Gãy xương là một trong những chấn thương thường gặp nhất của thể thao – võ thuật. Trang bị các kiến thức về dinh dưỡng sau khi gãy xương cũng có thể xem là một “hành trang” không thể thiếu cho mỗi người luyện võ vì chế độ dinh dưỡng sau khi bó bột có ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của xương bị gãy
Thành Long gãy 7 xương sườn lúc quay phim
Những loại thực phẩm tốt cho xương khớp
Khi xương bị gãy, có những trường hợp bị giập, như vậy không chỉ xương bị tổn thương mà các cơ, gân, dây chằng cũng bị tổn thương theo. Tùy theo từng mức độ thương tổn, bệnh nhân được bó bột hay phải mổ nẹp đinh trong xương và khâu lại phần mềm bị rách, giập.
Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. Thậm chí có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện… đây là biểu hiện hay gặp ở người già.
Vì vậy sau mổ, bó bột người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.
Ngoài ra người bệnh cũng nên có chế độ ăn đủ chất giúp nhanh liền xương. Khi bị gãy chân, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm cung cấp các vi chất như: canxi, magiê, kẽm, phốt- pho, a-xít folic, vitamin B6, vitamin B12… có trong sữa, cá hồi, chuối, rau xanh, ngũ cốc, thịt bò, trứng…
Bạn cũng cần chú ý những loại thực phẩm gây cản trở cho quá trình tái tạo tổ chức xương mới, tránh sử dụng khi bị gãy xương như: rượu (làm rối loạn hoạt động tế bào xương, khiến xương thoái hóa nhanh hơn), cafin (làm giảm thiểu lượng canxi trong cơ thể).
Sự có mặt cafin trong khẩu phần ăn sẽ làm ngăn trở khả năng hấp thu canxi ở ruột). Trà đặc, sô-cô-la, nước ngọt có gas là những thứ không nên sử dụng trong thời gian xương gãy chưa hồi phục.Mặt khác, thức ăn nhiều mỡ cũng làm giảm hấp thụ canxi cho cơ thể vì chất béo sẽ kết hợp với canxi tạo nên một dạng chất bọt không hấp thụ và bị thải ra ngoài.
Cần xử lý đúng khi bị gãy xương, chảy máu
Bệnh nhân gãy xương nếu không được sơ cứu đúng cách có thể làm lượng mỡ trong tủy xương trào ra, gây tăng áp lực và nguy cơ mỡ di chuyển vào máu, dễ dẫn đến tử vong.
Theo BS Nguyễn Đình Phú (Bệnh viện Nhân dân 115), tình trạng nạn nhân không tử vong vì những tổn thương do tai nạn, mà chết vì được sơ cứu không đúng cách là khá phổ biến.
Vì thế, điều đầu tiên khi gặp một người bị tai nạn là phải kiểm tra xem họ còn tỉnh hay không. Nếu còn tỉnh, phải hỏi rõ họ đau ở đâu để có hướng xử lý đúng. Đừng vội vã di chuyển nạn nhân vì có thể họ đã bị gãy xương, cột sống, do đó việc xốc vội nạn nhân lên khi chưa cố định sẽ rất nguy hiểm.
Với những vết thương có chảy máu, đặc biệt là trúng động mạch, cần phải băng ép, cầm máu ngay cho nạn nhân. Có thể xé tạm quần áo làm gạc; ngoài lớp gạc đặt vào vết thương nên đặt thêm một vật cứng, như miếng gỗ nhỏ, trước khi bó lại để vùng bị thương được ép chặt.
Với các trường hợp gãy xương nên tìm các phương tiện như nẹp tre, gỗ để cố định tạm thời nơi bị gãy xương. Đối với các trường hợp gãy xương hở, tối kỵ việc tự ý đẩy đầu xương có nhiều đất cát vào vùng mô mềm. Nhanh chóng, nhẹ nhàng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý trong quá trình chuyển nạn nhân đi, cần sử dụng các phương tiện giúp cho nạn nhân được nằm yên, không bị sốc, lay động mạnh. Hạn chế tối đa việc vận chuyển nạn nhân bằng xe gắn máy.
Các bác sĩ cho biết, không nên tự ý nắn chỉnh lại chỗ gãy bởi có thể chạm đến động mạch, thần kinh và khiến bệnh nhân bị tổn thương nặng hơn, có thể dẫn đến tình trạng nguy kịch.
Thư viện võ thuật