Huyền thoại Lý Tiểu Long đã từng nói: “Khi mới học võ, tôi nghĩ quyền chỉ là quyền, cước chỉ là cước. Sau này học võ nhiều năm, tôi mới nhận ra rằng, quyền không chỉ là quyền, cước không chỉ là cước. Bây giờ, với võ thuật đỉnh cao, tôi lại thấy quyền chỉ là quyền và cước chỉ là cước”.
Những kẻ từng thách đấu, xem thường khả năng thực chiến của Lý Tiểu Long
Muốn thực chiến tốt, hãy luyện nhãn công như Lý Tiểu Long
Mối “hiềm khích” của võ thuật hiện đại với võ thuật cổ điển không phải chờ đến khi võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông hạ đo ván Đại sư Thái cực quyền Ngụy Lôi sau chỉ 10 giây hôm 27-4. Nó đã bùng phát mạnh từ 45 năm trước, khi huyền thoại Lý Tiểu Long oai trấn màn bạc và khai sinh võ phái hiện đại Triệt (Tiệt) quyền đạo, một môn võ thuật hiện đại đồng thời ném ra hàng loạt lời chê bai các võ phái cổ điển.
Oái oăm thay, bản thân huyền thoại Lý Tiểu Long lại đồng thời là đại biểu đỉnh cao của cả hai phái kình chống nhau. Tất cả những điều trái ngược, mâu thuẫn đó, Lý Tiểu Long đã bộc lộ hết trong cuốn “Con đường Triệt quyền đạo” được Linda Emery – vợ ông xuất bản sau khi Lý mất vào năm 1973.
Xuất thân là cao đồ Vịnh Xuân quyền, là đệ tử của đại sư Diệp Vấn lừng danh ở Hồng Kông, những thành công của Lý Tiểu Long cũng được xem là sức mạnh “oai trấn giang hồ” của Vịnh Xuân Quyền, một đại danh phái võ thuật cổ điển Trung Hoa xuất thân Thiếu Lâm tự.
Trong mắt Lý, Vịnh Xuân đương nhiên là đại phái vô địch không bàn cãi. Lý từng so sánh: “Khi Karate kết thúc thì Vịnh Xuân mới bắt đầu”, chê sự cao thâm của võ phái Không thủ đạo của Nhật chỉ ngang với trình độ sơ đẳng của Vịnh Xuân. Lý cũng tỏ ra rất coi thường sự đơn giản trong đòn thế của môn phái Taekwondo (Thái cực đạo) của Hàn Quốc khi ném ra nhận xét ngạo mạn: “Nếu Vịnh Xuân quyền là môn lượng giác thì Taekwondo chỉ là môn số học”.
Triệt quyền đạo vẫn dựa trên căn bản quyền thuật Vịnh Xuân, nhưng Lý chủ trương “loại bỏ hết mọi trò múa may quay cuồng vô ích của các bài quyền bài thảo” (của Vịnh Xuân), chỉ “tập trung luyện đòn thế tấn công nhanh, mạnh, chính xác”. Với võ phái mới này Lý Tiểu Long cũng đồng thời đã trở thành người đi tiên phong cho việc hình thành nên võ tổng hợp hiện đại, trong đó có MMA (Modern of Matial Arts).
Lý Tiểu Long cũng từng tuyên bố: “Triệt quyền đạo là vô đối. Cao thủ môn phái khác đối diện với Triệt quyền đạo e không có cơ hội trụ vững trong ba hiệp!”. Quá ngạo mạn, Lý đã bị hàng loạt cao thủ trên toàn thế giới gửi thư thách đấu, trong đó có cao thủ “lên hoàn bát cước” Lý Huỳnh, sau này là đạo diễn kiêm diễn viên nổi tiếng của Việt Nam.
Tuy nhiên, Lý Tiểu Long đã đổ bệnh và mất đột ngột nên những trận sống mái thực chứng đã không có cơ hội diễn ra. Quá say sưa với những thành công cá nhân, Lý Tiểu Long đã đưa ra những nhận xét cực kỳ phi võ học, quên mất tính giai đoạn trong cấu trúc võ thuật. Lý cũng quên luôn chân lý: không có võ phái vô đối, chỉ có cá nhân võ sĩ giành ngôi vô địch. Trong mắt nhiều cao nhân võ học, Lý đích thực là một võ sĩ vĩ đại nhưng chỉ là võ sư tồi!
Trong những ngày bị bệnh, Lý Tiểu Long trở nên ôn hòa hơn. Ông đã đúc kết: “Khi mới học võ, tôi nghĩ quyền chỉ là quyền, cước chỉ là cước. Sau này học võ nhiều năm, tôi mới nhận ra rằng, quyền không chỉ là quyền, cước không chỉ là cước. Bây giờ, với võ thuật đỉnh cao, tôi lại thấy quyền chỉ là quyền và cước chỉ là cước”.
Lý nói câu đó trong cả hai tư cách: một huyền thoại võ thuật và một cựu sinh viên Triết học.
Theo Nguyễn Đức Vinh – Công An Nhân Dân