18 năm gắn bó với lớp võ miễn phí

Đó chính là võ sư Hồ Tường, người được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là võ sư dạy võ miễn phí cho sinh viên lâu năm nhất của Việt Nam. Ở cái tuổi 59, ông vẫn không ngừng truyền bá niềm đam mê võ thuật của mình cho học sinh – sinh viên. 

Ngồi trò chuyện với võ sư Hồ Tường, tôi thật sự thán phục tài năng và tấm lòng của ông đối với thế hệ trẻ. 18 năm qua, tại sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, ông đã mở lớp võ lâm Tân Khánh – Bà Trà dạy miễn phí cho hơn 40 ngàn học sinh – sinh viên Việt Nam, trong đó có cả sinh viên người nước ngoài như Mỹ, Australia, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức… Có thể nói, võ sư Hồ Tường là người dạy võ miễn phí nhiều nhất và lâu nhất tại Việt Nam. Ông cho biết: “Năm 1995, tôi đề xuất với Ban giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM mở lớp võ miễn phí cho sinh viên nam nữ học vào các tháng 10, 11 và 12 hàng năm và được chấp thuận. Mục đích duy nhất mà tôi hướng đến là giúp cho các bạn có một sân chơi võ thuật để rèn luyện thân thể, đồng thời giữ gìn võ cổ truyền của dân tộc.

 

vo su ho tuong
Võ sư Hồ Tường

Ban đầu, trong điều kiện sân bãi còn chưa được sửa chữa như bây giờ, thầy trò chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với lòng quyết tâm, thầy trò chúng tôi đã không bỏ cuộc…”. Số võ sinh ngày càng đông, sân tập luyện cũng được nâng cấp, phát huy thành quả đã đạt được, từ năm 2008, võ sư Hồ Tường đã bắt đầu mở thêm lớp dạy võ miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Bên cạnh việc đến lớp luyện võ, các sinh viên – học sinh còn được võ sư Hồ Tường cho tham gia biểu diễn cờ người, võ thuật cùng ông tại các lễ hội văn hóa lớn ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Hiện tại, đều đặn 6 buổi tối trong tuần, võ sư Hồ Tường chạy xe máy từ nhà ở quận Gò Vấp sang Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM để cùng các môn sinh luyện tập võ Tân Khánh – Bà Trà.

vo su ho tuong cung cac mon sinh tai nha van hoa thanh nien HCM
Võ sư Hồ Tường cùng các môn sinh tại NVH Thanh niên, Tp. HCM

Mặc dù công việc giảng dạy hiện đã có thêm nhiều huấn luyện viên đồng hành, song ông vẫn luôn có mặt trên sân tập để sửa cho môn sinh những động tác, thế tấn… Ông kể: “Chính những tình cảm mà học trò dành cho tôi cũng như dành cho môn phái đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để bền bỉ gắn bó với lớp dạy võ miễn phí này suốt 18 năm qua. Đặc biệt là tôi muốn tiếp bước cha tôi, võ sư nổi tiếng Từ Thiện. Cha tôi tên thật là Hồ Văn Lành, tuy nhiên, cha lấy tên Từ Thiện là mong muốn làm những việc thiện, kết hợp với võ để dạy lại cho học trò”.

vo su ho tuong cung cac mon sinh tan khanh ba tra
Võ sư Hồ Tường cùng các môn sinh phái Tân Khánh Bà Trà
Cùng với việc truyền bá môn võ Tân Khánh – Bà Trà cho học sinh – sinh viên, võ sư Hồ Tường còn tham gia vào các công trình nghiên cứu văn hóa, xuất bản nhiều sách về di sản văn hóa như: Đình Nam bộ, Tín ngưỡng và nghi lễ (viết chung với Huỳnh Ngọc Trảng), Tục lệ thờ Hai Bà Trưng và Liễu Hạnh Thánh mẫu, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, Nghi lễ vòng đời người… Nhờ những thành tựu này mà năm 2000, Hồ Tường được Nhà nước trao tặng “Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa”. Sau năm 1975, Hồ Tường đã tốt nghiệp ĐH Văn Khoa Sài Gòn và hoàn tất chương trình cao học (thạc sĩ) năm 1997.
vo su ho tuong cung mot mon sinh nuoc ngoai
Võ sư Hồ Tường cùng một môn sinh nước ngoài
Hiện nay, ngoài dạy võ, Hồ Tường còn tham gia giảng dạy bộ môn văn hóa dân gian tại khoa du lịch của các trường trung cấp, CĐ và ĐH ở TP.HCM. Ông cũng đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài Di sản văn hóa phi vật thể của người Việt ở TP.HCM và vấn đề bảo tồn, phát huy trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếng tăm của phái võ Tân Khánh – Bà Trà gắn liền với tên tuổi của Hồ Tường. Tuy nhiên, hiện nay ông vẫn còn nhiều trăn trở về nền võ học của dân tộc, nhất là làm thế nào để võ cổ truyền dân tộc được nhiều người biết đến và luyện tập hơn. “Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương có giao cho tôi và tiến sĩ Hồ Sơn Diệp thực hiện công trình nghiên cứu Bảo tồn và phát huy võ thuật Tân Khánh Bà Trà – Bình Dương. Có thể nói, võ Tân Khánh – Bà Trà  được xem là tài sản văn hóa phi vật thể của con người Bình Dương. Hiện, tôi vẫn còn lưu giữ được gần 20 bài quyền và bài binh khí của môn võ Tân Khánh – Bà Trà. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho công trình phục dựng di sản văn hóa này” – võ sư Hồ Tường cho biết!
Theo vinabudo