Lý giải khoa học về cú đấm 1 inch của Lý Tiểu Long

Khám phá cơ chế sinh học của cú đấm

Để hiểu được lí do tại sao sức mạnh của cú đấm lại dựa vào trí não nhiều hơn cơ bắp, chúng ta phải xem lại cách Lý Tiểu Long thực hiện nó. Mặc dù nắm đấm của anh di chuyển một khoảng cách rất ngắn trong vài mili giây, cú đấm đó lại là kết quả của một chuyển động toàn thân. Theo Jessica Rose, một nhà nghiên cứu cơ chế sinh học của đại học Stanford, lực trong cú đấm của Lý bắt đầu ở chân.

“Khi nhìn cú đấm đó, bạn có thể thấy chân dẫn trước và chân lết theo của Lý được kéo thẳng với một động tác mở gối nhanh và mạnh,” bà Rose nói. Chuyển động nhanh mạnh của đôi chân đã làm tăng tốc độ xoắn của đùi – điều này lại giúp tăng sức mạnh của vai và cánh tay.

Khi vai của Lý đưa về phía trước, cánh tay của anh sẽ phải chuyển động. Sự vươn ra nhanh và đồng thời của cùi chỏ sẽ đẩy cổ tay về trước. “Việc nhích nắm đấm một cách đột ngột ngay trước khi nó tiếp xúc với vật thể cũng sẽ giúp tăng gia tốc đáng kể.” Ngay khi nắm đấm tiếp xúc mục tiêu thì Lý sẽ lập tức rút tay về. Rose giải thích rằng việc này giúp giảm thời gian tác động của cú đấm, giúp nén lực và khiến nó trở nên mạnh hơn nữa.

images435300_bruceleemybrother2010_48

Trước khi nắm đấm chạm vào mục tiêu, Lý đã kết hợp sức mạnh của những nhóm cơ khỏe nhất và đưa nó vào một điểm tiếp xúc lực nhỏ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Rose cho rằng cơ bắp chưa phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định sức mạnh của của đấm.

“Các sợi cơ không thể phối hợp nhịp nhàng với nhau được. Trong khi đó sự phối hợp và chọn thời điểm là những yếu tố thiết yếu để tạo ra một chuyển động như cú đấm 1 inch.”

Bởi vì cú đấm diễn ra rất nhanh, Lý đã phải đồng bộ tất cả các chuyển động của cơ thể – vặn đùi, mở gối, đẩy vai, khuỷu và cổ tay – với độ chuẩn xác tuyệt hảo. Hơn nữa, mỗi khớp trong cơ thể anh cũng trải qua một chuyển động tăng tốc tối đa. Để đạt lực mạnh nhất, Lý cũng đã phải điều chỉnh sao cho việc tăng tốc tối đa của các khớp diễn ra liên tiếp nhau một cách hoàn hảo.

Sự phối hợp nhịp nhàng chính là chìa khóa. Và đó là lí do vì sao các nhà thần kinh học lại nhảy vào xem xét vấn đề này.

Ngành thần kinh học giải thích như thế nào?

Trong một nghiên cứu năm 2012, Ed Roberts, một nhà thần kinh học ở Đai Học Thực Nghiệm London đã so sánh lực đấm của những người tập Karate và những người khỏe mạnh nhưng không tập võ. “Chúng tôi nhận thấy rằng các chuyên gia Karate có thể đấm mạnh hơn nhóm người kia.”

ly_tieu_long_1_1

Nhưng Roberts cũng khám phá ra rằng ở các võ sinh Karate, cơ bắp không đóng vai trò chính yếu trong việc tạo ra sức mạnh. Thay vào đó, khi sử dụng một máy quay phim theo dõi chuyển động để tìm hiểu các khớp của người đấm, ông nhận thấy rằng cú đấm nào đồng bộ được các chuyển động tăng tốc tối đa của khớp thì cú đấm đó sẽ mạnh nhất.

Khi Roberts quét não những người tham gia, ông nhận ra rằng lực và sự phối hợp của người đấm phụ thuộc vào vi cấu trúc của một loại chất màu trắng. Chất này điều khiển quá trình trao đổi thông tin giữa các tế bào não ở vùng vỏ não chuyên điều khiển sự phối hợp giữa cơ bắp và các chi. Chất trắng này càng nhiều thì khả năng phối hợp các bộ phận trên cơ thể càng tốt.

Vậy là Lý Tiểu Long đã có được cú đấm nổi tiếng trên nhờ lượng chất trắng trong não bộ của mình. Cũng giống như với cơ bắp, Lý đã nâng cấp được não bộ của mình thông qua quá trình luyện tập gian khổ. Roberts cũng nói thêm rằng não bộ có khả năng điều chỉnh để thích nghi với các yêu cầu đến từ môi trường ngoài. Con người càng luyện tập nhiều, thì lượng chất trắng trong võ não cũng sẽ tăng lên để thích nghi.

Theo Wscawakening.com