Người phụ nữ làm nên Chân Tử Đan lẫy lừng màn bạc

(VoThuat.vn) – Người đưa Chân Tử Đan đến với võ thuật chính là mẹ của anh – võ sư Mạch Bảo Thiền. Bà Mạch tự nhận mình “không giỏi trong việc làm mẹ”, bà dạy con không khác gì dạy trò, và cũng chưa từng trò chuyện riêng với con.

Chân Tử Đan hiện tại là ngôi sao phim võ thuật ăn khách hàng đầu của màn ảnh Châu Á với vai diễn võ sư Diệp Vấn trong loạt phim ăn khách “Ip Man”, đặc biệt, nam diễn viên 53 tuổi còn tạo được dấu ấn đậm nét đối với người xem điện ảnh thế giới khi xuất hiện trong “Star Wars: Rogue One” (Rogue One: Star Wars ngoại truyện – 2016).

Trong giới diễn viên võ thuật của màn ảnh Hoa ngữ, Chân Tử Đan được xem là một tài năng thực thụ với khả năng thực chiến tốt, không chỉ diễn xuất với các ngón đòn võ thuật, Chân Tử Đan còn am hiểu về võ thuật, không ngại tỷ thí với các bậc đàn anh và cũng thường đưa ra những phát ngôn táo bạo về năng lực võ thuật của bản thân.

Năng lực của Chân Tử Đan là điều đã được khẳng định qua nhiều năm diễn xuất. Dù vậy, có một người phụ nữ đứng sau thành công sự nghiệp của anh, một người mà Chân Tử Đan chắc chắn phải cảm ơn vì đã giúp anh phát triển năng khiếu và có được một sự nghiệp thành công như ngày hôm nay.

Vợ chồng bà Mạch Bảo Thiền bên hai con nhỏ.

Đó chính là mẹ của anh – nữ võ sư Thái Cực Quyền – bà Mạch Bảo Thiền. Dù trên truyền thông, bà Mạch không được nhắc tới nhiều, nhưng trong giới võ thuật Trung Quốc, bà là một phụ nữ nổi tiếng với rất nhiều giải thưởng và thành tích đáng ngưỡng mộ từng đạt được.

Sinh ra ở Quảng Châu, bà Mạch bắt đầu luyện tập võ thuật thực thụ trong những năm tháng trung học, bà theo đuổi Thái Cực Quyền và môn phái Nam Thiếu Lâm. Ở thời của bà Mạch, việc một cô gái theo học võ thuật là điều hiếm thấy. Dù vậy, tài năng của bà đã ngay lập tức thu hút sự chú ý.

Năm 1984, bà Mạch giành huy chương vàng tại giải đấu Thái Cực Quyền cấp quốc tế đầu tiên được tổ chức ở thành phố Vũ Hán. Năm 1995, bà trở thành võ sư của năm do tạp chí võ thuật Black Belt (Mỹ) bình chọn.

Trước khi chuyển tới Mỹ định cư, bà Mạch đã rất nổi tiếng trong giới võ thuật Trung Quốc, không chỉ bởi bà là một phụ nữ giỏi võ, mà còn bởi bà đã đánh thắng rất nhiều nam võ sư từng tỷ thí với mình.

Mới đây, bà Mạch đã vừa nhận trả lời phỏng vấn, nhớ lại thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp, bà chia sẻ: “Mọi thứ đều khó khăn hơn đối với phụ nữ. Nếu một người đàn ông phải nỗ lực 100% để có thể trở nên nổi bật, thì người phụ nữ thậm chí phải cố gắng tới 150%. Không chỉ trong lĩnh vực võ thuật mà còn trong bất cứ lĩnh vực nào khác”.

Bà Mạch Bảo Thiền luyện võ bên con gái Chân Tử Tinh – em gái của Chân Tử Đan.
Bà Mạch đã xuất hiện trên nhiều tạp chí võ thuật

Sau khi đã có nhiều năm dạy võ thuật ở Trung Quốc, bà Mạch chuyển tới sống ở Boston, bang Massachusetts, Mỹ hồi năm 1975. Tại đây, bà trở thành một trong những người đầu tiên giới thiệu võ thuật phương Đông.

“Khi đó mới chỉ có một số trường dạy võ tại đây nhưng không dạy võ thuật chính thống. Mọi người ở đây thấy tôi xuất hiện thì nghĩ tôi bé nhỏ quá, chỉ cao mét rưỡi thì đánh võ sao nổi. Ngày đó, để chứng tỏ năng lực của mình, tôi thường đứng trong vòng tròn âm dương vẽ trên sàn tập và thách thức các võ sinh tìm tới, nhưng còn nghi ngờ năng lực của tôi, hãy lại đây tỷ thí. Tất cả đều bị đánh bạt ra ngoài vòng tròn đó”, bà Mạch nhớ lại.

Bà Mạch Bảo Thiền và con gái Chân Tử Tinh cùng con trai Chân Tử Đan.

Trong các khí cụ luyện võ, bà Mạch lựa chọn kiếm, bà luyện đánh kiếm theo môn phái Vũ Đương (hay còn gọi là Võ Đang), phong cách đánh kiếm này đã từng được khắc họa trong bộ phim “Ngọa hổ, tàng long” (2000). Những cảnh đánh kiếm trong phim đã được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh mạnh mẽ của bà Mạch thời trẻ.

“Dù có một thân hình nhỏ bé, nhưng được xem bà đánh võ quả thực vô cùng mê hoặc. Tôi chưa thấy ai có thể di chuyển nhanh nhẹn, uyển chuyển, đẹp đẽ và mạnh mẽ như bà. Mỗi lần thực hiện các động tác võ thuật, bà lại tỏa sáng”, con gái của bà Mạch – cô Chân Tử Tinh nói về mẹ.

Là một võ sư đứng đầu một trường dạy võ không phải một việc dễ dàng đối với bà Mạch. Lịch trình bận rộn của bà không cho bà có nhiều thời gian để dành riêng cho hai con.

Chân Tử Đan – con trai lớn của bà – sau khi đã đủ sự trưởng thành, liền quyết định tìm hướng đi riêng. Anh quay trở về Châu Á để theo đuổi tiếp việc luyện võ đồng thời phát triển sự nghiệp của một diễn viên võ thuật, Chân Tử Tinh ở lại sống với cha mẹ tại Mỹ.

Bà Mạch thuở còn trực tiếp đứng lớp dạy võ

Chân Tử Tinh kém anh trai gần 10 tuổi, cô cũng theo đuổi võ thuật và cũng từng thử sức với một vài dự án phim. Cô thú thực rằng mình xem anh trai diễn xuất trên màn ảnh còn thường xuyên hơn là gặp anh trực tiếp. Việc thường ngày của Chân Tử Tinh là giúp đỡ mẹ trong việc quản lý trường dạy võ.

“Mẹ tôi dành cả cuộc đời để truyền bá võ thuật. Là một bậc thầy võ thuật ở trường để rồi trở về với vai trò của một người mẹ trong gia đình không phải việc dễ dàng đối với người phụ nữ như bà. Ở nhà, mẹ tôi nói ít, luôn giữ kín mọi chuyện trong lòng. Tôi không chắc là trong suốt quá trình trưởng thành của chúng tôi, anh trai và tôi đã bao giờ có được một cuộc trò chuyện riêng theo kiểu mẹ con với bà hay chưa”, Chân Tử Tinh chia sẻ.

Mối quan hệ giữa bà Mạch và các con diễn ra theo hướng giữa sư phụ và đồ đệ hơn là giữa mẹ và con: “Các con tôi được dạy bảo theo cách mà tôi dạy các học trò của mình, có phần còn nghiêm khắc hơn. Không có gì đến dễ dàng cả. Phải luyện tập vất vả mới có thể thành tài. Tôi không giỏi trong việc làm mẹ. Nhưng Tử Đan và Tử Tinh đã được dạy bảo để trở thành con người mạnh mẽ và có trái tim nhân hậu. Tôi luôn biết rằng các con tôi rồi sẽ ổn cả”.

Bà Mạch trên bìa một số tạp chí võ thuật

Mặc dù trong phim võ thuật, người xem có thể thấy rất nhiều cảnh chiến đấu để chứng tỏ bản thân, nhưng ngoài đời thực, với bà Mạch, mục tiêu hàng đầu của bà là truyền bá võ thuật, bà không hề muốn cạnh tranh, chứng tỏ hơn thua: “Tôi không cạnh tranh với các trường dạy võ khác. Tôi chỉ muốn nhiều người biết tới vẻ đẹp và lợi ích sức khỏe của võ thuật. Tôi luôn chú trọng khía cạnh này và không nhấn mạnh luyện tập thực chiến. Luyện võ ở trình độ cao không chỉ là xây dựng kỹ thuật đánh võ mà còn tạo nên những nhận thức lớn hơn trong tinh thần”.

Các học trò của bà Mạch nhiều người sau này cũng trở thành võ sư và mở trường dạy võ của riêng mình. Ở tuổi 74, bà Mạch không còn thường xuyên tới trường như trước nữa, ngôi trường giờ chủ yếu được con gái bà phụ trách. Về phần mình, mỗi ngày bà Mạch vẫn dành thời gian luyện tập phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hiện tại.

Theo Bích Ngọc/Dân Trí