(VoThuat.vn) – SEA Games 30 trên đất Philippines là một kì đại hội thành công đối với đoàn thể thao Việt Nam nói chung và võ thuật Việt Nam nói riêng.
SEA Games 30 cuối cùng cũng đã kết thúc và vị trí thứ 2 hai trên bảng tổng sắp huy chương được xem như là một thành lơn đối với đoàn thể thao Việt Nam. Với 98 tấm huy chương vàng trong 43 bộ môn thi trên đất Philippines, vượt xa chỉ tiêu ban đầu đoạt 70 HCV và nằm trong top 4 của đoàn thể thao Việt Nam. Đáng chú ý đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xếp trên “kình địch” Thái Lan tại đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2003 với số VĐV ít hơn. Góp công không nhỏ trong thành công này không thể không nhắc đến nỗ lực của các VĐV võ thuật khi mang về 43 tấm HCV. Hãy cùng VoThuat.vn điểm qua các môn võ đã mang HCV về cho đoàn Việt Nam tại kì SEA Games 30 vừa qua nhé.
1. Arnis
SEA Games 30 là một trong số ít những lần Arnis góp mặt tại sân chơi cấp khu vực này. Đây là một môn võ ít được biết đến tại “Đất nước hình chữ S”. Không nằm ngoài dự đoán, Philippines thể hiện sức mạnh vượt trội so với các nước còn lại với tận 14 HCV bởi đây chính là Quốc võ của nước chủ nhà. Tuy nhiên các VĐV Philippines cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trước đoàn Việt Nam khi chỉ ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, lần lượt các VĐV Nguyễn Thị Cẩm Nhi (trên 60kg), Đào Thị Hồng Nhung (55-60 kg nữ) và Vũ Thị Thanh Bình (50-55 kg nữ) đã giành được 3 tấm HCV ngay trong ngày đầu ra quân (1/12). Sau đó hai ngày (3/12), VĐV Đỗ Đức Trí ở bộ môn quyền truyền thống vũ khí nam, vượt qua cả VĐV đội chủ nhà Mark David Puzon để mang về tấm HCV thứ 4 cũng như cuối cùng cho đoàn Arnis Việt Nam.
2. Kurash
Tương tự Arnis, Kurash là một môn có phần xa lạ với nhiều người con đất Việt. Tuy nhiên môn võ có nguồn gốc từ Uzbekistan này đã liên tiếp xuất hiện trên các mặt báo khi góp công mang về đến 7 tấm HCV chỉ trong hai ngày thi đấu đầu tiên của Đại hội thể thao Đông Nam Á. Cụ thể, Trần Thương và Hoàng Thị Tình đã xuất sắc giành các ngôi vị cao nhất lần lượt tại các hạng cân dưới 90kg và dưới 52kg. 2/12 được xem là ngày lịch sử của Kurash Việt Nam khi giành HCV ở tất cả 5 nội dung thi đấu. Trần Thị Thanh Thủy (70kg nữ), Lê Đức Đông (66kg nam), Vũ Ngọc Sơn (dưới 73kg nam), Bùi Minh Quân (dưới 81kg nam) và Nguyễn Thị Lan (dưới 70kg nữ) chính là những cái tên góp phần giúp Kurash Việt Nam khẳng định vị trí của mình tại SEA Games 30.
3. Wushu
Wushu chính là môn đầu tiên mang HCV về cho thể thao Việt Nam tại kì SEA Games cách đây 2 năm trên đất Malaysia. Và cũng chính môn võ này đã mang về tấm huy chương đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 với tấm HCB thuộc về VĐV Trần Thị Minh Huyền trong ngày thi đấu thứ nhất. Tuy nhiên, mãi đến ngày thi đấu thứ 3, Phạm Quốc Khánh (nam quyền), Nguyễn Thị Trang (đối kháng, 65kg), Bùi Trường Giang (đối kháng nam) mới lần lượt giành liên tiếp 3 tấm HCV về cho nước nhà.
4. Pencak Silat
Tại các kỳ Đại hội khu vực, thậm chí là châu lục như ASIAD 2018, Pencak Silat luôn được coi là mỏ vàng khi đóng góp nhiều huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Thế nhưng ở SEA Games lần này, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn giành 1 Huy chương Vàng do nước chủ nhà Philippines cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh. Cụ thể là ở SEA Games lần này chỉ có 5 nội dung đối kháng, trong đó các hạng cân thế mạnh của Việt Nam như 75kg, 85kg, 90kg, 95kg của cả nam và nữ đều không có trong danh sách nội dung thi đấu (các kỳ Đại hội trước thường có ít nhất 14 hạng cân). Do không có những hạng cân sở trường, nên các nhà vô địch ASIAD như Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí… đều phải đứng ngoài sân chơi này. Chính vì thế, tấm HCV duy nhất của Trần Thị Thêm ở hạng cân dưới 55kg nữ trong ngày 5/12 đã giúp Pencak Silat Việt Nam xem như hoàn thành chỉ tiêu ban đầu được đề ra trước thềm SEA Games.
5. Judo
Ở đấu trường SEA Games, cuộc cạnh tranh những tấm huy chương Vàng Judo luôn là những trận chung kết đầy quyết liệt giữa các võ sĩ Việt Nam với các đối thủ đến từ Thái Lan và Indonesia – những quốc gia phát triển mạnh ở môn võ này. Chính vì thế, các chiến thắng của Lê Anh Tài trước võ sĩ Thái Lan Hantratin Kittipong để giành HCV ở nội dung đối kháng dưới 90kg (6/12) chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển vượt bậc của võ thuật Việt Nam trong những năm gần đây. Ngày hôm sau (7/12), các nữ VĐV Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Ngọc Diễm PHương, Hồ Thị Như Vân, Nguyễn Thị Diệu Tiên, Hà Thị Nga đã dành chiến thắng chung cuộc 3-2 ở nội dung kata đồng đội nữ để mang về thêm tấm HCV cho đoàn Việt Nam.
6. Karatedo
Tại SEA Games 29, đội tuyển Karatedo Việt Nam đặt mục tiêu 4 HCV và kết thúc thành công khi giành tổng cộng 5 HCV ở cả hai nội dung kata (biểu diễn) và kumite (đối kháng). Tuy nhiên ngay tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm nay với cùng một chỉ tiêu, đoàn Karatedo Việt Nam đã không thể hoàn thành chỉ tiêu khi chỉ mang về 3 tấm HCV. Nguyễn Thị Phượng chính là VĐV “mở hàng” mang Vàng về cho đoàn Việt Nam trong ngày 7/12 ở nội dung biểu diễn Kata. Trong ngày tiếp theo 8/12, Nguyễn Thanh Duy đã vươn lên vị trí cao nhất ở nội dung đối kháng hạng cân 60kg nam, trong khi Lưu Thị Thu Uyên, Lê Thị Khánh Ly, Nguyễn Thị Phương cũng đã xuất sắc đứng nhất ở nội dung kata đồng đội nữ.
7. Taekwondo
Là một trong những môn kiếm Vàng chủ lực của đoàn thể thao Việt Nam trên đất Philippines, đoàn Taekwondo hiển nhiên được người hâm mộ nước nhà đặt rất nhiều kì vọng lên vai, nhất là sau những thành công vang dội của Châu Tuyết Vân và các đồng đội tại các sân chơi cấp châu lục trong thời gian vừa qua. Thật vậy, tại SEA Games 30, Taekwondo Việt Nam đã xuất sắc mang về cho thể thao nước nhà 5 tấm huy chương vàng danh giá từ cả các nội dung quyền lẫn đối kháng. Với kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu từ các giải đấu cấp châu lục, quyền Taekwondo đã ngay lập tức mang về 2 tấm HCV ở các nội dung Quyền sáng tạo đồng đội (Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thị Lệ Kim, Hứa Văn Huy, Nguyễn Ngọc Minh Hy, Trần Hồ Duy) và Quyền sáng tạo cá nhân nữ (Nguyễn Thị Mộng Quỳnh) ở ngay ngày thi đấu đầu tiên của Taekwondo (7/12).
Bên cạnh tuyển quyền, tuyển đối kháng Taekwondo Việt Nam cũng đã cho thấy sự quyết tâm khẳng định vị trí với các đối thủ trong cùng khu vực, nhất là trong thời điểm các nội dung đối kháng của đoàn Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao, khi các VĐV Bạc Thị Khiêm (67kg nữ), Phạm Thị Thu Hiền (62kg nữ) và Trần Thị Ánh Tuyết (53kg nữ) cũng đã cùng nhau lên tiếng trong các ngày 8 và 9/12.
8. Kickboxing và Muay
SEA Games 30 không phải là một kì đại hội thành công với Muay Việt Nam nói chung và với cá nhân Nguyễn Trần Duy Nhất nói riêng. Ở nội dung quyền nam, mọi niềm hy vọng đổ vào Nguyễn Trần Duy Nhất. “Độc cô cầu bại” của Việt Nam lần này thử sức ở một nội dung khá mới lạ và gặp phải đối thủ nặng kí ở một nội dung hoàn toàn mới tại SEA Games nên anh đã không hoàn thành được điều mà anh mong đợi là mang được tấm HCV cho thể thao Việt Nam. Bùi Yến Ly chính là cái tên duy nhất mang giúp cho đoàn Muay thoát khỏi cảnh “đói Vàng” khi đánh bại đối thủ chủ nhà Philippines với tỷ số 30-27 trong trận chung kết hạng cân 54kg nữ.
Không vào cảnh “lâm ly bi đát” như Muay, đoàn Kickboxing Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định khi lần lượt các VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga (dưới 48kg nữ), Phạm Bá Hợi (54kg nam), Nguyễn Xuân Phương (57kg nam) và Huỳnh Văn Tuấn (51 kg nam) làm rạng danh võ thuật nước nhà tại SEA Games 30.
9. Boxing
Tương tự Muay, đoàn Boxing Việt Nam cũng phải chịu lép vế so với các môn thể thao khác khi chỉ có thể mang về duy nhất 1 tấm HCV khi võ sĩ Nguyễn Thị Tâm của Việt Nam đã thi đấu xuất sắc và đánh bại đối thủ nước chủ nhà Philippines ở hạng cân 51kg nữ. Bên cạnh tấm HCV duy nhất, Boxing Việt Nam còn để lại một dấu ấn khác tại SEA Games năm nay sau trận thua đầy tranh cãi của Trương Đình Hoàng trong trận chung kết. Sau khi giành chiến thắng trong “trận chung kết sớm” trước võ sĩ nước chủ nhà Marvin John Nobel tại tứ kết, Đình Hoàng tự tin bước đến trận đấu cuối cùng và để thua do sử dụng sai chiến thuật trước tay đấm người Thái Thongkrathok.
10. Vật
Những ngày cuối cùng của SEA Games 30 chứng kiến sự bức tốc ngoạn mục tự người Thái khi những VĐV từ xứ sở chùa Vàng đã vươn lên giành lấy vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương của đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, với 12 HCV trên tổng số 14 nội dung thi chỉ trong vỏn vẹn hai ngày thi đấu cuối cùng, đội tuyển Vật đã xuất sắc giúp đoàn Việt Nam lội ngược dòng và đòi lại vị trí thứ hai chung cuộc trên bảng tổng sắp huy chương. Những cái tên đã mang vinh quang về cho tổ quốc chính là Nghiêm Đình Hiếu (87 kg nam), Nguyễn Bá Sơn (77 kg nam), Nguyễn Thị Xuân (50 kg nữ), Nguyễn Đình Huy (55 kg nam), Bùi Tiến Hải (60 kg nam), Nguyễn Văn Công (57kg nam), Cấn Tất Dự (70kg nam), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (62kg nữ) Kiều Thị Ly (55kg nữ), Nguyễn Hữu Định (61 kg nam), Nguyễn Xuân Định (65kg nam) và Hà Văn Hiếu (125kg nam).
Tuyển vật, cũng chính là đội tuyển có số HCV lớn nhất tại SEA Games lần này. Màn chốt hạ đầy ấn tượng của bộ môn này đóng góp không hề nhỏ trong thành công chung của thể thao Việt Nam.
Như vậy, khép lại SEA Games 30, các môn võ Việt Nam đã giành đến gần phân nửa số huy chương vàng của đoàn TTVN. 13 môn võ tham gia thì có đến 11 môn có vàng, chỉ có Sambo và Jiu Jitsu là để lại điều tiếc nuối cho chúng ta. Có thể nói, sự thành công của các môn võ cũng là biểu tượng cho sự thành công của Việt Nam trong một kì SEA Games có quá nhiều điều đọng lại. Từ bệ phóng SEA Games, võ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Anh Vũ
Tin liên quan: