Trận Muay Thái trong khuôn khổ giải Võ thuật Let’s Viet – Tranh giải thưởng Number One giữa “chiến binh bí ẩn” Thanh Trung và “Lá phổi thép” Phát Đạt là tâm điểm đáng chú ý nhất của ngày đầu giải đấu khởi tranh (4/7, tại Nhà thi đấu Quân Khu 7).
Cận cảnh“Lá phổi thép” Phát Đạt quật ngã “chiến binh bí ẩn” Thanh Trung
Muay Thái Let’s Viet 2015: Trận đại chiến “2 hổ tranh 1 rừng”
Thế nhưng, trái ngược với sự chờ đợi của người hâm mộ, trận đấu này đã phải kết thúc sớm một cách hết sức đáng tiếc, nhưng không đáng trách.
Giống như những trận đấu Muay Thái bản địa, các võ sĩ tiến hành nghi thức “chào sân” đúng phong cách bản địa, bao gồm “quay cù” khóa đài (tục lệ tuyên bố võ đài đóng lại, chỉ còn cuộc so tài giữa 2 người đàn ông), các điệu múa Waikru (bái tổ và đồng thời cũng là bài khởi động). Không chỉ là một sân chơi võ thuật đối kháng, các trận đấu Muay Thái còn đồng thời truyền tải được nét văn hóa của xứ sở Chùa Vàng. Thậm chí, trận đấu còn được diễn ra trong tiếng nhạc võ truyền thống giống như trận đấu giữa các võ sĩ Muay Thái bản địa.
Bước vào hiệp 1, “Chiến binh bí ẩn” Nguyễn Thanh Trung bộc lộ đúng tố chất của một võ sĩ gốc Kickboxer khi liên tục thực hiện những cú đá cao và thể hiện rõ ý đồ tìm kiếm chuỗi đòn. Ý thức được thế yếu về kinh nghiệm trận mạc, thừa hiểu Thanh Trung đã từng luyện tập những bộ môn có đặc điểm khá gần với Muay Thái, “lá phổi thép” Lê Hồ Phát Đạt chọn phương án phòng thủ cẩn thận và chờ đợi cơ hội phản công. Đó rõ ràng không phải là điều khó khăn, nhất là với một tay đấm dồi dào thể lực như Phát Đạt. Hai võ sĩ chơi thận trọng đến mức chính trọng tài phải ra hiệu yêu cầu phải thi đấu tích cực hơn.
Sang hiệp 2, Thanh Trung tin tưởng vào kinh nghiệm đòn đấm của mình mà mạnh dạn tìm cách tiếp cận tấn công Phát Đạt. Có lẽ anh thừa hiểu khi đối mặt với những “thùng xăng” đầy thể lực như Phát Đạt, việc tấn công không đủ “nhiệt” thì cũng không khác nào tự sát.
Thế nhưng, cũng chính từ quyết định “đôi công đổi đòn” đó đã đẩy Thanh Trung vào những chuỗi tấn công – phản kháng đầy may rủi. Và đó cũng chính là nguyên nhân của vết cắt trên mí mắt trái Thanh Trung. Sau hai lần liên tục yêu cầu tạm dừng trận đấu để bộ phận y tế can thiệp, trọng tài quyết định yêu cầu cho dừng hẳn trận đấu – và dĩ nhiên kết quả không thể thuộc về người lãnh chịu chấn thương.
Quyết định đó của trọng tài vấp phải sự phản đối của Nguyễn Thanh Trung. Thế nhưng, Let’s Viet không phải những giải đấu khắc nghiệt ở Thái Lan, nơi mà các võ sĩ có thể đổ cả chén máu vì danh dự chiến thắng. Một bộ môn luôn ẩn chứa nguy cơ chấn thương cao như Muay Thái khi du nhập vào Việt Nam luôn cần những bước đệm an toàn, và đó là lí do BGK quyết định cho dừng trận đấu khi cuộc so tài vẫn chưa thực sự hạ hồi phân giải.
Đây là một trận đấu kết thúc tương đối đáng tiếc cho cả 2 võ sĩ lẫn người hâm mộ. Phát Đạt nhận lấy phần thắng dù vẫn tiếc nuối chưa được chơi hết mình với người đàn anh chung phòng tập, còn Thanh Trung phải dừng cuộc chơi vì một chấn thương may rủi, khi mà lối chơi càn lướt anh đã chọn còn chưa kịp chứng tỏ sự hiệu quả. Một cái kết không mấy vui, nhưng là cái kết vô cùng hợp lý và an toàn.
Đằng sau chiến thắng nửa vui nửa buồn đó là một bài học quý giá cho công tác tổ chức thi đấu Muay Thái tại Việt Nam. Let’s Viet năm nay vẫn chỉ giới hạn Muay Thái ở những trận thách đấu, thế nhưng trong tương lai, bộ môn này có thể sẽ sánh vai cùng Boxing và Võ cổ truyền trong những trận tranh đai. Việc tích lũy kinh nghiệm và bài học từ bây giờ là điều thực sự cần thiết.
Một lần nữa, xin chúc mừng Lê Hồ Phát Đạt – chàng võ sĩ trẻ sinh năm 1995, người đã đưa linh hồn Việt Nam vào môn võ Thái Lan bằng tất cả sự khôn ngoan và quả cảm.
Xem thêm hình ảnh trận quyết chiến giữa “chiến binh bí ẩn” Thanh Trung và “Lá phổi thép” Phát Đạt
Hồ Võ