Nếu như quý khán giả Thai Fight 2014 đã chứng kiến niềm tự hào Nguyễn Phú Hiển trở thành người Việt Nam đầu tiên vô địch Thai Fight nhưng phải ngậm ngùi nhìn người võ sĩ đầy tiềm năng Nguyễn Trần Tự Do vấp phải trận thua cay đắng thì ngày hôm qua – đêm ngày 24/10 lại là một đêm bùng nổ trọn vẹn khi cả 2 lần cái tên “Việt Nam” kiêu hãnh được xướng lên trên đấu trường danh giá Thai Fight.
Một số nhận định trước thềm đại chiến Thai Fight 2015
Nguyễn Trần Duy Nhất và “ngưỡng cửa thiên đường” Thai Fight 2015
Căng thẳng – dồn dập – máu lửa và kịch tính, đó là những gì có thể dùng để miêu tả đêm thi đấu ngày hôm qua, có lẽ cũng đủ để những khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ có thể ghen tị với những ai được trực tiếp cảm nhận sức nóng của đấu trường Thai Fight, với những âm thanh sôi sục đội vào lồng ngực, hay những khoảnh khắc võ đài hoành tránng ngập tràn trong ánh đèn bắt đầu trận đấu.
Thế nhưng, đối với các khán giả Việt, điều lớn nhất làm nên sức nóng của Thai Fight lần này vẫn là sự xuất hiện của 2 võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất – vị quân vương bán chuyên đang đi tìm con đường khẳng định mình tại đấu trường chuyên nghiệp và Võ Văn Đài – một tài năng luôn im hơi lặng tiếng trước ống kính truyền thông nhưng lại “đổ bộ” sàn đấu như một cơn bão. Và lời hứa hẹn chiến thắng của họ chính là điều lớn lao nhất cho những khán đài ầm vang tiếng reo hò thậm chí có thể so sánh với những tràng cổ vũ trong bộ môn thể thao vua – bóng đá.
Nguyễn Trần Duy Nhất – kẻ lỡ nhịp, người thăng hoa
Đối mặt với Victor “Leo” Pinto – ngôi sao trẻ đang giữ chức vô địch Thai Fight, Nguyễn Trần Duy Nhất đã từng bị đánh giá “kèo dưới” ngay trong đôi mắt đánh giá của các chuyên gia nước ngoài lẫn Việt Nam. Thế nhưng, với bản lĩnh luôn tìm mọi cách chứng tỏ thương hiệu “Duy Nhất”, chàng võ sĩ sinh năm 1989 – người đang nắm giữ trọn niềm kiêu hãnh của làng Muay Việt Nguyễn Trần Duy Nhất vẫn luôn tìm ra phương án của mình.
Đúng như những gì mà người em trai Nguyễn Trần Tự Do nhận định trước trận đấu, Duy Nhất sử dụng kỹ năng tuyệt vời của mình để dàn trải các đòn thế tìm kiếm điểm số, hạn chế tối đa khả năng vào đòn chậm nhưng như “trời giáng” của Victor Pinto, cũng như có những pha phản đòn, đánh ngã chuẩn xác. Dĩ nhiên, trên toàn khu vực châu Á này, Duy Nhất cũng chưa phải là đầu tiên hiểu rằng đừng nên dại dột chơi đôi công với người võ sĩ mang biệt danh “Leo” này (Sư tử – Victor mang cung Hoàng đạo Sư Tử, và cũng ngẫu nhiên sở hữu lối đánh hết sức lì lợm, hơn hẳn cả người đàn anh Antoine Pinto).
Vì một lý do nào đó – có lẽ vì sức ép từ tiếng hò reo của trọn vẹn 4 khán đài đã thuộc về Duy Nhất, “Leo” đã không có một trận đấu thực sự đúng nghĩa mang tên anh. Thiếu vắng hẳn đi những đòn gối chỏ sở trường, những cú clinch đầy khó chịu, chiến thắng điểm số buộc phải lắc đầu với chàng trai mang dòng máu Pháp. Ngược lại, Nguyễn Trần Duy Nhất lại thăng hoa với một bản lĩnh còn vượt xa những gì anh từng thể hiện trên võ đài bán chuyên, với khả năng xử lý và lựa chọn phương án kỹ thuật hết sức chuẩn xác và tinh tế.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”79068″]
Một chiến thắng được viết nên từ từng khoảnh khắc trong trận đấu, chứ không chỉ bằng lời phán quyết của trọng tài. Chiến thắng đó mang tên “Duy Nhất!”.
Võ Văn Đài – lá bài xấu trong tay người làm chủ cuộc chơi
Trận đấu của Võ Văn Đài vs người võ sĩ mang hai dòng máu Thái – Đức Insee Samui được coi như một lá bài khó trao vào tay võ sĩ Việt Nam. Bất lợi về thể hình (Insee cao 1m75), về kinh nghiệm và đẳng cấp thi đấu, về sức ép tinh thần (sau chiến thắng của Duy Nhất, áp lực càng đè nặng lên Văn Đài, nhất là khi trận đấu của anh lại là cuộc so găng cuối cùng của đêm sự kiện).
Thế nhưng, đúng như mọi lần, chàng “Hai lúa” đáng yêu của CLb Muay Phú Thọ – người chỉ biết cười trừ trước mọi câu hỏi của ống kính truyền thông trước trận đấu, bình lặng chờ đợi giờ khắc của mình đã bước lên võ đài với tất cả máu lửa.
Trong khi Nguyễn Trần Duy Nhất phải thủ thế trước Leo Pinto để tìm kiếm cơ hội thì Võ Văn Đài lại càn lướt dồn ép đối thủ của mình vào thế khó, vào những chuỗi đòn chỉ biết ôm đầu chịu trận. Insee Samui đã có những phút giây vùng lên rất đáng chú ý, nhưng rồi tất cả cũng bị dập tắt với khả năng chống chịu và phản kháng tuyệt vời của người đàn ông nổi tiếng bình lặng trong làng Muay Việt.
Được giới chuyên môn đánh giá là thắng điểm cả 3 hiệp, thế nhưng tiếng chuông báo hết trận đấu lại đem tới một kết quả hòa. Bỏ ngoài tai mọi tranh cãi, Võ Văn Đài buộc phải bước vào cuộc chiến máu lửa một lần nữa – hiệp thứ 4 để phân định thắng bại. Và đúng như những gì anh muốn, anh đã khiến BTC người Thái phải tâm phục khẩu phục khi một lần nữa xướng tên “Việt Nam” với danh dự chiến thắng.
Không uổng công với những gì mà cá học trò – đàn em Muay gửi gắm: “Dù thi đấu như thế nào thì anh Đài vẫn là thần tượng của chúng em” – vị quân vương với biệt danh “Vinh quang thầm lặng” có lẽ phải tạm xa rời cuộc sống bình dị của mình một thời gian khá đài để tiếp đón những lời khen ngợi của bạn bè, đồng môn và người hâm mộ. Anh đã chiến thắng theo cách nghẹt thở và thuyết phục nhất.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”79069″]
Lá bài xấu có thể làm cục diện thay đổi tiêu cực đi rất nhiều. Nhưng kết quả, người làm chủ cuộc chơi sẽ biết lá bài đó nên đặt ở đâu. Võ Văn Đài đã đặt đối thủ vào những cuộc chống trả vô vọng, và đặt chính bản thân mình lên ngôi vị của vinh quang. Lịch sử gọi tên anh, Võ Văn Đài – người hùng với những cuốn sử thi viết bằng nét chữ bình lặng, nhưng viết về những trang sách đầy bão tố.
Hồ Võ