Dù là vị quân sư tài ba bậc nhất thời Tam Quốc nhưng Gia Cát Lượng vẫn thường mắc phải những sai lầm khó hiểu. Không ít những sai lầm đó khiến ông cả đời hối hận.
6 LẦN PHẠT NGỤY
Không thể phủ nhận khả năng tiên đoán thiên tài của quân sư Gia Cát Lượng nhưng trong cuộc đời ông, sai lầm lớn nhất có lẽ là nỗi ám ảnh đem quân đánh Ngụy. Theo Tam Quốc, giai đoạn 228 – 234, Gia Cát đã 6 lần đem quan phạt Ngụy. Những cuộc chinh chiến liên miên khiến quân đội nhà Thục Hán hao tổn rất nhiều.
Một thống kê đã chỉ ra rằng, dân số của nhà Ngụy là hơn 4 triệu người, trong khi đó nhà Thục Hán chỉ chưa đầy 1 triệu người. Dù với tài thao lược đại tài của mình, Gia Cát Lượng từng nhiều lần giúp quân Thục giành chiến thắng, chiếm lĩnh được nhiều thành trì. Nhưng khi kết thúc chiến dịch, mục đích tối cao là đánh chiếm cố đô Trường An làm bàn đạp tiến đánh Lạc Dương không bao giờ đạt được. Chính điều này khiến quân Thục Hán tổn thất hơn về mọi mặt.
Chính nỗi ám ảnh Bắc phạt đã khiến Gia Cát Lượng chấp nhận mạo hiểm “chống lại mệnh trời” như chính ông từng thừa nhận. Về sau, người học trò Khương Duy nối chí ông, 9 lần mang quân đánh Ngụy, hậu quả là càng mài mòn sức dân, tiêu hao nguyên khí quốc gia, khiến nhà Thục Hán mất về tay của chính nhà Ngụy.
SAI LẦM TRONG CÁCH DÙNG NGƯỜI
Sử sách từng ca ngợi Gia Cát Lượng là vị quân sư dùng người cực chuẩn nhưng không phải lúc nào ông cũng chính xác tuyệt đối. Một trong những điều khiến ông ân hận nhất chính là đặt niềm tin và Mã Tốc.
Sau khi 5 vị tướng tài giỏi lần lượt qua đời (Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung), nước Thục thiếu hụt nhân tài trầm trọng. Chính Gia Cát Lượng đã chỉ định Mã Tốc gánh vác trọng trách trấn giữ Nhai Đình. Vì tính chủ quan của mình, Mã Tốc đã làm mất vùng đất quan trọng này. Lưu Bị từng cảnh báo Gia Cát Lượng không nên trọng dụng Mã Tốc nhưng ông không nghe.
Sau khi Mã Tốc làm mất đất, Gia Cát Lượng đã ban lệnh chém để giữ nghiêm quân lệnh. Đó là việc làm cần thiết nhưng trong bối cảnh đất nước thiếu hụt nhân tài thì việc chém Mã Tốc được coi là nước cờ sai lầm của Khổng Minh. Nhiều người cho rằng, thay vì chém Mã Tốc thì Gia Cát có thể bồi dưỡng anh thành một người đáng tin cậy để trọng dụng.
Sau này, chém Mã Tốc là chuyện luôn khiến Gia Cát Lượng cảm thấy bị dày vò. Tưởng Uyển có lần hỏi ông vì sao không cho Mã Tốc sống thêm để lập công chuộc tội. Gia Cát Lượng nói rằng bản thân thấy rất thương xót, như chặt đi mất một cánh tay nhưng vì giữ nghiêm mệnh lệnh mà phải gạt lệ chém tướng yêu. Năm ấy, Mã Tốc mới vừa 39 tuổi, tràn trề sinh lực, khí chất ngời ngời.
KHÔNG TIN TƯỞNG NGỤY DIÊN
Trong triều đại nhà Thục, Ngụy Diên là một danh tướng thiện chiến và đầy tài năng. Trong các chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng, Ngụy Diên luôn là vị tướng tiên phong, ông từng được phong chức Chinh Tây đại tướng quân.
Tài năng là vậy nhưng điều đáng buồn là chưa bao giờ Ngụy Diên được Gia Cát công nhận tài năng thực sự. Những kế sách rất hay của vị tướng này đều bị gạt đi một cách không thương tiếc. Thậm chí, Gia Cát nghi ngờ ông có tướng làm phản, vì tiếc sức nên mới cố gắng dùng. Trước khi Gia Cát Lượng mất, ông đã ra mật lệnh cho Dương Nghi định liệu kế sách rút quân và xử lý Ngụy Diên. Cái chết của Ngụy Diên thực ra là một tổn thất của nước Thục. Cùng một lúc nước Thục mất đi hai nhân vật hàng đầu cả về văn lẫn võ là Gia Cát Lượng và Ngụy Diên.
Chuyện Gia Cát Lượng dùng Ngụy Diên gây nên nhiều tranh cãi. Có câu: “Đã nghi thì không dùng, đã dùng thì không nghi” nhưng Gia Cát Lượng vẫn bán tín bán nghi Ngụy Diên dù trao cho ông quyền đại tướng. Có người cho rằng chính Gia Cát Lượng đã đẩy Ngụy Diên vào con đường làm phản.
V.Đ