Võ sư Vịnh Xuân với mong ước thực hiện Diệp Vấn phiên bản Việt

Có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn Vịnh Xuân, võ sư Peter Pham hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ mơ ước một ngày nào đó sẽ trở về quê hương để thực hiện một tác phẩm mang phong cách Diệp Vấn phiên bản Việt.

VÕ THUẬT CÂN BẰNG CUỘC SỐNG

Vịnh Xuân là môn võ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam từ thập niên 1930 do công của tổ sư Nguyễn Tế Công. Theo thời gian, môn võ này ngày phổ biến và có nhiều người Việt theo tập luyện. Đặc biệt, từ sau khi ba phần phim Diệp Vấn được công chiếu, hình ảnh Vịnh Xuân lại càng được biết đến rộng rãi.

Mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật, võ sư Vịnh Xuân Peter Pham, hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ luôn ấp ủ ước mơ một ngày nào đó anh sẽ trở về Việt Nam để thực hiện một phim điện ảnh chỉnh chu giống với Diệp Vấn của Hong Kong.

Võ sư Peter Pham sinh năm 1974 tại Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Từ nhỏ, anh sớm được tiếp xúc với võ thuật và khởi đầu ở bộ môn Taekwondo. Anh chia sẻ: “Tôi được một người chú ở Gò Công, Tiền Giang dạy cho những môn võ xứ miệt vườn. Từ đó, tôi thấy bản thân mình rất thích học võ. Ở Sài Gòn, tôi được người cậu chỉ dạy cho môn Taekwondo. Về sau, khi tìm hiểu sâu hơn, tôi tập luyện thêm Judo và cả Thiếu Lâm”.

Vào năm 1993, Peter Pham cùng gia đình sang Mỹ định cư tại thành phố Dallas, bang Texas. Ở xứ lạ quê người, anh vẫn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê võ thuật của bản thân khi hằng ngày chăm chỉ tập luyện.

Võ sư Peter Pham quan niệm: “Võ thuật là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời tôi. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì nó vẫn luôn rực cháy. Võ thuật giống như một lối thoát tuyệt vời nhất giúp tôi cân bằng cuộc sống, quên đi những muộn phiền, bận rộn của công việc. Mỗi khi mệt mỏi hay bế tắc tôi thường luyện võ để lấy lại sự cân bằng”.

 MỐI LƯƠNG DUYÊN TIỀN ĐỊNH VỚI VỊNH XUÂN

Mặc dù tập luyện nhiều môn võ khác nhau nhưng khi đến với Vịnh Xuân, Peter Pham mới cảm nhận được hết sự tinh túy mà nó mang lại.

Peter tiếp xúc với Vịnh Xuân thông qua một người bạn Việt Nam giới thiệu vào năm 1997. Sư phụ của anh là Yip Pui (học trò của Ip Chun – Diệp Chuẩn, con trai của Ip Man – Diệp Vấn). Ngoài ra, Peter Pham còn học thêm từ sư phụ Alan Lamb, học trò của Koo Sang (một trong những đệ tử Diệp Vấn).

Theo võ sư Peter Pham, so với những môn võ khác, Vịnh Xuân khá đặc biệt, nó giúp bản thân anh không ngừng khám pha ra những nhược điểm của bản thân từ thể chất đến tư duy. Song song đó, nó cũng giúp anh không ngừng khám phá ra những ưu điểm để làm mạnh lên những kỹ năng căn bản của võ thuật mà anh đang sở hữu.

“Nói một cách đơn giản, tập Vịnh Xuân giúp giúp tôi hoàn thiện và linh hoạt hơn từng ngày thông qua việc tập luyện. Vịnh Xuân thật trừu tượng, mình nghĩ gì thì nó ra cái đó, thật kỳ diệu và không ngừng biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống.

Với Vịnh Xuân, bản thân tôi không ngừng tiến xa hơn trên con đường võ thuật. Vì lẽ đó mà nó không bao giờ nhàm chán”, Peter Pham chia sẻ thêm.

Thời gian qua, làng võ thường có những lùm xùm liên quan đến các cuộc so tài cao thấp giữa các võ sĩ của môn phái này với môn phái khác. Trong đó, Vịnh Xuân cũng bị kéo vào cuộc chiến. Sự thất bại của Đinh Hạo – đệ tử bốn đời Diệp Vấn khiến không ít người hoài nghi về tính thực tế, hữu dụng của Vịnh Xuân.

Là người tập Vịnh Xuân và theo dòng của Diệp Vấn, võ sư Peter Pham cho rằng lỗi không hoàn toàn thuộc về môn võ mà cốt lõi nằm ở người luyện tập. “Những người tập võ truyền thống thường hay bị cố chấp và mang sức mạnh ảo tưởng, cứ nghĩ mình là biết đánh nhưng thật ra hoàn toàn không biết đánh nhau là gì cả.

Muốn biết chiến đấu thì bản thân người tập võ truyền thống phải tập chiến đấu. Điều đó không thể khác được”, Peter chia sẻ quan điểm.

Võ sư Peter Pham tập luyện và sử dụng võ thuật để phát triển sự nghiệp điện ảnh. Nhưng khi được hỏi về tính thực chiến của Vịnh Xuân, anh cho rằng: “Muốn thực chiến tốt, võ sĩ Vịnh Xuân cần tập thể lực nhiều, thường xuyên luyện đấm pad và đeo găng giống như MMA. Đồng thời, người tập cũng nên đá bao cát thật nhiều. Kinh nghiệm thi đấu cọ xát nhiều cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao tính thực chiến.

Nếu cứ mãi đánh với mộc nhân thì chẳng bao giờ khá lên được. Đồng thời, vấn đề chiến đấu tốt hay còn cũng phụ thuộc một phần vào kinh nghiệm dạy của người thầy.

Ngay cả Lý Tiểu Long khi đi giao đấu nhiều mới có kinh nghiệm. Từ đó, ông cải biên Vịnh Xuân trở nên đơn giản và thực dụng hơn, vì thế ông mới có thể đánh được. Vịnh Xuân không phải là một hệ thống mà nó chỉ là một khái niệm, khái niệm đó được mở ra theo chiều hướng của người tiếp nhận, đôi khi lại là con dao hai lưỡi”.

Xem Peter Pham đánh mộc nhân:

Xem Peter Pham đánh bát trảm đao:

ẤP Ủ LÀM PHIM VÕ THUẬT MANG PHONG CÁCH DIỆP VẤN CHINH PHỤC KHÁN GIẢ VIỆT

Theo chia sẻ của Peter Pham, ngoài niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật, anh còn rất thích được làm diễn viên, tham gia vào những bộ phim võ thuật.

Sang Mỹ, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn trong giới võ thuật, anh có cơ hội tham gia casting cho quảng cáo của nam tài tử hành động Chuck Norris (đối thủ của Lý Tiểu Long trong phim Mãnh Long Quá Giang).

Peter kể: “Lúc casting có khoảng 100 người châu Á, tôi nghĩ rằng sẽ không đến lượt mình được chọn vì có quá nhiều người tài. Nhưng khi lên diễn, đạo diễn bảo tôi đánh đi đánh lại nhiều lần. Hôm sau, họ thông báo tôi là người được chọn. Từ đó, tôi thấy thích và theo luôn nghiệp diễn xuất đến giờ”.

Peter Pham chụp ảnh cùng Cung Lê.

Là một dân tay ngang, Peter Pham chỉ chọn làm phim võ thuật ngắn và đóng các phim quảng các cho nhiều đài TV của cộng đồng người Việt tại bang Texas. Kính phí hạn chế và thời lượng ngắn nên anh không thể phát huy hết tài năng của mình.

“Nhìn những diễn viên như Ngô Kinh hay Trương Tấn, cùng bằng tuổi với tôi và được công nhận xứng đáng từ khán giả. Điều đó khiến tôi càng quyết tâm theo đuổi đam mê điện ảnh của mình mãnh liệt hơn nữa.

Hiện tại, tôi đang ấp ủ hai kịch bản phim võ thuật điện ảnh cho khán giả Việt Nam. Nếu có nhà đầu tư, tôi sẽ cống hiến hết mình cho một sản phẩm điện ảnh chỉnh chu giống như kiểu Diệp Vấn của Chân Tử Đan”, võ sư Peter Pham thổ lộ.

Cũng theo vị võ sư sinh năm 1974, Việt Nam có rất hiều đề tài hay để làm phim hành động – võ thuật nhưng chưa khai thác hết mức. Anh hy vọng các nhà làm phim và các đạo diễn trong nước có thể làm nhiều bộ phim võ thuật chỉnh chu hơn nữa để phục vụ khán giả Việt Nam. Khi đó, bản thân anh cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để trở về nước và hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh trên chính nơi mình từng sinh ra và lớn lên.

Xem phim ngắn võ thuật của Peter Pham:

Võ Đạt