Thiên trường sử võ thuật cung đình được viết tiếp bởi chưởng môn, võ sư Trương Quang Kim. Sau khi thay cha tiếp quản võ đường, võ sư Kim trau dồi võ học, chiêu nạp môn sinh đề cao võ đạo và hành hiệp y thuật chữa bệnh cho người dân.
Y võ dưỡng sinh có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Võ sư một chân Tạ Anh Dũng: Ngày bán báo, tối dạy võ
Với những hành động và nghĩa cử cao đẹp kế thừa từ những võ tướng cố đô ấy, Võ kinh Vạn An phái trở thành một trong những phái võ hàng đầu xứ Huế và Việt Nam.
Người giữ lửa
Võ thuật cổ truyền nói chung từ bao đời nay đã góp phần làm nên những chiến tích vang dội của quân dân ta trong đánh đuổi quân thù xâm lược. Cùng với một nền võ cổ truyền của triều đại Tây Sơn (Bình Định), dưới thời nhà Nguyễn, Huế được mệnh danh là kinh đô của võ với nhiều môn phái võ cổ truyền. Ngày nay, ở Thừa Thiên – Huế có đến hàng chục môn phái võ cổ truyền vẫn hoạt động mạnh mẽ như các môn phái: Việt Võ Đạo, Thiên Mục Sơn, Bạch Hổ, Thiếu Bảo, Nam Sơn, Hầu Quyền Đạo, Võ kinh Vạn An… Tất cả các môn phái đều được tổ chức một cách quy mô và đề cao võ đạo.
Kể từ năm 2002, khi chưởng môn Võ kinh Vạn An Trương Thăng qua đời, võ sư Trương Quang Kim tiếp tục nối gót cha mình dương danh võ đạo. Hiện, chỉ tính riêng trên địa bàn Thừa Thiên – Huế, Võ kinh Vạn An phái đã có hàng chục điểm tập luyện thu hút hơn 1.000 võ sinh. Nhờ những tuyệt kỹ công phu mê hồn, môn phái võ cổ truyền này cũng đã vượt biên giới để mang tinh hoa Võ Việt đến với các nước như Pháp, Úc, Ý với rất nhiều võ sinh người nước ngoài tham gia tập luyện và thành lập võ đường tại nhiều nước.
Võ sư Trương Quang Kim bày tỏ: “Võ thuật cổ truyền ở cố đô Phú Xuân – Huế ngày xưa, góp phần rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay, võ thuật cổ truyền cũng là nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Mong muốn của những người theo nghiệp võ chúng tôi là tất cả các môn phái cần có một mái nhà chung để sinh hoạt. Từ đó, những giá trị của võ thuật cổ truyền Huế sẽ được phát huy hơn nữa”. Võ sư Kim là người phát triển mạnh mẽ môn võ học này trên đất Huế. Đặc biệt, vị võ sư tài ba đã đưa nhiều trẻ em lang thang không nơi nương tựa về trường của mình tập võ. Ban ngày các em học võ, luyện tập cùng các môn sinh khác, buổi tối các em lại đến trường học văn hóa.
Xuất phát từ tấm lòng nhân đạo của một người luôn lấy võ đạo làm gốc, các võ sinh được thầy Kim chiêu nạp đều được học tập và truyền thụ tất cả những gì thầy lĩnh hội được. Võ sư Lê Trần Nhật Đăng (Đại Thích Tâm Chiếu tu tại chùa Trúc Lâm) là một trong những môn sinh xuất chúng của Võ kinh Vạn An. Hiện, thầy Tâm Chiếu là Trưởng tràng (đại sư huynh) của phái võ kinh Vạn An. Điều này cũng đủ khẳng định, tấm lòng muốn truyền bá võ học của chưởng môn Trương Quang Kim.
Không giống với các bậc tiền nhân chỉ khư khư lưu truyền võ kinh trong họ tộc, chưởng môn Kim bày tỏ: “Dạy võ cho các em vừa để cưu mang, vừa để cho các em một niềm đam mê, cũng là để truyền bá tinh hoa võ thuật nước nhà tới tầng lớp trẻ”.
Với chủ trương truyền võ chứ không giấu võ, dạy bằng toàn bộ nhiệt tâm chứ không chỉ dạy một phần, từ Võ kinh Vạn An phái của ông, có nhiều võ sỹ đã trưởng thành và mang về vinh quang trên hành trình chấn hưng nền võ học dân tộc. Đó là võ sỹ Nguyễn Danh Hiếu, vô địch đối kháng ở hạng cân 57 – 60kg, võ sỹ Châu Phong Lộc, vô địch hạng cân 55 – 57kg tại giải võ cổ truyền quốc gia cúp Bảo Long năm 2007. Gần đây nhất, Võ kinh Vạn An khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên võ trường, với năm huy chương Vàng mang lại danh hiệu giải Nhất toàn đoàn trong Liên hoan quốc tế võ Cổ truyền Việt Nam tại Bình éịnh 2010.
Đúc kết y thuật chữa bệnh cứu người
Cũng như bao võ sư chân chính của võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ sư Trương Quang Kim đúc kết y thuật của các tiền bối đi trước để làm nên những bài thuốc chữa bệnh cho người dân. Thầy Kim chia sẻ: “Võ thuật chú trọng huyệt vị và khí công, chính từ đó tôi chú trọng và theo học y thuật từ võ thuật để chữa bệnh, trước hết để trị thương cho mình, sau là để cứu người”. Hôm chúng tôi đến võ đường ở tư gia của thầy Kim tại đường Hải Triều (TP.Huế), cũng là lúc thầy đang tất bật, ân cần với công việc khám chữa bệnh của mình.
Tại võ đường hôm ấy có một cậu bé bị mù hai mắt không nhìn rõ được ba mẹ đưa đến khám. Chị Trần ánh Vân (mẹ cháu bé) chia sẻ: “Không biết con tôi mắc bệnh gì mà tự nhiên không nhìn thấy.Gia đình lo lắng, khám hết nơi rồi mà không khỏi nên mới đưa đến gặp thầy Kim”. Được biết, chị ở vùng biển Thuận An, từ xa xôi nhưng nghe người dân chỉ về y thuật hơn người của chưởng môn phái Vạn An nên lặn lội đưa con đến. Cũng vì cảm mến y thuật và tài nghệ của thầy, một võ sư nước ngoài tặng thầy một khối tinh thể bằng đá ngàn năm có thể cho kết tinh nên một loại muối quý chữa bệnh đau mắt.
Từ lò luyện ở Huế, đến nay, Võ kinh Vạn An lan tỏa đến hàng chục nước trên thế giới. Bản thân võ sư Kim từng biểu diễn tại Mỹ. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào tour, tuyến du lịch, lò võ của võ sư Kim trở thành sản phẩm du lịch mới ở Huế, được hàng chục hãng lữ hành trong nước, quốc tế chào đón, trong đó có các tour xuyên quốc gia như Đường mòn Đông Dương, á Châu mạo hiểm và nhiều hãng lữ hành truyền thống như City tour, Viettravel,… Theo đánh giá của nhiều du khách, Võ kinh Vạn An rất hấp dẫn, mới lạ, có sức thu hút cao đối với du khách, tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc. Đội ngũ võ sinh tại đây có kinh nghiệm hàng chục năm tập luyện. Qua những buổi biểu diễn như vậy, Võ kinh Vạn An được biết đến nhiều hơn.Du khách đến Huế sau khi tham quan di tích, danh lam thắng cảnh đất kinh kỳ, có thể ghé thăm võ đường Võ kinh Vạn An để thấy và cảm nhận tinh thần thượng võ, nét tinh hoa trong văn hóa dân tộc Việt. Chia sẻ về vấn đề gắn võ thuật với du lịch, chưởng môn Kim cho biết: “Đây là ý tưởng để góp phần truyền bá võ thuật cổ truyền xứ Huế đến với bạn bè năm châu, và cũng để gìn giữ và phát huy hơn nữa tinh thần thượng võ của người Việt ta”.
Trong các cuộc thi võ từ năm 1995 đến nay tại Huế, Võ kinh Vạn An phái là một trong những môn phái chiếm lĩnh ngôi đầu và cùng tham gia các sự kiện văn hóa quy mô như thao diễn thủy binh thời Nguyễn, lần đầu diễn ra tại Festival Huế 2010. Nhiều năm trở lại đây, võ kinh Vạn An luôn là võ đường dẫn đầu trong việc thao diễn các chương trình lễ hội, đại lễ ở cung đình Huế cũng như tham gia biểu diễn.
Bản thân võ sư Trương Quang Kim từng tham gia đóng vai tướng Lê Phụng Hiểu trong Thăng Long nhân kiệt cho biết: “Đến nay võ kinh Vạn An phái đã lớn mạnh và vươn ra tầm thế giới. Điều này khiến chúng tôi rất tự hào, khi thấy võ thuật cổ truyền Việt Nam vươn lên mạnh mẽ như vậy”.
Theo Đời sống pháp luật