Đó là nội dung bài viết về “Vua Trà” Việt Nam – Tiến sĩ Trần Quý Thanh, CEO tập đoàn Tân Hiệp Phát của tác giả Connie Tan Hui Ann trên CNBC (kênh truyền thông tài chính danh tiếng của Mỹ) vào ngày 25 tháng 5 năm 2016. Bài viết dẫn dắt người đọc đến một hành trình khám phá cuộc đời đầy sóng gió – vinh quang – cay đắng cùng những triết lý kinh doanh sâu sắc của tiến sĩ Thanh. Và không quá ngạc nhiên, khi đã thành danh, “đứa trẻ mồ côi” cơ cực ngày nào quyết định dành thời gian và thành quả lao động của mình để giúp đỡ người nghèo, chung tay chắp cánh cho các hoạt động văn hóa – xã hội, đặc biệt là thể thao.
Từ trại trẻ mồ côi đến ông chủ Tân Hiệp Phát
Tiến sĩ Trần Quí Thanh lớn lên trong một trại trẻ mồ côi sau khi mẹ ông qua đời lúc ông mới lên 9. “Cuộc sống đơn độc” đòi hỏi ông phải tự chăm lo cho bản thân mình, và từ đó bản năng sống lại mãnh liệt hơn bao giờ hết và sẵn sàng cho những chiến lược kinh doanh sau này của ông. “Tôi bắt đầu bắt đầu mọi thứ mà không hề có ai cố vấn. Trong tay chỉ có một ít tiền,” Tiến sĩ tâm sự. Ông chia sẻ thêm rằng: “Tôi phải vật lộn mỗi ngày. Lớn lên, tôi biết được rằng để tồn tại chúng ta phải có kỷ luật, chúng ta không được bỏ hoặc chiều lòng theo bản thân mình, và đó là nguyên tắc tôi áp dụng trong kinh doanh,“.
Câu chuyện về Tân Hiệp Phát bắt đầu từ năm 1994 sau khi Tiến sĩ Trần Quí Thanh mua lại công nghệ dây chuyền từ công ty Bia Sài Gòn. Ông thành lập công ty Tân Hiệp Phát và tất các thành viên gia đình ông đã sống và lớn lên tại nhà máy sản xuất này. “Lúc đầu, không ai tin rằng tôi có thể làm nên việc gì, nhưng tôi tin rằng mình có thể thay đổi vì không gì là không thể,” ông giải thích.“Với nền tảng kỹ thuật cơ khí, tôi có thể xây dựng một nhà máy từ vạch xuất phát, và vì vậy không có lý do gì mà tôi không thể tái tạo lại một dòng máy hoàn toàn mới mà vẫn đảm bảo tính cơ bản về chức năng.”
Sự thành công của tập đoàn Tân Hiệp Phát của ngày hôm nay chính là ở việc cung cấp nhiều loại nước giải khát nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhiều nhóm khách hàng khác nhau như: trà thảo mộc – trà xanh, sữa đậu nành, nước uống thể thao và đặc biệt là nước tăng lực (Number 1). Không những đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng Việt Nam, những sản phẩm của THP đã có mặt ở 16 quốc gia khác trong đó nổi bật là thị trường Trung Quốc và Úc. Chưa dừng lại ở đó, các sản phẩm của Tân Hiệp Phát hoàn toàn có thể cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như: Coca-Cola, Pepsi; các nhãn hiệu Universal Robina Corp của Philippines và Ito En của Nhật Bản.
Năm 2012, Tân Hiệp Phát từ chối một thỏa thuận đến từ thương hiệu nước giải khát của Mỹ- Coca-Cola do không tìm được tiếng nói chung. Tiến sĩ Quí Thanh giải thích thêm: “Coca-Cola đã không cho phép chúng tôi liên doanh vào các thị trường khác, họ chỉ cho chúng tôi để mở rộng thị phần của chúng tôi tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Và điều này hoàn toàn trái ngược với chiến lược mở rộng thị trường về lâu dài của chúng tôi.”
Kết thúc bài viết, tác giả Connie Tan Hui Ann nhấn mạnh: “Sau tất cả những sóng gió đã qua, Tiến sĩ Trần Quí Thanh vẫn tin vào khả năng quản lý của mình, tin vào những tiên tiến kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và phát triển của toàn bộ công ty; đặc biệt là tin vào các chiến lược quảng bá hiện đại của thế hệ hậu bối”. “Tôi muốn các con tôi đối đầu với nhiều rủi ro bởi vì đó là cách tốt nhất để học hỏi và để mang lại kinh nghiệm, qua đó đưa công ty phát triển lên bậc cao hơn”, tiến sĩ Thanh nhấn mạnh.
“Bà đỡ” cho các hoạt động văn hóa thể thao
Vốn xuất thân từ một trẻ mồ côi, tuổi thơ gắn liền với sự khốn khó, cực khổ, nhưng ông Trần Quý Thanh, chủ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát lại là một người có tình yêu sâu sắc đối với thể thao và văn hóa – văn nghệ. Vì thế, suốt từ khi mới khởi nghiệp cho đến khi gặt hái được nhiều thành công trên thương trường, nắm trong tay một doanh nghiệp có doanh số năm 2015 lên tới 500 triệu USD, ông Trần Quý Thanh cùng các cộng sự ở Tân Hiệp Phát đã đặc biệt quan tâm tới nhiều hoạt động văn hóa – thể thao với tư cách là nhà tài trợ. Thông qua sứ mệnh “không chỉ cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có lợi sức khỏe mà còn thể hiện trách nhiệm công dân đối với cộng đồng của một thương hiệu quốc gia trong các sự kiện lớn của đất nước”, Tập đoàn Number 1 – Tân Hiệp Phát vinh dự góp phần vào quá trình xã hội hóa thể thao, đem đến những giá trị tinh thần vô giá cho mọi người.
Hàng năm, Tân Hiệp Phát đã dành ngân sách khoảng 30 tỷ đồng để tài trợ cho các hoạt động thể thao, từ các giải, hoạt động mang tính chất địa phương như: Đua ghe ngo của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Đua bò Bảy núi (An Giang), Leo núi Bà Rá (Bình Phước),… cho đến các hoạt động tầm cỡ quốc gia và quốc tế, như: Đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM, Giải Vovinam quốc gia, và gần đây nhất là Festival Võ thuật quốc tế TPHCM 2016 – với vai trò nhà tài trợ Kim cương.
Tân Hiệp Phát cũng là nhà tài trợ cho một số vận động viên thể thao, chắp cánh cho họ nhằm đạt được những thành tích cao trong thi đấu quốc tế. Đặc biệt mới đây, Tân Hiệp Phát đã tài trợ cho Vũ Phương Thanh – người phụ nữ Châu Á đầu tiên đã chinh phục 1.000km sa mạc và đang tiếp tục chinh phục 3 sa mạc lớn, hiểm trở nhất hành tinh là Gobi và Sahara.
Năm 2015, nhãn hàng nước tăng lực Number 1 vinh dự là nhà tài trợ cho Giải Boxing, Võ thuật cổ truyền – Muay Thai các VĐV xuất sắc toàn quốc tranh đai vô địch Let’s Viet. Thương hiệu cùng với giải đấu này đã trở thành cầu nối gắn kết cộng đồng người hâm mộ võ thuật, tạo cơ hội cho các võ sĩ trên toàn quốc tranh tài thể hiện bản lĩnh, từ đó trui rèn và sản sinh ra những tài năng đóng góp cho nền thể thao Việt Nam tham dự những giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới như Lừu Thị Duyên, Lê Thị Bằng, Huỳnh Ngọc Tân, Hà Thị Linh… với tinh thần gắn bó cùng thể thao Việt Nam, “một thương hiệu Việt góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước – hướng tới những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng”.
Video Nhà đồng hành của làng võ Việt lên kênh truyền hình CNBC – Mỹ
https://www.youtube.com/watch?v=cUwqBtMowSw
Hiếu Dân