Trận đánh “hóa rồng” chấn động thiên hạ của sư phụ Cung Lê

Trên võ đài UFC, ngôi sao Cung Lê thường dùng tuyệt kỹ đạp hậu sở trường của mình. Ít ai biết rằng, tuyệt kỹ đó do người sư phụ Phi Long của anh truyền lại.

Cuộc tái ngộ của “bông hồng gai” Phi Long và ĐKVĐ Ngũ Thị Thuyết
Huyền thoại Trần Quốc Phi Long 68 lần thượng đài bất bại

 Trong giới võ sư vườn Bình Định, võ sư Phi Long (tên thật là Trần Quốc Long, sinh năm 1944, người Đồng Phó – Tây Sơn) thuộc trường hợp khá đặc biệt. Tiếng tăm ông không vang danh nhiều ở các đấu trường trong tỉnh mà ghi dấu ở những trận đài “đem chuông đi đánh xứ người”.

Cuộc đời võ nghệ trải qua 68 trận đài chưa từng thất bại, nhưng đó không phải là thành tích khiến võ sư Phi Long ưng ý nhất. Thành công lớn nhất của võ sư Phi Long là đào tạo những thế hệ môn sinh thành danh trong nghiệp võ, hiện họ là những võ sư, võ sĩ trong, ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài, mang võ cổ truyền Bình Định truyền bá khắp nơi. Trong số đó có học trò Hoàng Lê Cung (tức Cung Lê).

Võ sư Phi Long.
Võ sư Phi Long.

Có giai thoại từng kể về trận đánh chấn động thiên hạ của võ sư Phi Long vào năm 1970. Năm ấy, sau khi Phi Long đánh bại Lưu Lễ tại Kom Tum thì tên tuổi của ông vang xa. Sau đó, có một cao thủ tên Lam Chinh tìm đến thách đấu. Lam Chinh được xem là cao thủ bất khả chiến bại tại khu vực miền Trung. Rất nhiều người thầy của võ sư Phi Long khuyên ông không nên nhận lời vì từ trước đến nay chưa ai có thể đánh bại được Lam Chinh.

Lam Chinh là người gốc Campuchia, sở hữu võ thuật thượng thừa khi theo học nhiều môn võ, trong đó có thần quyền (tên gọi khác là võ gồng hay võ bùa). Khi gồng lên thì Lam Chinh có sức mạnh rất đáng sợ, đó là thứ vũ khí mà từ trước đến giờ chưa ai hóa giải được.

Bỏ qua mọi lời can ngăn của các sư phụ, võ sư Phi Long vẫn chấp nhận lời thách đấu của Lam Chinh, thậm chí ông tuyên bố mình sẽ có cách hóa giải loại võ bùa huyền bí kia.

3

Trận đấu diễn ra tại nhà hát Hoa Mộc Lan, nhiều người ủng hộ Lam Chinh như một người hùng. Thậm chí, võ sĩ này còn tuyên bố sẵn sàng hạ gục võ sư Phi Long ngay trong hiệp một. Tuy nhiên, nhiều người chứng kiến trận đấu đó cảm thấy choáng vì trận đấu chưa trôi qua hết hiệp một thì Lam Chinh đã nằm gục trên võ đài. Võ sư Phi Long trút cơn mưa đòn khiến đối thủ không kịp trở tay, cuối cùng, ông dùng đòn đạp hậu cực hiểm để kết liễu đối thủ.

Sau trận đấu này, nhiều người ví Phi Long như “rồng”, tiếng tăm vang xa khắp trong nước và ngoài nước.

Về sau, đến năm 2001, Cung Lê từ bên Mỹ về đã đến xin bái Phi Long làm sư phụ. Tuy nhiên, lúc này võ sư Phi Long không nhận dạy võ nữa mà chỉ truyền dạy cho Cung Lê 3 đòn đánh, trong đó có cú đá hậu cực hiểm. Chính đòn đánh này đã làm nên thương hiệu của Cung Lê và giúp anh bá chủ trên võ đài UFC.

Hơn 10 năm nay, ông vẫn âm thầm, miệt mài với sự nghiệp viết sách về võ lý, võ y, những mong vốn võ nghệ góp nhóp một đời sẽ giúp ích cho đời sau tiếp tục làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định. Cho đến nay, ông đã hoàn thành, bổ sung vào nguồn tư liệu không mấy dồi dào của võ Bình Định các tập như Tây Sơn võ thuật đạo, Phương thuốc võ cổ truyền, Phương pháp sơ cấp cứu… dưới bút danh tác giả Phi Long và Trần Quốc Phi Long.

Ngoài an nhàn với cuộc sống trang trại, tiêu dao với vườn cây cảnh, đàn dê, mấy chục gốc chanh, đào…, cứ đôi tháng võ sư lại lên đường đi thăm, xoay vòng kiểm tra lần lượt 17 võ đường của học trò đóng tại các tỉnh từ Nam chí Bắc. Một cách hóm hỉnh, võ sư Phi Long gọi căn nhà nằm trên lưng chừng đèo mà vợ chồng ông đang ở là “nhà bên trời”. Một đời võ thành danh như thế, rồi lại được nhàn cư theo cái cách mình muốn như thế, không có nhiều võ sư được như ông – một con rồng quy ẩn.

https://youtu.be/9kFzAKiB0yk

V.Đ