Xương khớp là một trong những củ đề được nhắc đến nhiều nhất trong võ thuật – thể thao, và thậm chí là trong cuộc sống thường ngày. Các bệnh tật về xương khớp là điều ít ai tránh khỏi ở tuổi xế chiều – bất kể bạn có dành cả đời để tập luyện võ thuật hay không. Thế nhưng, nên nhớ rằng thứ gì càng dùng nhiều càng mau hỏng – cơ thể con người cũng vậy. Những người luyện võ là những người biết cách làm cường tráng cơ thể của mình – và cũng là những người thường xuyên…phá hủy điều đó nhất. Hãy lưu ý những điều sau để chắc chắn rằng niềm đam mê tuổi trẻ sẽ không khiến bạn khốn khổ lúc về già.
“Công thức” tối thiểu khi xử lý chấn thương chảy máu trong võ thuật
4 động tác đơn giản khắc phục chấn thương cổ tay
Hãy chắc chắn rằng xương khớp của bạn chịu nổi những gì bạn muốn làm.
Bạn không thể ầm ầm nhảy lên võ đài và đấm đá như…phim được. Cơ thể của bạn, đặc biệt là xương khớp cần được luyện tập kỹ càng trước khi sẵn sàng chịu đựng những va chạm của võ thuật. Nên nhớ, cơ thể bạn không sinh ra sẵn để làm võ sĩ. Hãy LUYỆN nó.
Cơ khớp không chịu được mọi thứ một mình, hãy để cơ bắp hỗ trợ.
Cơ mạnh khỏe sẽ hỗ trợ đắc lực cho khớp. Tập tạ (đúng bài bản dành cho võ thuật) giúp cơ bắp của bạn có thể gánh bớt phần nào áp lực lên cơ khớp khi cử động, va đập. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập tạ. Chắc hẳn bạn không muốn gây ra vấn đề ở khớp xương khi bạn muốn làm cho chúng khỏe hơn.
Kỹ thuật đúng sẽ giảm chấn thương
Kỹ thuật không chỉ là yếu tố làm nên đặc trưng mỗi môn võ, tăng thêm uy lực cho đòn đánh, mà còn là “khuôn vàng thước ngọc” cho các chuyển động của cơ khớp – giúp cơ khớp tránh khỏi các chấn thương nghiệp trọng như gãy, trật xương; thậm chí là giãn – đứt dây chằng.
Các môn võ đã có hàng trăm – thậm chí hàng ngàn năm thử nghiệm, tích lũy kinh nghiệm về các tư thế – kỹ thuật thích hợp để xương khớp có thể thực hiện các động tác mạnh bạo nhưng không gây tổn hại ngược lại. Đừng dại dột làm trái điều đó.
Đừng bắt cơ khớp gánh thêm mỡ thừa
Giữ trọng lượng của bạn ở mức bình thường là cách tốt nhất có thể làm để có xương khớp khỏe mạnh. Trọng lượng thừa sẽ tạo sức nặng quá đáng lên khớp xương, như đầu gối, hông và lưng. Đó là lý do tại sao những người thừa cân thường có vấn đề về khớp. Nên giảm cân ngay để giảm sức ép lên khớp xương – vốn chỉ được tạo hóa “thiết kế” để chịu đựng một thân hình mẫu mực.
Đừng bao giờ liều với những thứ bạn còn sử dụng cả đời
Vâng, lời khuyên này chính xác là để dành cho những người trẻ thích sự sôi nổi, hăng hái và mạnh mẽ trong võ thuật. Đó là những người có thể nhào lộn cả ngày trên thảm tập dù chỉ mới có vài giờ đồng hồ tập té ngã, đấm tường dù chưa có ngày nào tập cho xương cốt.
Cần đảm bảo rằng bạn sử dụng nón bảo hiểm, dụng cụ bảo hộ đầu gối, cùi chỏ và găng tay phù hợp khi tiến hành các hoạt động có độ rủi ro cao, chẳng hạn như đấu tập. Việc sử dụng thiết bị bảo hộ sẽ ngăn ngừa thương tích và giảm áp lực lên khớp xương.
Bạn có thể sẽ không thấy vấn đề ngay bây giờ – nhưng đừng quên rằng bạn có quyền bỏ võ thuật bất cứ khi nào, nhưng những chiếc xương đau nhức sẽ đồng hành với bạn cả đời.
Dinh dưỡng hợp lý – đừng để “nước đến chân…”
Dinh dưỡng là một trong những vấn đề quan trọng – vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến gần như mọi yếu tố khác trong cơ thể bạn, bao gồm xương khớp. Hơn thế nữa, dinh dưỡng không phải là yếu tố có thể bổ sung ngay khi bạn cần – vì vậy đừng bao giờ bỏ bê lời khuyên này, cho dù bạn còn trẻ.
Những loại thực phẩm cân bằng về dinh dưỡng giúp cho xương chắc khỏe, giữ cơ thể cân bằng và ngăn chặn nguy cơ té ngã vốn có thể gây thương tổn khớp xương. Hãy đảm bảo rằng bạn hấp thụ các loại thực phẩm giàu can-xi và vitamin D. Việc ăn cam được khuyến khích do nghiên cứu cho thấy vitamin C và nhiều chất chống ô-xy hóa khác giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp xương mãn tính.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”89142″]
Phạm Vũ