QI GONG hay CHI KUNG tức KHÍ CÔNG, xuất hiện tại Trung Quốc hàng nghìn năm về trước. Khí công, hay luyện thở lại được biết tới và đạt nhiều thành công lớn trong những năm gần đây. Nhà nước Trung Quốc đã đặt ra các Viện chuyên tìm kiếm và tổ chức những cuộc hội thảo về chủ đề này.
Ở Trung Quốc, Qi Gong chẳng xa lạ gì với mọi người, nhưng hiểu cho đúng nghĩa của nó thì quả thật khó. Trước hết, từ ngữ ấy dùng để chỉ cho thuật sống lâu mà người ta đã tìm được trong ba tôn giáo thịnh hành trên đất nước Trung Quốc cổ là Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo. Đặc biệt nhất là với đạo Lão. Chiết tự ra thì QI có nghĩa là sức thúc đẩy, sức ép, là khí. QI một phần là để chỉ sự nén ép, thúc đẩy khi thở, và phần khác chỉ sự nén ép nhưng không do hơi thở. Sự nén ép nhưng không thở ấy tồn tại trong cơ thể con người để thành ra GONG (công). Ý niệm về sự nén ép không thở là một trong những nền tảng hình thành nền y học truyền thống. Thực hành nén ép do thở và không thở giúp con người giữ được sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ. Các môn sinh của đạo Lão đi xa hơn, và tin rằng nhờ thực hiện phương pháp này mà con người có thể đạt đến trường sinh bất tử, có nghĩa là đi vào cuộc sống vĩnh cửu.
Võ thuật và các bậc thầy về khí công
Khí công không chỉ dành luyện tập để nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ mà còn ứng dụng hữu hiệu ngay trong lãnh vực võ thuật. Nếu luyện đúng mức (đòi hỏi nhiều công phu gian khổ và căn cốt đặc biệt), ta có thể sử dụng “Xung đả khí công”, còn gọi là “Sát thương khí công” để hạ đối thủ hay thực hiện nhiều công năng phi thường khác.
Các bậc thầy về khí công có thể chỉ rõ bản chất và bộ phận gây bệnh. Các vị cũng có thể dựa vào việc hít vào theo phương pháp của khí công để giúp cơ thể chống lại bệnh, hoặc có thể làm tiêu tan hay tống khứ ra ngoài những sỏi sạn nằm trong thận, bọng đái hoặc túi mật… Có những bậc thầy trình diễn những màn về sức mạnh của khí công khó mà ngờ được. Họ có thể “cắt cột thép bằng bàn chân”, “thọc kiếm vào cổ họng”, hay “nhai ngấu nghiến những mảnh thủy tinh vỡ”…
Trong mấy năm trở lại đây, con người đã thấy được những điều đáng quý nhất do khí công mang lại. Thế là không thiếu người lợi dụng khí công để làm giàu, nhưngkhông phải ai cũng hiểu rõ nền tảng khoa học của khí công. Nếu không thông hiểu, không được hướng dẫn tập luyện một cách có phương pháp, không được theo dõi thì sẽ dễ dàng bị đánh lừa, sức khỏe sẽ bị tàn phá, thân thể sẽ bị nguy hiểm. Kể từ khi khí công sống trở lại, nhiều kẻ nhẹ dạ, đam mê nó nhưng không tìm hiểu cặn kẽ, bị những thầy lang non nghề nhưng lại muốn có nhiều tiền lừa gạt nên đã phải vào bệnh viện. Các bác sĩ cũng gặp khó khăn trong việc chữa trị. Trong trường hợp đó, tốt hơn hết là nên tìm những bậc thầy về khí công. Các vị này sẽ có “bí quyết” để săn sóc con bệnh cho tới lúc cơ thể hoạt động lại điều hòa.
Một điều khác mà chúng ta không hề chú ý khi luyện là cần phải hiểu rõ trạng thái sức khỏe của thân thể mỗi người. Và khởi đi từ cơ sở ấy mới có thể chọn những bài học nào (kỹ thuật) để tập luyện khí công có kết quả; bằng không có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”
Khí công và sự kiên trì
Từ quan điểm “gieo mầm sống” và “tránh đỡ bệnh tật” thì hiệu quả của khí công không thể chối cãi được. Trong tổng thể, khí công giúp con người điều hòa hệ thống tổ chức trong cơ thể của con người (thể tạng) giúp thân thể của con người “cân bằng trong hoạt động”. Nhưng cũng rất rõ ràng là có nhiều nhiệm vụ, chức năng trong cơ chế của khí công mà con người chưa hiểu biết được một cách toàn diện nên đã mang lại hiệu quả trái ngược với ý muốn của con người khi chăm sóc hoặc chữa trị những căn bệnh khó khăn như HIV AIDS.
Với số đông, luyện khí công cần tuyệt đối kiên trì, và cố gắng tìm hiểu những “chiếc chìa khóa bí ẩn” của nó. Trước khi cơ thể của bạn đạt được hiệu quả, bạn cần phải thực hành. Mỗi lần tập luyện phải mất một thời gian dài. Luyện tập thật đơn điệu, dễ nhàm chán, cần thiết phải có nhiều kiên nhẫn. Chính vì vậy mà hầu hết những người luyện khí công đều chỉ “đi được nửa chặng đường”. Bản chất của khí công là luyện tập, thực hành để điều chỉnh tâm thể. Nhân tố tâm lý rất quan trọng khi luyện khí công. Khi luyện, rất nhiều người sợ bị chệch hướng, rất nhiều người mạo hiểm, ưu ái thành quả. Chính tâm lý ấy là một trong những điều làm cho người tập luyện không chuyên chú.
Đối với những người thích có một thân thể khỏe mạnh và làm tăng thêm trí tuệ, thông minh bằng cách luyện tập khí công, cũng cần thiết phải được hướng dẫn tường tận, và tìm kiếm thật thận trọng một phương pháp có hiệu quả để tránh sự suy sụp, nhiễu loạn thân thể như đã ghi chú ở trên. Nếu khi luyện tập khí công mà bị rơi vào trạng thái “tẩu hỏa nhập ma” rồi thì thật khó chữa trị. Lúc ấy, thật khó chọn lựa bài tập bởi giữa vô số những bài tập ấy biết bài nào là thật, bài nào là giả. Cần thiết phải đến với những nhà chuyên môn khí công vì chỉ có họ mới đủ khả năng và tài liệu để tra cứu, tìm ra những bài tập giá trị từ xa xưa, hay những khám phá mới của chính các bậc thầy trên con đường “tu luyện” mà chọn lựa những bài tập đúng cho việc chữa trị.
Vothuat.info (theo sổ tay võ thuật)