Trong tập luyện võ thuật, nguy cơ gặp phải những chấn thương là điều thường xuyên xảy ra, không ai có thể tránh khỏi được. Nhẹ thì đau cơ, bong gân dẫn đến nghĩ tập, nặng hơn thì đứt dây chằng, gãy xương…
Tất cả những chấn thương trong võ thuật nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh với người tập. Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ các dạng chấn thương cơ bản, cách điều trị để có thể phòng tránh một cách tốt nhất.
Có thể chia ra 3 dạng chấn thương thường gặp:
1. CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM
Máu bầm: Thường gọi là vết bầm hay cục máu bầm, do máu thoát ra tụ dưới da. Không sưng, từ màu đỏ chuyển sang xanh và cuối cùng là màu vàng. Vết bầm biến mất sau 2 hoặc 3 tuần lễ.
Cách chữa trị: Sử dụng túi chườm đá, sau một thời gian thì xoa bóp với thuốc.
Sưng tụ máu: Máu tập trung tại một điểm, một cục u xuất hiện tiếp đó do đứt mạch máu.
Cách chữa trị: Sử dụng túi chườm đá, dùng tay ấn vào cục u để làm tan việc xuất huyết và chận dòng chảy, trong vài trường hợp quan trọng, phải cần đến phẫu thuật để rút máu (châm chích).
Xây xát: Sau khi bị va chạm, không thấy có vết thương. Nhưng sự va đập có thể đã gây đứt đoạn những tĩnh mạch, hay động mạch,v.v… Cũng có thể cơ bị rách. Phải lưu ý với những tai nạn kiểu này.
Cách chữa trị: Không xoa bóp, không chườm nóng vì sẽ khiến gây giãn nở mạch máu và làm tăng xuất huyết. Lau sạch vết thương bằng chất sát trùng và bao che bảo vệ. Nếu trầm trọng cần đến y sĩ hoặc bệnh viện.
Chấn động ở vùng bụng: Bề ngoài có vẻ không gây hậu quả trầm trọng, các chấn thương có thể dẫn tới viêm niêm mạc bụng, hoặc xuất huyết nội. Triệu chứng: mặt tái mét, xuất hạn, nôn mữa, buồn nôn, sốt nhẹ, khoang bụng cứng và đau.
Cách chữa trị: đưa ngay bệnh nhân đến y sĩ hoặc bệnh viện.
2. CHẤN THƯƠNG CƠ
Giãn cơ: Là tổn thương cơ dạng nhẹ do dây chằng, gân, cơ bị kéo giãn quá mức cho phép. Số lượng bó sợi cơ bị đứt là dưới 25%. Ngay lúc bị chấn thương, người bệnh thấy đau nhói ở vùng gân cơ, nhưng không bị máu bầm, không làm ngưng cử động. Sau ít phút, cảm giác đau giảm và vùng bị tổn thương sẽ sưng nhẹ.
Cách chữa trị: Thoạt tiên chườm nước đá. Sau đó, thoa nhẹ thuốc bóp thích hợp. Sử dụng hơi nóng, gạc, dấm, nước, hồng ngoại.
Căng cơ: Một vài sợi cơ bị đứt. Đau nhiều và phải ngưng hoạt động. Vết máu bầm sau một thời gian.
Cách chữa trị: Chườm đá trong vòng hai ngày. Không xoa bóp; nghỉ ngơi. Sau 15 ngày, có thể xoa bóp cộng với tái tập luyện.
Rách cơ: Số cơ bị rách chiếm 25 – 75% bó sợi. Xuất hiện vết bầm do các sợi cơ bị đứt nhiều hơn. Bệnh nhân có thể nghe tiếng “bựt” hay “rắc” tại chỗ bị thương, khớp có thể bị mất độ vững, cảm giác đau dữ dội và có thể gây ngất xỉu. Hoạt động chức năng của cơ bị tê liệt hoàn toàn.
Cách chữa trị: Chườm đá, tránh xoa bóp. Cần có y sĩ vì nếu việc rách cơ không được chăm sóc thích hợp, sẽ có khả năng canxi hóa u máu. Sau khi tái luyện 8 tới 10 tuần tiếp theo tai nạn, có thể trở lại luyện tập một cách chậm rãi từ nhẹ đến nặng.
Đứt cơ hoàn toàn: Số cơ bị rách chiếm trên 75% bó sợi, cơ bị đứt hoàn toàn hay bị tách ra khỏi xương, một lỗ trũng xuất hiện do cơ rút lại làm máu bầm tụ nhiều ngày sau đó, khớp sưng nhiều và trở nên lỏng lẻo. Mất khả năng hoàn toàn. Nạn nhân không thể sử dụng chi bị tổn thương.
Cách chữa trị: Hoàn toàn bất động, cần phải phẫu thuật để may lại cơ hoặc gắn lại nó vào xương.
3. CHẤN THƯƠNG KHỚP, XƯƠNG
Trật khớp: Do một động tác không ăn khớp, xương ra khỏi ổ khớp, nhưng rồi trở lại đúng vị trí. Sự việc gây ra chấn thương dây chằng. Theo tầm quan trọng của chấn thương, ta có thể xếp thành 3 nhóm:
Trật khớp cấp 1: Các dây chằng bị kéo dài. Trị liệu: Chườm nước đá, rồi thoa bóp với thuốc. Nghĩ ngơi. Có thể luyện tập trở lại sau 8 đến 10 ngày.
Trật khớp cấp 2: Dây chằng bị đứt một phần. Chỗ bị chấn thương sưng lên. Đau nhiều và hoạt động chức năng bị ngưng. Trị liệu: Chườm nước đá, đưa nạn nhân đi khám. Các phương thuật như xoa bóp, thuốc chống viêm, tập vật lý trị liệu, điều trị để có thể áp dụng cho loại chấn thương này.
Trật khớp cấp 3: Loại trầm trọng hơn cả. Các dây chằng bị đứt hẳn hay tách khỏi đầu xương. Đau nhiều. Cử động bị tê liệt. Trị liệu: Bất động hóa và đưa nạn nhân đến một trung tâm y khoa khám. Có thể phải cần đến phẫu thuật.
Nên tránh: Trường hợp trật ở cổ chân, không nên cho bệnh nhân “đi lại xem có đau không”. Dù mức độ trầm trọng như thế nào thì điều này cũng làm nạn nhân đau.
Rã khớp: Đầu xương bung ra khỏi ổ khớp gây giãn hoặc rách các dây chằng và chấn thương cho khoang khớp. Triệu chứng: Đau nhiều, sưng vù tại chỗ, bầm tím, mất toàn bộ vận động chức năng.
Sơ cứu: Chườm nước đá hay “gạc” ướp lạnh. Băng nhẹ để hỗ trợ khớp. Đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Nên tránh: Cố gắng nắn lại khớp.
Viêm màng xương: Màn xương bị viêm do: Bị dập liên tục hoặc cố gắng quá mức. Thường xảy ra ở mặt trước xương chày, gây đau khủng khiếp.
Săn sóc: Chườm nước đá, nghỉ ngơi, thuốc kháng viêm.
https://youtu.be/eglwNNIFIg8
VoThuat.vn Tổng hợp