Giới mê võ vẫn thường tranh luận về một môn nội công tuyệt thế là Dịch cân kinh có thể thay gân đổi cốt, biến yếu đuối thành khỏe mạnh vô biên. Thực tế rất nhiều người đã bị phim ảnh đánh lừa.
Sức mạnh truyền thông
Sự xuất hiện cái tên Dịch cân kinh ở Việt Nam có lẽ chỉ mới từ thập niên 1960, trước đó người Việt chưa bao giờ nghe đến cái tên này. Bác sĩ đồng thời cũng là một người nghiên cứu và giảng dạy khí công – Trần Đại Sỹ nói: “Lúc mới xuất hiện Dịch cân kinh chỉ là một trong hằng trăm bộ sách Khí công, không quá siêu việt. Bộ sách này trước năm 1950 chẳng nổi tiếng cho lắm. Nhưng từ khi nhà văn Kim Dung, tiểu thuyết hóa đi trong Thiên long bát bộ, thì bộ kinh này trở thành thánh kinh”.
Ở miền Bắc có lẽ còn biết đến muộn hơn do tiếp xúc với truyện và phim ảnh kiếm hiệp muộn hơn miền Nam. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, do sự bùng nổ phương tiện truyền thông, trên mạng có đầy đủ các sáng tác của Kim Dung. Điện ảnh cũng chuyển thể xuất sắc nhiều tiểu thuyết của Kim Dung nên người Việt từ Bắc chí Nam nghe đến Dịch cân kinh đã quen như bản cửu chương.
Không ít người còn mơ ước một ngày nào đó có cơ duyên đọc được Dịch cân kinh để luyện tập hòng trở thành một cao thủ võ lâm. Mơ ước ấy của một số người, nếu có thì cũng là chuyện thường. Bởi vì họ đã bị ảnh hưởng từ câu chuyện Du Thản Chi – một nhân vật hạng bét trong võ lâm của tiểu thuyết Thiên long bát bộ, chỉ vì vô tình gặp được cuốn Dịch cân kinh rồi cứ theo đó tập luyện mà chẳng bao lâu võ công tăng tiến vượt bậc, có thể giao đấu vài trăm hiệp với đệ nhất cao thủ Tiêu Phong. Sự thay đổi quá nhanh, quá bất ngờ về trình độ chỉ do luyện tập Dịch cân kinh khiến nhiều người càng ao ước.
Trong một bộ tiểu thuyết nổi tiếng khác của Kim Dung là Tiếu ngạo giang hồ, Dịch cân kinh lại một lần nữa được tác giả đề cao. Kim Dung đã dẫn dắt để Lệnh Hồ Xung bị trọng thương chỉ còn chờ chết và chỉ có luyện tập Dịch cân kinh mới có thể hồi phục. Ở chùa Thiếu Lâm, đại sư Phương Chính nói về Dịch cân kinh với những lời lẽ huyền ảo như: “Người luyện tập thành Dịch cân kinh như con thuyền nhỏ đi trong sóng lớn, sóng lên thì thuyền lên không cần dùng sức” rồi thì “ khí tự nội sinh huyết tự ngoại dưỡng”.
Thêm vào đó, Kim Dung luôn nhấn mạnh Dịch cân kinh do tổ sư Đạt Ma sáng tạo ra. Mà tổ Đạt Ma thì không những là tổ sư chùa Thiếu Lâm mà còn là vị tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Quốc. Bởi những lý do đó mà độc giả, khán giả của Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ sinh lòng ngưỡng vọng Dịch cân kinh là một điều rất tự nhiên.
Ngụy tạo và sự thực
“Có cầu thì có cung”, do nhiều người Việt Nam ngưỡng vọng cho nên một thời gian sau ở Việt Nam lần lượt xuất hiện những cuốn sách dạy phương pháp tập Dịch cân kinh. Theo Trần Đại Sỹ, bài tập đầu tiên mạo danh Dịch cân kinh chỉ có một thức duy nhất là đứng thẳng tại chỗ, đưa hai tay tập vẫy vẫy như chim non tập bay. Ấy thế mà có người tin tưởng đến mức bị ngã gãy chân mà không đi tìm thày thuốc chữa trị lại nằm ỳ ở nhà luyện Dịch cân kinh đến mức suýt phải cưa chân.
Những nghiên cứu nghiêm túc bên Trung Quốc cũng chỉ ra rằng bản Dịch cân kinh đầu tiên ra đời cùng lắm là đầu đời Thanh. Trong bài tựa bộ Thiếu Lâm tự tư liệu của Vưu Cốc, Diêu Nguyên, xuất bản tháng 10/1984 có đoạn viết: “Từ trước đến nay, mật bản Dịch Cân kinh nói là nội công Thiếu Lâm, rồi được lưu truyền trên trăm năm đến giờ. Căn cứ vào sự kết thành của nội dung bộ sách cũng như cú pháp thì không thể nào tin được. Bộ này chỉ có thể được viết vào thời Thanh Khang Hy (1662-1723), Ung Chính (1723-1736) là quá”.
Tuy nhiên trong tiểu thuyết của mình, Kim Dung nói rằng Dịch cân kinh do Đạt Ma lão tổ sáng tạo ra sau 9 năm ngồi quay mặt vào tường trong hang động. Kể ra, hư cấu cũng là một thủ pháp thường thấy trong các tiểu thuyết. Đáng lẽ độc giả đọc truyện nên hiểu như vậy. Tuy nhiên, nhiều người lại từ câu chuyện hư cấu của văn học mà khăng khăng cho là sự thực.
Ở Trung Quốc, Dịch cân kinh chỉ là một trong mấy môn khí công phổ biến được đưa vào dạy đại trà trong các đại học, không có gì là mật truyền, bí truyền cả. Từ năm 1974, nó được một số đại học y khoa dạy trong chương trình đào tạo các thày tẩm quất và bác sĩ thể thao. 11 năm sau, tại Đại hội y khoa toàn Trung Quốc, người ta đã bỏ công phân tích, san định, bỏ đi những chỗ rườm rà và bắt đầu thống nhất dạy Dịch cân kinh trong các trường đại học y khoa.
Trong khi đó, ở Việt Nam, niềm tin vào một phương pháp tập nội công bí truyền mang tên Dịch cân kinh vẫn còn rất mãnh liệt. Sau khi tài liệu phân tích và giới thiệu bản Dịch cân kinh của Trần Đại Sỹ được tung lên mạng đã khơi mào cho nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn. Đáng chú ý là một số lớn vẫn giữ quan điểm Dịch cân kinh là nội công thượng thừa của chùa Thiếu Lâm đâu dễ gì truyền ra ngoài phổ biến.
Về điểm này, theo quan sát của tác giả, mấy chục năm gần đây người Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về mặt quan điểm. Những gì là bí truyền hầu hết đã xuất bản công khai để cộng đồng cùng nghiên cứu. Thái cực cửu quyết bát thập nhất thức của môn Thái cực quyền là một ví dụ. Bởi vậy, nếu có một Dịch cân kinh công năng diệu dụng như thế, người Trung Quốc đã đem phổ biến trong cả nước rồi. Và sự thật là họ đã dạy trong các trường đại học rồi.
Trở lại với phép tập mà Trần Đại Sỹ giới thiệu. Với hiểu biết của mình, tác giả cho rằng những động tác vận động kết hợp hô hấp như vậy có giá trị dưỡng sinh và phục hồi sức khỏe, tinh thần rất tốt. Tưởng tượng sau khi một người làm việc mệt nhọc cả ngày trời, đầu óc quay cuồng, thể xác mệt mỏi, khi tập các động tác Dịch cân kinh, ngoài việc vươn tay chân khiến khí huyết điều hòa, tim mạch ổn định thì việc phải tập trung tinh thần để cho động tác phù hợp với hơi thở khiến não bộ loại bỏ được tạp niệm.
Nhờ đó mà cả tinh thần và thể xác của người tập được thư giãn nên có thể loại bỏ stress, hồi phục sức lực. Điều đó là có căn cứ xác thực, không có gì là thần bí. Điều cốt yếu là ngày nào cũng luyện tập thì sức khỏe mới bồi bổ được. Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sung mãn thì đẩy lui được bệnh tật mà đời thấy vui tươi, hạnh phúc. Như thế, nếu có nói rằng Dịch cân kinh giúp biến yếu thành mạnh kể cũng không có gì là quá. Có điều người học chớ ảo tưởng tập vài tháng đã có thể phóng chưởng đánh thủng bờ tường như trong phim.
Video: Tư liệu về Dịch Cân Kinh và sự thật “biến yếu thành khỏe” của nó:
Theo Kiến thức