Lời tòa soạn: Giới hâm mộ Võ thuật Việt Nam lại thêm một phen “dậy sóng” với văn bản mới đây của Ban chuyên môn và luật VOC khi đề xuất ghép 2 môn võ là Võ Cổ truyền và Vovinam làm một và lấy lý do là để phát triển quốc tế? VoThuat.vn Xin giới thiệu bài viết về vấn đề này của tiến sĩ Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới (nguyên là Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới) cùng bạn đọc….
Tại cuộc họp của ban chuyên môn và luật Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) ngày 18 tháng 1 năm 2018 tại Hà Nội do Phó Chủ tịch VOC Hoàng Vĩnh Giang –làm trưởng ban đã ký biên bản kiến nghị: “Đề xuất thống nhất hai môn võ thuật dân tộc là Vovinam và Võ cổ truyền làm một là Vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế”. Có thể khẳng định, đây là một phép cộng cơ học khiên cưỡng, đi ngược lại quy luật phát triển chung, vô tình đồng hóa các môn phái với nhau và đã gây ra một sự bất bình lớn trong giới hâm mộ võ thuật Việt Nam.
Văn bản gây tranh cãi của Ban chuyên môn và luật của VOC do ông Hoàng Vĩnh Giang ký ngày 18/1/2018.
Cần nói rõ: Võ cổ truyền Việt Nam (võ phục màu đen) dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc VN, được bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí… với đặc điểm nổi bật là các bài quyền có lời thiệu bằng thơ, phú… (có 10 bài quyền và binh khí thống nhất trong chương trình kiểm tra thi lên đai). Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã được thành lập và hoạt động rộng khắp trong nước và có hệ thống thi đấu cấp quốc gia từ hơn 20 năm qua. Trong khi đó, Vovinam (võ phục màu xanh dương) là môn phái được võ sư Nguyễn Lộc phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật khác với chủ thuyết “cách mạng tâm thân”, trên nguyên lý Cương nhu phối triển. Sau 80 năm thành lập (1938-2018) và hơn 40 năm phát triển quốc tế, cùng sự nỗ lực của nhiều thế hệ, Vovinam đã phát triển rộng khắp ra trên 60 quốc gia trên toàn thế giới, Liên đoàn Vovinam thế giới ra đời vào năm 2008, Vovinam chính thức được đưa vào các kỳ tranh tài đỉnh cao của khu vực và châu lục: SEA Games (2013 (Indonesia), 2015 (Myanmar)); ASIAN Indoor Games 2009; ASIAN Beach Games (2017). Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam mới được thành lập hơn 2 năm và chỉ tổ chức được giải thế giới lần 1 từ tháng 6 năm 2016. Từ những khái quát trên, ta thấy rõ Võ cổ truyền Việt Nam cũng như Vovinam (và các môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam khác) là tách biệt hoàn toàn, không chỉ về bản sắc, triết lý, kỹ thuật và luật lệ thi đấu mà còn cả lộ trình phát triển.
Vovinam là môn võ có 80 năm lịch sử và hơn 40 năm quốc tế hóa và đã lan tỏa ra hơn 60 nước trên thế giới.
Với đề xuất trên, ngay từ tên gọi, đã khai tử luôn hai “thương hiệu” Võ Cổ Truyền và Vovinam để đẻ ra một cái tên mới đầy lạ lẫm: Vovietnam. Có người sẽ tự hỏi: Vovietnam là gì? Một liên đoàn mới, một môn phái mới, quyền Việt chăng hay một cách gọi mới để chỉ tất cả các môn phái võ thuật ở Việt Nam. Và chúng ta sẽ dùng hệ thống kỹ thuật nào, triết lý võ đạo nào để đi phát triển ra quốc tế khi mà từ lâu nay các môn đồ của Vovinam và Võ Cổ truyền Việt Nam đều đang sinh hoạt trong hai hệ thống khác biệt và độc lập. Rõ ràng là một đề xuất “khai tên đổi họ” kỳ lạ, đi ngược với sự phát triển chung của nền võ học thế giới. Nếu một ngày nào đó, các môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam danh tiếng như: Thiên Môn Đạo, Nhất Nam (miền Bắc), Tây Sơn Võ Đạo (miền Trung) hay Tân Khánh Bà Trà (miền Nam), Bình Định (miền Trung)… đủ mạnh để “đứng riêng” (như Vovinam), thì đấy là tín hiệu đáng mừng khi mỗi môn phái đều thể hiện bản sắc riêng với bạn bè quốc tế trong dòng chảy võ học Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng, chẳng môn phái nào cảm thấy hài lòng khi “thương hiệu” của mình lại bị khai tử và đồng hóa bằng cái tên Vovietnam xa lạ nào đó. Các chuyên gia khẳng định, với kiến nghị này của PCT VOC Hoàng Vĩnh Giang (đồng thời là chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và thế giới) sẽ tạo ra một tiền lệ xậu, gây ra những hệ lụy mất đoàn kết và xáo trộn không cần thiết cho cả hai môn võ thuật dân tộc này.
Võ Cổ truyền Việt Nam với một hệ thống kỹ thuật đa dạng và từng bước phát triển rộng khắp.
Từ kiến nghị: “Đề xuất thống nhất hai môn võ thuật dân tộc là Vovinam và Võ cổ truyền làm một là Vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế”, ta có thể thấy, đây là dụng ý “đốt cháy lộ trình” nhằm giúp cho Võ cổ truyền (“dựa” vào Vovinam ) “nhảy thẳng” vào hệ thống thi đấu quốc tế (chúng ta thử nghĩ, làng võ thế giới sẽ phản ứng ra sao nếu có đề xuất kiểu: “Thống nhất hai môn võ thuật Nhật Bản là Judo và Karatedo làm một là VoNhatBan, hay Taekwondo sáp nhập với Taekkyon thành VoHanQuoc… để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế, đặc biệt là Olympic”). Tôi tin chắc rằng, các võ sư, môn sinh, HLV của Võ Cổ Truyền Việt Nam và hàng triệu người hâm mộ võ thuật sẽ không cần đến cái lợi (không đáng) này mà đánh đổi thương hiệu, bản sắc mà bao thế hệ môn sinh đã từng gây dựng của mình. Tất cả đều có lộ trình để khẳng định bản sắc của mình (như Vovinam đã làm được và Võ cổ truyền cũng sẽ như vậy).
Việc chúng ta tận dụng các cơ hội để đưa Vovinam, Võ cổ truyền vào hệ thống thi đấu quốc tế nhằm tạo dựng hình ảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là điều cần thiết. Nhưng Võ Cổ Truyền + Vovinam = Vovietnam là một phép cộng cơ học khiên cưỡng, đồng hóa các môn phái với nhau, một sự coi thường bản sắc các môn phái trong dòng học võ Việt và nếu không nói là giết chết thương hiệu của cả Vovinam lẫn Võ cổ truyền.
TS Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới (WoMAU)