Trương Tam Phong là một trong những người có võ công tuyệt đỉnh nhất ở các câu truyện kiếm hiệp, nhưng thực chất thì trình độ võ thuật của nhân vật này như thế nào?
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Hồng Kông năm 1994, nhà văn Kim Dung đã được hỏi một câu rằng ai là người có võ công cao nhất trong các tác phẩm tiểu thuyết của ông.
Sau đó Kim Dung đã lập tức trả lời: “Người đó là Trương Tam Phong. Võ công của Trương Chân Nhân cao lắm, cao không thể tả được”…
Quan điểm của nhà văn Kim Dung là như vậy. Nhưng trên thực tế, trình độ võ thuật thực sự của nhân vật Trương Tam Phong liệu có ảo diệu tới mức như vậy?
Bị đuổi khỏi Thiếu Lâm và quá trình thành lập Võ Đang phái
Đầu tiên phải khẳng định Trương Tam Phong hoàn toàn không phải là một nhân vật hư cấu mà có thật.
Ông tên thật là Trương Quân Bảo, có tài liệu cho rằng ông ở tỉnh Liêu Đông giữa thời nhà Nguyên, Minh và chính là người sáng lập môn phái Võ Đang – một trong hai môn phái võ thuật lớn nhất của Trung Hoa (cùng với Thiếu Lâm).
Thuở nhỏ, Trương Tam Phong đã được mẹ gửi đi học võ tại chùa Thiếu Lâm. Theo học được khoảng 10 năm nhưng về sau, ông có một số xung đột với đồng môn nên đã bị đuổi khỏi Thiếu Lâm Tự.
Nhờ bản tính thông minh hơn người, Trương Tam Phong đã sử dụng võ công của Thiếu Lâm để tạo nên 1 loại võ công mới đó là Thái Cực Thần Công danh tiếng và xây dựng nên Võ Đang.
Có một hôm, đang đi dạo thì ông tình cờ phát hiện một con hạc và một con rắn đánh nhau. Con hạc dũng mãnh từ trên ngọn cây xà xuống đánh con rắn dài đang nằm khoanh tròn.
Con rắn đang tĩnh chợt động, tránh né những đòn tấn công của con hạc. Từ đó Trương Tam Phong chợt hiểu ra nguyên lý “lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương”. Đó là cơ sở để thành lập Võ Đang phái.
Do nhận thấy võ thuật Thiếu Lâm thiên về cương quyền ngoại tráng, cho nên khi thành đạo sĩ tu luyện tại núi Võ Đang, ông đã khai sáng Võ Đang quyền pháp, với đặc tính nhu làm nền tảng trong kỹ thuật, phối hợp với nội lực được tĩnh luyện bên trong.
Về sau tất cả các sản phẩm của Võ Đang do Trương Tam Phong sáng lập đều lấy sự mềm dẻo và linh hoạt làm yếu tố cốt yếu.
Những “tuyệt kỹ” có thật
Tuyệt kỹ nổi danh nhất của nhân vật Trương Tam Phong cũng như của phái Võ Đang chính là “Thái cực quyền”.
Không quá ảo diệu tới mức có thể “bá chủ thiên hạ” như trong các câu chuyện kiếm hiệp, Thái cực quyền thực tế là phương pháp chiến đấu lấy nhu thắng cương trong đó đặc biệt chú trọng việc điều hòa hơi thở.
Theo quan điểm về võ thuật hiện đại, Thái cực quyền không quá lợi hại ở khả năng thực chiến, tuy nhiên đây là phương pháp có tác dụng tốt trong dưỡng sinh, giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.
Theo nhiều sách ghi lại, Trương Tam Phong có một môn quyền pháp rất nổi tiếng trong giới võ lâm Trung Hoa là Bát Quái chưởng, có người gọi nó là Bát Quái quyền, nhưng khác với Bát cực quyền của Bắc Thiếu Lâm.
Bát quái chưởng có thể hiểu nôm na là một phương pháp tấn công và phòng thủ theo tám phương hướng.
Kỹ thuật chính của phương pháp này là chuyên dùng bộ pháp và chưởng pháp làm trung tâm vận chuyển, biến hóa không ngừng trong vị thế bốn phương tám hướng…
Ngoài ra, Trương Tam Phong còn được cho là sở hữu Thái Cực Thần Công. Đây là loại võ công lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh, thường sử dụng lực đánh của đối phương vào mình để đánh trả lại.
Thái Cực Thần Công được tổng hợp từ Thái Cực Kiếm và Thái Cực Quyền.
Một hệ thống chiến đấu khác cũng hay được nhắc tới và gán với Trương Tam Phong, đó là Nội gia quyền.
Bên cạnh chiến đấu bằng tay không, Nội gia quyền có nhiều bài binh khí thương, kiếm, việt (búa)… nhưng khác với những kỹ pháp của Thái cực quyền, thường luyện với đao, thương, kiếm, kích…
Nội gia quyền cũng có nhiều bài tập về khí công, có tác dụng tốt cho sức khỏe và thường được tập luyện để biểu diễn, tuy nhiên tính thực chiến lại không được đánh giá quá cao.
Ngoài phái Võ Đang, Trương Tam Phong còn được cho là sáng tạo ra 1 bộ võ học có tên Cửu tiêu chân kinh, trước khi sáng tạo ra các tuyệt kỹ Thái cực quyền Và Thái cực kiếm.
Cửu tiêu chân kinh gồm 9 chương tu luyện nội công, điển tịch võ học này sử dụng cương nhu nhị kình (giống như Thái Cực) để hóa giải các thế đánh của đối phương và phản đòn, sức mạnh được cho là sánh ngang Dịch Cân Kinh của võ Thiếu Lâm.
Tuy nhiên không biết vì do chỉ là truyền thuyết chứ không có thật, hay đã bị thất truyền, đến nay sức mạnh thực tế của tuyệt kỹ Cửu tiêu chân kinh này lớn đến đâu vẫn còn là một dấu hỏi không thể kiểm chứng.
Tóm lại, những “tuyệt kỹ” võ thuật của Trương Tam Phong là có thật tuy nhiên vẫn mang nặng tính chất thần thoại và được “tô vẽ” thêm rất nhiều.
Theo quan điểm võ thuật hiện đại, võ thuật của Trương Tam Phong hay của phái Võ Đang nói chung, vẫn nặng về tính biểu diễn là chủ yếu và có chăng chỉ tập luyện để nâng cao sức khỏe, chứ thật khó để có thể “bá chủ thiên hạ” giống như trong các tác phẩm tiểu thuyết!
Theo Tri Thứ Trẻ