(VoThuat.vn) – Dưới góc nhìn của võ sĩ Đào Nguyễn Anh Tuấn, Boxing không chỉ đơn giản là bộ môn võ thuật có tính đối kháng cao mà nó còn chứa đựng nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn được anh xem là nghệ thuật.
“BOXING KHÔNG PHẢI BẠO LỰC, NÓ LÀ NGHỆ THUẬT”
Phóng viên tìm gặp Anh Tuấn tại CLB Samurai Boxing khi anh đang bước vào giai đoạn tập luyện để chuẩn bị cho trận đấu tại Giải Boxing HBF lần 1 – 2018 diễn ra vào đêm 30.9. Tuấn đã có gia đình và đang làm kinh doanh nhưng vẫn dành thời gian theo đuổi đam mê Boxing. Có thể gọi anh là người đàn ông bận rộn. Anh Tuấn khá cởi mở và nhiệt tình chia sẻ về đam mê võ thuật của bản thân.
Đào Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1989, anh đến với Boxing được 4 năm. Trước đó, Anh Tuấn từng tập luyện và thi đấu qua Muay Thai, Kickboxing. “Thời điểm đầu, mình tập luyện nhưng không xác định rõ bản thân muốn gì. Sau đó, khi đi làm kinh doanh và có gia đình, cuộc sống khiến mình có nhiều thứ để lo toan và phải làm sao để chu toàn mọi việc mà vẫn tập luyện võ thuật được. Lúc đó mình đã chọn Boxing để dung hòa tất cả vì nó không tốn nhiều thời gian. Khi đến với Samurai, HLV Ojima Shogo đã cho Tuấn tìm thấy niềm đam mê thực sực và không tập thêm môn võ nào khác nữa”, Anh Tuấn chia sẻ.
Boxing là môn võ thuật có được đánh giá là mang tính đối kháng cao, các đòn đánh đơn giản nhưng vô cùng thực dụng. Ở góc nhìn thực tế của nhiều người, Boxing trông có vẻ khô khan và bạo lực. Nhưng với Đào Nguyễn Anh Tuấn, anh cho rằng quyền Anh không như vậy mà mang nét đẹp riêng.
Trong một lần tình cờ được sparring (đấu tập) với một võ sĩ thuộc CLB Samurai, Anh Tuấn bị cuốn hút bởi đòn thế đẹp mắt của đối thủ. Từ đó, anh thay đổi quan điểm, quyết tâm tìm đến với CLB để tập luyện Boxing.
Anh Tuấn nói: “Nhiều người vẫn có quan niệm Boxing mang tính bạo lực nhưng ở Samurai, HLV Ojima đã cho tôi thấy đều ngược lại. Không chỉ là những đòn đấm cơ bản, ông ấy đã nâng tầm Boxing lên thành môn võ nghệ thuật.
Tôi từng sang Nhật để thi đấu chuyên nghiệp và đây là trải nghiệm rất quý giá. Ở Nhật, khi lên đài, các võ sĩ ra đòn rất kỹ thuật và đẹp mắt và khiến bản thân mình nhìn ra tính nghệ thuật trong đó”.
Theo Tuấn, việc tập luyện với một HLV người Nhật đã giúp anh ngộ ra nhiều điều trong Boxing. Ở đó, không đơn giản là những đòn đấm mà phải biết dùng đầu óc để suy nghĩ.
“Thông thường, một võ sĩ khi ra đòn số 1 thì chỉ đánh đúng đòn số 1 nhưng ở đây Tuấn được học nhiều góc cạnh khác nhau, mở ra cho mình những nước đi tiếp theo. Các đòn đấm cũng giống như một ván cờ, khi lên đài buộc mình phải suy nghĩ chứ không thể cứ đấm và đấm liên tục được”, Tuấn cho biết.
Hiện nay, Đào Nguyễn Anh Tuấn vẫn tập luyện đều đặn cùng HLV Ojima tại CLB Samurai Boxing. Một điều quan trọng anh học được từ vị HLV người Nhật đó là tinh thần chiến đấu không bao giờ bỏ cuộc. Anh cho rằng, các võ sĩ Việt Nam thường bị mắc bệnh tâm lý khi lên đài, nhất là gặp đối thủ mạnh thường tỏ vẻ lo sợ.
Anh nói: “Ngay cả bản thân Tuấn trước đây cũng vậy. Nhớ có lần khi tập luyện ở Singapore, Tuấn có đấu với một võ sĩ nặng 80kg. Tất nhiên mình bị đánh nhiều hơn thành ra bị chấn thương tâm lý. Đó cũng là tâm lý chung của đa số võ sĩ mỗi khi bước vào trận đấu.
Nhưng nhờ có Ojima, Tuấn đã vượt qua đều đó. Ông ấy luôn truyền cho mình tinh thần chiến đấu không bao giờ bỏ cuộc, khó khăn, mệt mỏi đến mấy cũng phải cố gắng vượt qua, tất nhiên tới một giới hạn nào đó thì phải ngưng lại. Hôm sau lại tiếp tục vượt qua giới hạn đó. Nhờ vậy mà khi bước lên đài mình vẫn có thể tiếp tục được dù đối thủ là ai”.
VÕ SĨ CHUYÊN NGHIỆP CHƯA CHẮC GIỎI HƠN NGHIỆP DƯ
Mặc dù gắn bó với Boxing đã 4 năm nhưng Anh Tuấn lại chưa bao giờ đặt nặng vấn đề thành tích trong thi đấu. Ngưỡng tuổi 30, anh quan niệm rằng tập luyện để duy trì đam mê và Boxing giống như một thú vui khác ngoài công việc kinh doanh.
“Khi đi làm nhiều người tỏ ra bất ngờ khi không nghĩ rằng Tuấn ngoài làm kinh doanh lại còn chơi cả Boxing. Điều đó khiến bản thân mình rất tự hào”, Tuấn chia sẻ.
Sắp tới, anh là một trong số 20 võ sĩ sẽ góp mặt ở đêm thi đấu chính của Giải Boxing HBF lần 1 – 2018. Mặc dù là giải bán chuyên nhưng HBF 01 – Pro Boxing Tournament lại thi đấu theo thể thức chuyên nghiệp. Về điều này, võ sĩ của CLB Samurai tin tưởng rằng việc thi đấu thường xuyên ở các giải như vậy sẽ giúp trình độ võ sĩ được nâng lên đáng kể. Anh nói thêm: “ Tuấn từng đi nhiều nơi nên cũng học hỏi được nhiều điều. Nếu ở Việt Nam tổ chức được các giải đấu mang tính chuyên nghiệp thì sẽ thu hút được nhiều võ sĩ nước ngoài đến tập luyện và thi đấu. Từ đó, cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, tài trợ cũng tăng cao, mở ra cơ hội mới cho quyền Anh Việt Nam”.
Thực tế, quyền Anh Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn phát triển và bước đầu tiệm cận chuyên nghiệp. Với một võ sĩ từng đấu cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, Anh Tuấn có sự nhìn nhận khách quan về trình độ.
Theo anh, nói một võ sĩ chuyên nghiệp trình độ hơn nghiệp dư chưa hẳn đúng hoàn toàn: “Nhiều người nói, Pro Boxer giỏi hơn Amateur Boxer. Điều đó không phải. Pro ở đây không thể hiện qua năng lực mà là công việc. Khi được công nhận là một võ sĩ chuyên nghiệp thì đó hiển nhiên là trách nhiệm của họ. Họ thi đấu tức là đang biểu diễn, đó là công việc chính. Khi Boxing Việt Nam hướng lên chuyên nghiệp là một điều rất hay, trình độ của võ sĩ sẽ lên, họ xem đó là nghề và mang về thu nhập ổn định”.
Đến với HBF 01 – Pro Boxing Tournament, một giải đấu có giải thưởng hấp dẫn và áp dụng tranh đai, tính điểm theo hệ thống Rankings HBF, Anh Tuấn không đặt nặng chuyện thắng thua mà xem đó là cơ hội để thử thách bản thân ở một giới hạn mới.
Anh chia sẻ: “Những người tổ chức đã chọn Tuấn đó là một vinh dự rồi. Tuấn muốn tận hưởng trận đấu đó một cách trọn vẹn để mang cái đẹp của Boxing cống hiến cho khán giả. Đồng thời đây là dịp để mình sử dụng nhữn kỹ năng đã tập luyện. Với Tuấn vậy là vui rồi, không cần mục tiêu gì to lớn cả”.
Võ Đạt