng Parkinson, căn bệnh rối loạn hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng tới vận động. Suốt hơn 3 thập kỷ sau đó, Muhammad Ali chống chọi với căn bệnh quái ác này. Ông dẫu bệnh vẫn cố gắng tham gia các hoạt động xã hội để mang đến những điều tốt đẹp cho đời.

Là một người phải chống chọi với bệnh Parkingson trong suốt 3 thập niên, Muhammad Ali trở thành tiếng nói của những người mắc chứng bệnh quái ác này. Diễn viên Michael J. Fox, một bệnh nhân Parkingson nổi tiếng khác, là người đã cùng Tiến sĩ Todd Sherer, sáng lập Quỹ Nghiên cứu bệnh Parkinson Michael J. Fox. Hai ông viết: “Có những ngôi sao, và có những chùm sao sáng. Muhammad Ali là chùm sao sáng nhất, hiếm khi được chứng kiến xẹt nhanh qua bầu trời. Cho nên thật là đặc biệt khi chúng ta nhớ lại sự nghiệp thể thao lẫy lừng không ai bì được của ông, sự nghiệp đó sáng chói nhưng ngắn hơn nhiều so với 3 thập niên ông phải chống chọi với bệnh Parkinson.”

Michael J. Fox nói tiếp: “Vô số người phải sống với bệnh Parkingson, trong đó có tôi. Chúng tôi coi Muhammad Ali như một tấm gương cam đảm, vô cùng nể phục thái độ an nhiên tự tại, không hề sợ hãi của nhà vô địch quyền Anh trước bước tiến không thể ngăn cản của bệnh Parkingson.”

“Các nhà vô địch không sinh ra trong phòng tập mà họ sinh ra từ khát khao sâu trong lòng, cùng ước mơ và ảo mộng. Họ có trong mình kỹ năng và ý chí. Nhưng ý chí luôn phải mạnh hơn kỹ năng”.

Ngày 3/6/2016, sau hơn 30 năm chống chọi với căn bệnh, Muhammad Ali trút hơi thở cuối cùng trong sự tiếc thương vô bờ bến của người hâm mộ trên toàn thế giới. Cuộc đời ông khép lại nhưng di sản và những ký ức mà người đàn ông vĩ đại để lại cho trần thế là vĩnh hằng, là mãi mãi.

Thật sự, ngày ông ra đi, chẳng ai còn quan tâm đến sự nghiệp Boxing của ông vĩ đại thế nào. Giờ trong tiềm thức của những người trót dành tình cảm cho ông chỉ có sự kính trọng, biết ơn và tôn kính. Hơn cả quyền Anh, Ali là người đã mang hòa bình, mang tự do, mang đức tin của mình đến mọi nẻo đường trên thế giới. Ông là con người truyền cảm hứng, là một biểu tượng của xã hội hiện đại, là một người dám đấu tranh tới cùng mặc cho mình vẫn đang vật lộn trên chiếc xe lăn.

Với những ai yêu mến Muhammad Ali, ông là người vĩ đại hơn tất cả những người vĩ đại trên trần đời. Vì trên đời, chỉ có một Muhammad Ali.

HOÀI PHƯƠNG (TỔNG HỢP)