2 điều nên tự hỏi trước khi tập luyện võ thuật

Nhiều người bắt đầu tập luyện võ thuật một cách ngẫu nhiên và tùy hứng, điều ấy không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu có một chút thời gian “kiểm điểm” lại 2 vấn đề sau đây, bạn sẽ có thể thành công hơn và tránh được nhiều sai lầm về sau.

Hỏi đáp: Tay bị cán vá có thể tập võ – thể thao được hay không?

Cần xóa bỏ “ảo tưởng” về tự vệ và thực chiến

MỤC ĐÍCH TẬP LUYỆN?

Mục đích tập luyện là thứ quan trọng nhất, ảnh hưởng đến mọi yếu tố trong việc tập luyện võ thuật của mỗi người. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mà nhiều người ít quan tâm nhất.

Bạn tập luyện để làm gì? Có rất nhiều câu trả lời như: tự vệ, vì sức khỏe, yêu thích, nguyện vọng thi đấu thể thao chuyên nghiệp… Mỗi câu trả lời đó đều sẽ dẫn đến nhiều quyết định khác nhau về sau. Ví dụ, nếu bạn tập luyện vì mục đích tự vệ, bạn sẽ cần suy nghĩ lại nếu đang (hoặc dự định) tập những bộ môn khó ứng dụng, chậm tiến bộ. Nếu bạn tập luyện vì ước mơ thi đấu chuyên nghiệp, cần “kiểm điểm” bản thân khi bạn chỉ đang dừng lại ở chế độ tập 3 tiếng mỗi tuần. Mỗi khi gặp những kỹ thuật mà bạn cảm thấy không tin tưởng, yếu tố “thực chiến” hay “thể thao” trong tâm lý cá nhân cũng chính là thứ giúp bạn phân định kỹ thuật đó có phù hợp với bạn hay không.

Người tập tự vệ, tập vì sức khỏe và tập vì thi đấu có chế độ tập luyện khác nhau hoàn toàn. Hãy xác định rõ mục tiêu của mình trước khi bắt đầu.

Mỗi chúng ta đều có một điểm bắt đầu với các yếu tố cá nhân như thể chất, điều kiện tài chính, thời gian… mục đích tập luyện là thứ sẽ giúp bạn vạch thẳng con đường tập luyện, dễ dàng lên kế hoạch và ra quyết định khi đứng trước chọn lựa. Nếu bạn chỉ tập luyện vì “bạn bè rủ” hay “hứng thì tập”, bạn sẽ sớm gặp những tình huống không biết nên làm gì tiếp theo.

Nếu bạn đang có ý định tập luyện võ thuật, hãy dành thời gian để bạn tự trả lời câu hỏi này: “Mình thực sự muốn tập võ vì điều gì?”

BẠN CÓ CHẤN THƯƠNG – BỆNH LÝ NÀO KHÔNG?

Rất nhiều người bỏ qua bước này mà lao vào tập luyện. Rất nhiều người có chấn thương, bệnh lý trước khi tập luyện võ thuật. Người bệnh mới cần thuốc, người yếu mới cần tập, việc bạn có bệnh hay chấn thương không đồng nghĩa với việc bạn không được tập luyện võ thuật. Tuy nhiên, cần có một số hiểu biết và lưu ý về sức khỏe cá nhân.

Cấu trúc xương khớp của tay bị cán vá rất dễ bị chấn thương khi tập các môn "nặng" đòn tay.
Cấu trúc xương khớp của tay bị cán vá rất dễ bị chấn thương khi tập các môn “nặng” đòn tay.

Ví dụ: nếu bạn gặp vấn đề về huyết áp, tim mạch hoặc hô hấp, bạn cần cẩn thận với những bộ môn có cường độ quá cao như Jiujitsu, Muay Thái, Boxing… đồng thời thông báo điều đó cho HLV trước khi đăng ký tập luyện. Nếu bạn có thương tật cơ thể, bạn cũng cần được tư vấn cẩn thận trước khi chọn bộ môn. Những người bị tật tay cán vá (khớp cùi chỏ mở rộng hơn bình thường do xương phát triển không đều) cần phải cẩn thận khi tập những cú đấm nặng trong Boxing chẳng hạn.

Chấn thương, bệnh lý và các vấn đề liên quan là một phạm trù kiến thức hết sức đa dạng và phức tạp. Bạn cần xác định rõ điều này và tìm lời khuyên ở các HLV có trình độ trước khi bắt đầu tập luyện.

 Phạm Vũ