Trong số những võ sư hàng đầu của Việt Nam, lão võ sư Trần Tiến được các huynh đệ làng võ xưng tụng là một trong những đại võ sư hàng đầu của Việt Nam thời hiện đại.
Theo Võ sư Phan Dương Bình (đại cao đồ Vovinam và Vịnh Xuân tại Hà Nội), lão võ sư Trần Tiến xứng đáng được ngồi vào vị trí “đệ nhất” cao thủ làng võ Việt Nam. Theo lời kể của võ sư Phan Dương Bình, trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh, ông và lão võ sư Trần Tiến đã có nhiều thời gian để trao đổi với nhau những điều tâm huyết về võ thuật. Điều ông thấy mừng là dù tuổi đã xấp xỉ trăm tuổi nhưng lão võ sư Trần Tiến vẫn vô cùng rắn rỏi, minh mẫn. Điều ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho sư uyên thâm của lão võ sư trên “con đường” võ học của mình.
Lão võ sư Trần Tiến sinh năm 1911 trong một gia đình có truyền thống võ học ở Bắc Giang. Ông nội ông là cụ Hoàng Hảo, bố là Hoàng Tân, cùng chi họ và từng tham gia nghĩa quân của hùm xám Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Khi nghĩa quân tan giã, để tránh sự truy sát của quân giặc, gia đình ông đã phải dạt về Đồ Sơn, Hải Phòng và đổi sang họ Trần. Ông được ông nội và cha mình truyền dạy võ công từ khi còn nhỏ. Năm 15 tuổi, cơ duyên, ông đã được lãnh hội võ công của một nhà sư người Trung Quốc sang Việt Nam lánh nạn, tên là Lý Giang Nam, quê ở Phúc Kiến, thuộc phái Thiếu Lâm. Năm năm sau đó, ông tiếp tục thụ giáo Nhu thuật và Judo của 2 võ sĩ người Nhật tên là Tanabe và Karachi. Với tinh thần ham học hỏi, ông còn tập cả quyền Anh do võ sĩ người Pháp Lafeur chỉ dạy. Khi mới ngoài 20 tuổi, võ sư Trần Tiến đã danh nổi như cồn khi giành ngôi vô địch kiếm thuật ở Bắc Kỳ. Bởi bị giặc Pháp săn đuổi vì lý do “xách động kẻ xấu luyện võ gây mất an ninh trật tự” nên cuối năm 1936, võ sư Trần Tiến phải khăn gói vào Nam. Quãng thời gian này, bởi mưu sinh và cũng bởi sự sốc nổi của tuổi trẻ nên võ sư Trần Tiến đã rất nhiều lần thượng đài ở khắp các nước Đông Nam Á với nhiều đối thủ khác nhau và đều giành về mình phần thắng. Theo võ sư Trần Tiến thì trận thượng đài cuối cùng của ông diễn ra trên đất Singapore. Sau khi loại hàng loạt các đấu thủ, trận “chung kết” ông gặp một đối thủ là võ sĩ người bản địa có biệt hiệu là Tiểu Lâm Xung. Tiểu Lâm Xung là võ sĩ có thân hình cao lớn, rắn chắc. Trước đó, nhiều trận đấu, Tiểu Lâm Xung để đối thủ thoải mái tung quyền, cước vào người mà chẳng hề hấn gì. Khi đã thấm mệt, chỉ một đòn là Tiểu Lâm Xung hạ nốc ao đối thủ. Trước trận đấu căng thẳng ấy, trong lần tổ chức họp báo, Tiểu Lâm Xung đã thề sẽ đánh gục võ sĩ người Việt để “rửa hận” cho những “chiến hữu” đã bị ông triệt hạ. Thời gian ấy, võ sư Trần Tiến đang là nhân vật để một hãng giày nổi tiếng thực hiện quảng bá hình ảnh. Bởi thế, sự quan tâm của công chúng tới trận đấu “sinh tử” của ông là cơ hội tuyệt vời để hãng giày đó khuếch trương thương hiệu của mình. Do vậy, trước trận đấu, ông đã nhận được “tối hậu thư” của “đơn vị tài trợ”, buộc ông phải thắng. Lên đài, với “bàn tay sắt” của mình, như để thị uy, doạ nạt đối phương, Tiểu Lâm Xung đã tung những cú đấm sấm sét của mình vào những tấm gỗ dày đến 5 cm khiến chúng vỡ tan. Trước đòn phủ đầu ấy, ông vẫn không hề nao núng. Cậy sức, Tiểu Lâm Xung ra đòn tới tấp, thế nhưng, với thân thủ nhanh nhẹn, võ sư Trần Tiến đã khéo léo tránh, né, đỡ đòn. Già nửa thời gian của trận đấu trôi qua, tuy chưa bị dính đòn nào nhưng phần thắng đã nghiêng hẳn về võ sĩ người bản địa vì lợi thế tấn công nhiều hơn. Trong lúc say máu tấn công, Tiểu Lâm Xung đã bộc lộ nhiều sơ hở. Và, trong một tích tắc “ham công bỏ thủ” ấy, võ sư Trần Tiến đã nhanh chóng áp sát. Hạ thấp tấn, bằng một thế xà quyền, ông đã đánh thốc vào hạ bộ đối phương. Chỉ một đòn ấy, Tiểu Lâm Xung đã đổ đánh huỵch xuống sàn, không tài nào gượng dậy được. Vậy là, phần thắng bất ngờ đã thuộc về võ sư người Việt. Thế nhưng, trong phút giây vinh quang ấy, thấy Tiểu Lâm Xung nằm bất động trên sàn, ông bỗng thấy ăn năn, day dứt. Thật ra, đòn ấy, với võ đài thi đấu kiểu tự do như trên thì chẳng có gì là sai luật, thế nhưng, với tinh thần võ đạo, cú đánh ấy lại là cấm kỵ bởi tính sát thủ kinh hồn. Vậy là, bởi ăn năn, khi tiến hành trao giải, Trần Tiến đã bất ngờ thừa nhận mình mới là người thua cuộc. Sau trận đấu ấy, ông đã tránh xa “kiếp sống võ đài”.
Năm 1945, ra Hà Nội, được Việt Minh giác ngộ, lão võ sư Trần Tiến tham gia cách mạng. Vào quân ngũ, với khả năng quyền thuật siêu phàm của mình, ông đã được tổ chức phân công huấn luyện Bộ đội tinh nhuệ (lực lượng đặc công sau này). Năm 1978, ông rời quân ngũ nhưng vẫn tự nguyện tham gia dạy võ thuật cho một số sĩ quan quân đội Campuchia suốt hơn chục năm trời. “Về hưu” nhưng với nghiệp võ thì ông vẫn miệt mài theo đuổi. Chắt lọc, đúc kết những tinh hoa võ học mà mình cả đời tích luỹ, lão võ sư Trần Tiến đã sáng lập võ phái Thiếu lâm nội gia võ thuật đạo Việt Nam. Đến giờ, võ phái của ông đã thu hút cả ngàn môn sinh. Trong số ấy, có rất nhiều môn sinh người Âu, Mỹ, Phi… bởi nghe danh mà lặn lội tìm về theo học.
Suốt cuộc đời, lão võ sư Trần Tiến cứ đau đáu một nỗi niềm là làm sao để võ học Việt Nam được bảo tồn và phát triển ra nhân loại. Ông đào tạo ra hàng ngàn môn đệ, võ sư, HLV tài năng cho làng võ Việt Nam.
Đáng tiếc, ngày 21/2/2011 do ngã và bị chấn thương sọ não, lão võ sư Trần Tiến đã vĩnh viễn ra đi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng thọ 101 tuổi, trong sự thương tiếc vô hạn của các môn sinh võ phái Thiếu Lâm nội gia quyền.
VoThuat.info (tổng hợp)