Võ thuật siêu phàm của các võ tướng thời Tây Sơn: Hổ tướng Lôi Long đao

(VoThuat.vn) – Người đứng đầu “Tây Sơn thất hổ tướng” là Võ Văn Dũng, người được sinh ra tại thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định)…

Trong 24 năm trị vì (1778 – 1802), nhà Tây Sơn đã lập công tích lớn nhất lịch sử dân tộc là đã tiến đến rất gần công cuộc thống nhất, đồng thời mở rộng lãnh thổ đất nước sau hàng trăm năm nước Việt bị chia cắt bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực lớn Mạc –Trịnh – Nguyễn kể từ khi nhà Lê sơ (1428–1527) bị sụp đổ. Để lập được công tích trên, phải kể đến công của các võ tướng, trong đó có 7 vị tướng người Bình Định có võ thuật ảo diệu đã trọn đời theo phò nhà Tây Sơn, được người đời mệnh danh là “Tây Sơn thất hổ tướng”. Mỗi người mỗi vẻ, vị tướng nào cũng tinh thông võ nghệ.

Người đứng đầu “Tây Sơn thất hổ tướng” là Võ Văn Dũng, người được sinh ra tại thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định).

Tượng của võ tướng Võ Văn Dũng đặt tại Bảo tàng Quang Trung huyện Tây Sơn (Bình Định)

Biệt tài dùng đao của Võ Văn Dũng được Nguyễn Nhạc từng tán thưởng: “Phá trung sơn giặc dị, thắng Văn Dũng đao nan”, nghĩa là: “Phá giặc trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Văn Dũng mới khó”!

Lặn lội tầm sư học đạo

Võ Văn Dũng xất thân trong 1 gia đình giàu có vào thời ấy, ông được cha mời cả thầy võ lần thầy văn đến tận nhà truyền dạy. Ông vốn là người “vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao”, người cao to vạm vỡ, tính cách mạnh mẽ, nên mê võ hơn mê văn.

Theo sách Nhà Tây Sơn, để thực hiện giấc mơ trở thành bậc cao thủ trong võ học, năm 20 tuổi, Võ Văn Dũng lặn lội theo 1 người buôn ngựa vào Phú Yên tầm sư học đạo. Ở đây, ông gặp 1 vị võ sư có dòng họ với Lương Văn Chánh, 1 võ quan của chúa Nguyễn thời Lê trung hưng, là người có công chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên.

Trong thời gian theo học võ sư họ Lương, Võ Văn Dũng học cả trường kiếm lẫn đoản đao. Nhận thấy học trò của mình có năng khiếu đặc biệt về đoản đao, nên hướng ông tập trung luyện môn binh khí này. Sau 1 năm theo học võ sư họ Lương tại Tuy Hòa (Phú Yên), Võ Văn Dũng từ biệt thầy về lại với gia đình ở Phú Phong. Từ những võ học cơ bản được học từ võ sư họ Lương, từ đó Võ Văn Dũng tự luyện võ.

Lúc bấy giờ, nghe tiếng Nguyễn Nhạc là người hào hiệp, Võ Văn Dũng tìm đến kết bạn. Chẳng bao lâu sau, 2 người đã trở thành bạn tâm giao. Khi được Nguyễn Nhạc mời tham gia khởi nghĩa, Võ Văn Dũng gật đầu ngay. Võ Văn Dũng cùng Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu lo việc tổ chức quân sự, từ việc lập chiến khu đến huấn luyện binh sĩ, ông luôn chu toàn nhiệm vụ. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, Võ Văn Dũng giữ trách nhiệm phòng thủ vùng Tây Sơn thượng.

Lôi Long đao tung hoành

Võ Văn Dũng theo vua Quang Trung lập nhiều chiến công trên chiến trường, vào Nam đánh quân Xiêm, ra Bắc đánh quân Thanh. Trong lần đại phá quân Thanh xâm lược, Võ Văn Dũng là đại tướng quân, đánh đồn Khương Thượng góp phần làm nên chiến thắng vang dội đầu xuân Kỷ Dậu (1789).

Sau khi vua Quang Trung lên ngôi, Võ Văn Dũng được phong làm Tư khấu, rồi tới Đô đốc và đỉnh cao là được phong tước Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận Công thần Vũ Quốc công. Ông cùng 6 người nữa là Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc trở thành “Tây Sơn thất hổ tướng”.

Sách “Nhà Tây Sơn” còn chép rằng, Võ Văn Dũng không chỉ là hổ tướng trên chiến trường, mà ông còn là nhà ngoại giao giỏi với 2 lần đi sứ nhà Thanh. Lần đầu vào năm 1789 để thiết lập mối bang giao sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789. Năm 1791, Võ Văn Dũng lại được Hoàng đế Quang Trung cử làm chính sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc với trọng trách đòi đất lưỡng Quảng, đồng thời cầu hôn công chúa nhà Thanh. Nhờ tài ngoại giao khôn khéo của Võ Văn Dũng, vua Càn Long đã đồng ý các yêu sách của Hoàng đế Quang Trung. Tuy nhiên, do Quang Trung đột ngột băng hà, đoàn sứ bộ phải về nước chịu tang, nên những thắng lợi về ngoại giao không thực hiện được.

Không chỉ tung hoành trên các chiến trường, cây đao của Võ Văn Dũng còn trừ gian diệt bạo, giúp đỡ người dân lương thiện. Trong cuốn Võ nhân Bình Định của 2 tác giả Quách Tấn và Quách Giao có kể lại câu chuyện: Tại chợ Gò Chàm ở phía Bắc thành Quy Nhơn có một nhà sư người Tàu thường đến biểu diễn võ thuật. Nhà sư cởi áo, ngồi xếp bằng, lưng thẳng, vận công, rồi cho người khác cầm gươm, đao chém khắp thân thể, nhưng nhà sư không hề gì. Mọi người kinh sợ, đồn ầm lên là dị nhân. Nhà sư đắc ý và tỏ thái độ xem thường võ thuật của người Việt. Từ khi nhà sư xuất hiện, ban đêm, trong làng thường xảy ra những vụ cưỡng dâm. Nghe chuyện, Nguyễn Nhạc sai Võ Văn Dũng đi trừ hại cho dân.

Võ Văn Dũng ngầm điều tra, biết nhà sư kia tuy nội công thâm hậu, nhưng lòng dạ bất chính, hay làm điều bất nghĩa. Võ Văn Dũng liền thuê vài tên “giang hồ” cùng vài gái “lầu xanh” xinh đẹp để thử định lực nhà sư. Ban đầu, nhà sư làm ra vẻ điềm tĩnh, sau đó nhắm mắt không nhìn nữa. Xuất kỳ bất ý, Võ Văn Dũng rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư rơi xuống đất. Võ Văn Dũng giải thích: “Nhà sư không có ma thuật gì, chỉ dày công luyện khí cho cơ thể cứng rắn. Tâm tịnh thì khí tụ, tâm động thì khí tan. Lúc ban đầu, tâm nhà sư tịnh, nên có thể bình thản, đến khi nhà sư nhắm mắt thì tâm đã động nên khi bị chém không thể kháng cự được”.

Sau khi Quang Trung mất, ông cùng những danh tướng khác như Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú… hết lòng phò tá vị vua trẻ Cảnh Thịnh. Chính ông cũng là người có công loại trừ phe cánh của thái sư Bùi Đắc Tuyên lũng đoạn triều chính, gây lục đục nội bộ.

Bia di tích từ đường Võ Văn Dũng

Đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Võ Văn Dũng về quê, ẩn dật ở các làng người dân tộc vùng cao. Sử chép rằng, ông đón 2 con của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu nội là Văn Đẩu về nuôi, tính chuyện khôi phục nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, năm Minh Mạng thứ 12 (1832), 3 chú cháu Văn Đức bị hại. Võ Văn Dũng đau buồn sinh bệnh, mất năm Tân Sửu 1841.

Theo Dương Lam