Bình thản nhìn đối thủ qua đôi mắt nhòe máu. Nhiều người bình thường coi khoảnh khắc đổ máu đánh dấu thất bại. Với những người luyện võ chân chính, đó chỉ mới là khởi đầu của một trận chiến thực thụ. Sở hữu sự can đảm, chịu đựng, bình tĩnh tuyệt vời, “bình thản nhìn đối thủ qua đôi mắt nhòe máu” là cảm giác chỉ có những người luyện võ cảm nhận được.
“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Không phải tự nhiên mà nhân loại gắn liền võ thuật với võ đạo. Võ thuật là một trong những công cụ tuyệt vời để rèn luyện nhân cách, tinh thần một con người. Với đặc thù va chạm và khắc nghiệt của võ thuật, các võ sinh thực thụ luôn sở hữu một tinh thần minh mẫn, sáng suốt để nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống.
Làm được những điều người bình thường không thể thực hiện. Người luyện võ có thể phá gạch, đập gỗ, có thể tránh được những cú đấm với vận tốc 70km/giờ, có thể nhảy lộn, có thể tung những cú đá cao, có thể đấm giật lùi những bao cát nặng. Không chỉ mang ý nghĩa hiện thưc, mà trên mặt tinh thần, võ thuật cho con người niềm kiêu hãnh tuyệt vời, niềm tin để thực hiện những điều khó khăn khác của cuộc sống – niềm tin rằng họ có thể làm được điều gì đó như đã làm ở võ thuật.
Đứng dậy sau gục ngã. Đến cả những huyền thoại võ thuật vẫn có nốt trầm trong sự nghiệp, các võ sinh bình thường cho đến cả chuyên nghiệp vẫn không thể tránh khỏi thất bại có thể đến bất cứ lúc nào. Để có thể tiếp tục niềm đam mê võ thuật, họ phải biết cách vượt qua, vượt qua, và liên tục vượt qua những lần gục ngã. Bất kể bộ môn thể thao nào khác cũng có cảm giác này, thậm chí cả những người không luyện tập võ thuật cũng có thể có cảm giác và đức tính này. Tuy nhiên, những người học võ có quyền được tự hào vì họ đã chịu đựng và vượt qua vấp ngã trong lĩnh vực va chạm, cũng như có phần khắc nghiệt này.
Chấm dứt bạo lực và quay lại với những giá trị nhân văn sau mỗi trận đấu. Võ thuật là bạo lực. Bản chất không thể chối cãi của võ thuật là bạo lực. Thế nhưng, không như những kẻ côn đồ trên đường phố, những người luyện võ biết điểm dừng của chiến thắng, và đối thủ của họ không nhất thiết phải là người mà họ thù hận – thậm chí, có thể đó là một người bạn, một người anh em. Bước vào trận đấu, họ gạt bỏ hết tình thân, chiến đấu hết mình như một sự tôn trọng với chính đối thủ của mình. Kết thúc trận đấu, họ hỏi han nhau, và trở lại với những mối quan hệ đời thường. Những người học võ phải liên tục chuyển đổi giữa hai trạng thái bạo lực và nhân văn, từ đó rèn luyện tốt khả năng kiểm soát cảm xúc và thái độ trong những tình huống khác của cuộc sống.
Nếu là người luyện võ, bạn đã trải qua bao nhiêu cảm giác trên đây?
Hồ Võ