Anh “giáo dục chính trị tư tưởng” để tôi dọn mình trước những khi tiếp nhận những kỹ năng, những bài tập luyện rèn tinh thần đúng cách con nhà võ
Tôi gặp anh khi cuộc sống đang hồi bấp bênh lắm, anh đã chìa một bàn tay ra nắm lấy một người chưa từng quen biết đưa vào quản lý việc khai thác nước ngầm của DNTN “Hai Bảo”. Từ lúc ấy, tôi bắt đầu có cuộc dấn thân mới đầy thử thách.
Anh Hai cao to, mạnh mẽ, can cường từ dáng đi đứng đến giọng nói, tư duy… Anh ít nói, hay trầm ngâm suy nghĩ, nhưng chị Hai dè dặt nói nhỏ với tôi: anh của chú học Taekwondo từ thời đi học. Và đến bây giờ ngẫm lại thật kỹ mới vỡ ra anh ấy đã dìu tôi bước vào cánh cửa của môn võ sở trường của anh bằng cách riêng, không huấn luyện đòn thế, “chuyển giao kỹ thuât” mà là “chuyển giao tinh thần”: rèn sức chịu đựng cao, sự nhẫn nại, xử lý tình huống, kiểm soát bản thân và khả năng ra quyết định. Anh ấy muốn kết thúc những tháng ngày rong ruổi trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, thắp lên ngọn lửa sống cho thằng em yếu thế, tự ti. Anh ấy đã làm được theo cách kín đáo đến mức khi anh ra đi, ngẫm lại người “môn sinh” khờ khạo là tôi mới nhận ra.
Giáo dục nhân sinh quan
Anh ấy nói với tôi rất nhiều về cuộc sống muôn màu, nỗ lực đả thông tư tưởng cho tôi, gỡ những vướng mắc chằng chịt trong tâm tư một thanh niên có quá nhiều thất bại, mà cái nhìn đời vẫn vũ toàn màu đen. Anh nói về chính cuộc đời thăng trầm của mình, những khúc quanh nghiệt ngã, về thời cuộc, về sự khác biệt, và niềm lạc quan ham sống… Anh “giáo dục chính trị tư tưởng” để tôi dọn mình trước những khi tiếp nhận những kỹ năng, những bài tập luyện rèn tinh thần đúng cách con nhà võ. Sự thành công của khúc dạo đầu này giúp tôi tỉnh táo, tập trung cao.
Chữ “Thắng”…
Nhớ lại thấy rất kinh. Anh và tôi rong ruổi trên chiếc xe gắn máy “chuyên dụng” có động cơ rất ổn và độ bền khó tin, qua bao nhiêu tỉnh thành miền Tây, dưới nắng gió, đường trơn đường cát, dốc và ổ gà… Trên lưng mỗi người là một chiếc ba lô trĩu nặng: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… Những cuộc khởi hành lúc khuya sương lạnh, chỉ dừng lại lót lòng khi rất đói hay khi động cơ xe không chịu nổi. Đến một nơi nào đấy, lại vào tận cùng hang hóc thu hồi nợ, hợp đồng, tìm hiểu nhu cầu tại chỗ… Cứ thế, hai chúng tôi như những kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn xưa trên lưng ngựa mải miết trên đường gió bụi. Giờ nhớ lại mới thấy thực ra cuộc “làm ăn” không phải là chủ yếu, việc rèn sức chịu đựng và tinh thần mới là quan trọng đã được anh hai tính toán chi li. Tỉ như hôm sau cuộc “hành quân” lại dài hơn hôm trước đấy, độ khó tăng lên.
Hôm ấy, người ta tặng mấy trái dưa hấu to đùng, từ Trà Vinh anh lái còn tôi ngồi sau “ôm” bao dưa về đến… Sóc Trăng, mấy trăm cây số! Đấy là một bài tập. Anh bắt tôi quần xe gắn máy trên đường cát như một cách khổ luyện đặc biệt. Riết tôi và chiếc xe thành ra như một, nhập vào nhau. Rồi anh huấn luyện trí nhớ và khả năng định vị theo kiểu nhà binh… Tôi dạn dày lên từng ngày, từ màu da, giọng nói và quan trọng là sự mạnh mẽ quyết đoán trong suy nghĩ và dám có những quyết định – điều mà anh nhắm đến.
Tôi nhớ anh Hai một mình vượt qua những cây cầu chông chênh, trơn trượt ở vùng sâu, cảnh khiến người xem thót tim, dây cầu đung đưa còn chiếc xe gắn máy thì liệng như xiếc. Việc tương tự lặp lại trên chiếc võ lãi trên sông rạch, cũng dưới nắng và mưa. Và tôi đã “lột xác” đứng thẳng người trong trời đất.
Anh hai luôn lấy chữ SẠCH làm đầu cho đạo đức. Sạch tâm, sạch trí, kiếm tiền sạch, chi tiêu sạch, phải ngẩng cao đầu mà sống. Và như rằng, câu anh nói thường ngày lại trở thành triết lý sống của tôi là “trong mọi cuộc đối đầu vì lẽ phải, em chỉ được phép nghĩ đến một chữ: THẮNG!”
Happyend
Ngần ấy năm trôi qua, tôi quay lại Kế Sách thăm anh, nhưng anh Hai đã không còn nữa. Chị Hai run run đưa cho tôi mấy nén nhang, tôi lấy từ trong cặp gói bánh, cúi mình trước di ảnh người anh, người Thầy…
Đấy, anh ấy đã truyền hơi thở của võ học cho tôi như thế, để chiến đấu trong cuộc sống và chiến thắng. Võ thuật đâu chỉ được hiểu chỉ có đấm và đá, mà là mênh mông trong cuộc đời này…
Nguyễn Thành Công/ Bạc Liêu