Trong thi đấu cũng như thực chiến, nếu bị đánh trúng vào các huyệt đạo nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Toàn bộ thân thể có 108 huyệt nguy hiểm, trong đó vùng đầu và cổ chiếm 9 huyệt. Cùng VoThuat.vn điểm qua 9 huyệt đạo này ở vùng đầu và cổ.
1. HUYỆT BÁCH HỘI
Tên gọi: Huyệt là nơi các đường kinh Dương họp lại vì vậy gọi là Bách Hội.
Vị trí: Gấp 2 vành tai về phía trước, huyệt ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào đó thấy 1 khe xương lõm xuống.
Khi bị đánh trúng: Sẽ choáng váng, ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự.
2. HUYỆT THẦN ĐÌNH
Tên gọi: Não là phủ của nguyên thần, Huyệt ở vị trí chính giữa phía trước tóc, coi như cửa của đình, vì vậy gọi là Thần Đình.
Vị trí: Ở sau chân tóc trán 0, 5 thốn. Nơi người trán hói, lấy ở huyệt Ấn Đường thẳng lên 3, 5 thốn.
Khi bị đánh trúng: Sẽ choáng váng, ảnh hưởng đến não.
3. HUYỆT THÁI DƯƠNG
Vị trí: Ở chỗ lõm phía sau lông mày nơi có đường mạch xanh của Thái dương. Hoặc phía sau điểm giữa đoạn nối đuôi lông mày và đuôi mắt ước 1 tấc, nơi chỗ hõm sát cạnh ngoài mỏm ổ mắt xương gò má đè vào có cảm giác ê tức có khi thấy rõ mạch máu nổi lên.
Tác dụng: Sơ giải đầu phong, thanh nhiệt, minh mục.
Khi bị đánh trúng: Sẽ choáng váng, mắt tối lại, ù tai.
4. HUYỆT NHĨ MÔN
Tên gọi: Huyệt ở vị trí huyệt ngay trước của tai vì vậy gọi là Nhĩ Môn.
Vị trí: Ở ngay phía trước rãnh trên bình tai, đầu trên chân bình tai, nơi cơ tai trước.
Khi bị đánh trúng: Ù tai, choáng đầu ngã xuống đất.
5. HUYỆT TÌNH MINH
Tên gọi: Huyệt có tác dụng làm cho con ngươi mắt sáng lên, vì vậy gọi là Tình Minh
Vị trí: Cách đầu trong góc mắt 0, 1 thốn, tại chỗ góc khóe mắt trong, đầu chân mày.
Khi bị đánh trúng: Có thể hôn mê hoặc hoa mắt ngã xuống đất.
6. Huyệt Nhân Trung
Tên gọi: Theo các sách xưa, môi trên được gọi là Nhân trung, huyệt nằm ở vùng rãnh mũi – môi nên gọi là Nhân Trung hoặc Thuỷ Câu.
Vị trí: Tại điểm nối 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh Nhân trung, giữa đáy rãnh.
Khi bị đánh trúng: Sẽ choáng đầu, hoa mắt.
7. HUYỆT Á MÔN
Tên gọi: Huyệt được coi là nơi có tác dụng trị chứng câm, vì vậy gọi là Á Môn.
Vị trí: Sau ót, chỗ lõm giữa gai đốt sống cổ thứ nhất và đốt sống cổ thứ 2.
Khi bị đánh trúng: Đập vào khu diên tuỷ (một phần não sau nối tuỷ sống) sẽ không nói được, choáng đầu, ngã xuống đất bất tỉnh.
8. HUYỆT PHONG TRÌ
Tên gọi: Huyệt được coi là ao chứa gió từ ngoài xâm nhập vào, vì vậy gọi là Phong Trì.
Vị trí: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.
Khi bị đánh trúng: Đập vào trung khu diên tuỷ, hôn mê bất tỉnh.
9. HUYỆT NHÂN NGHÊNH
Tên gọi: Ngày xưa, trong Mạch Học, người xưa chia ra tam bộ, cửu hậu, phần trên của tam bộ là Nhân Nghênh, huyệt ở vùng Nhân Nghênh mạch, vì vậy gọi là Nhân Nghênh
Vị trí: Yết hầu, ngang ra 2 bên 5cm. Nơi gặp nhau của bờ trước cơ ức – đòn chũm và đường ngang qua chỗ lồi nhất của yết hầu, sờ ở cổ có động mạch cảnh đập.
Khi bị đánh trúng: Khí huyết ứ đọng, choáng đầu.
Nguồn: Internet