Bất ngờ với câu “phán” của Tào Tháo sau chiến bại Xích Bích

“Hỏa thiêu Xích Bích” được đánh giá là chiến thắng kinh điển của Đại đô đốc Đông Ngô Chu Du, nhưng sử liệu Trung Quốc cho thấy chiến công này “không thực sự hoàn hảo” như mô tả.

1

Đại chiến Xích Bích: Chiến công Chu Du là hư danh?

Địa điểm kết thúc trận thủy chiến Xích Bích nổi tiếng không phải ở Ô Lâm (mạn Bắc Trường Giang), mà là tại hồ Ba Khâu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. “Tam Quốc Chí – Chu Du truyện” dẫn “Giang Biểu truyện” chép rằng – “Tào công (Tào Tháo) viết thư gửi Tôn Quyền nói – ‘Trận Xích Bích, trong quân có dịch bệnh. Ta đốt thuyền tự lui, nào ngờ Chu Du lại hưởng hư danh’.” “Tam Quốc Chí – Quách Gia truyện” có đoạn – “Thái Tổ (Tào Tháo) chinh phạt Kinh Châu, gặp dịch bệnh tại Ba Khâu, đốt thuyền tự than – ‘Giá Quách Phụng Hiếu còn, ta đâu đến nỗi này’.” “Tam Quốc Chí – Ngụy Vũ kỷ” cũng ghi lại – “Tháng 12 năm Kiến An thứ 13, Công (Tào Tháo) thảo phạt (Lưu) Bị từ Giang Lăng cho tới Ba Khâu”. Qua nhiều sử liệu, có thể xác định được trong chiến dịch Xích Bích, đích thực đã có sự kiện lớn phát sinh tại khu vực hồ Ba Khâu. Trận Xích Bích có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đụng độ ban đầu tại Xích Bích dẫn đến sự rút lui của quân Tào về chiến trường Ô Lâm trên bờ Tây Bắc của Trường Giang; giai đoạn thủy chiến mang tính quyết định; giai đoạn tháo chạy của Tào Tháo về hướng Hoa Dung.

Trong giai đoạn đầu, thủy quân Tôn-Lưu ngược dòng Trường Giang từ Hán Khẩu – Phàn Khẩu tới Xích Bích và giao chiến với tiền quân của Tào Tháo.

Tào Tháo khẳng định ông tự đốt thuyền và lui binh chứ không có chuyện bị Chu Du "tiêu diệt toàn quân".
Tào Tháo khẳng định ông tự đốt thuyền và lui binh chứ không có chuyện bị Chu Du “tiêu diệt toàn quân”.

Vốn bị hành hạ bởi bệnh dịch và sự suy giảm về tinh thần cũng như sức chiến đấu do cuộc hành quân “Nam hạ” kéo dài, Tào Ngụy thất thế trong giai đoạn chiến sự ban đầu và buộc phải lui về đóng quân ở Ô Lâm (phía Bắc Trường Giang). Ô Lâm chính là địa điểm diễn ra trận đại thủy chiến với chiến dịch “hỏa công liên hoàn” của Đại đô đốc Đông Ngô Chu Du, tiêu diệt lượng lớn chiến thuyền của Tào Tháo. Sau thất bại trên, tại Ba Khâu, Tào Tháo đã hỏa thiêu toàn bộ chiến thuyền đóng tại đây ban đầu cùng số thuyền rút về từ Ô Lâm, sau đó rút lui theo đường bộ.

Không có chuyện liên quân Tôn – Lưu “hỏa thiêu Xích Bích”

Nhận định và ghi chép của sử gia Trần Thọ trong “Tam Quốc Chí” được các học giả hiện đại cho là phù hợp với thực tế lịch sử rằng trong trận Ô Lâm, quân đội của Chu Du không đủ khả năng đốt cháy toàn bộ chiến thuyền của Tào Ngụy. Thứ nhất, đội thuyền của Tào Tháo quá đông. Đại tướng Đông Ngô Hoàng Cái cũng thừa nhận “địch đông ta ít”.

Số lượng chiến thuyền của Tào Tháo được cho là lên tới hàng ngàn chiếc, trong khi lối đánh hỏa công của liên quân Tôn – Lưu khá đơn điệu. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ hơn 10 thuyền “cảm tử” của Ngô không thể khiến hàng ngàn thuyền khác bắt lửa, mặc dù phe Tôn Quyền – Lưu Bị có được lợi thế “gió Đông”. Thứ hai, với thế trận của đội thuyền Tào Ngụy, việc hỏa công tiêu diệt toàn bộ “là không thể xảy ra”. Hoàng Cái nói – “Thuyền đội của Tào quân ‘tiếp nối đầu đuôi'”, chỉ hạm đội Tào Ngụy bố trí theo hình “trường xà trận”, kéo dài từ Đông sang Tây dọc theo sông Trường Giang. Các nhà nghiên cứu đương đại cho rằng, với trận hình “chữ Nhất” như vậy, cộng thêm số lượng thuyền chiến khổng lồ khiến cho 2 điểm đầu – cuối của hạm đội này cách nhau rất xa.

Hỏa công của Đông Ngô tấn công vào điểm đầu hay cuối của thế trận này đều không ảnh hưởng tới phía đối diện, trong khi tấn công vào giữa sẽ khiến 2 đầu tách rời, không thu được hiệu quả thực chiến. Đương thời, quân đội Tào Ngụy sử dụng thuyền cũ của Lưu Biểu. Theo “Tam Quốc Chí – Đổng Tập truyện”, những chiếc thuyền này vẫn sử dụng neo bằng đá và dây thừng bằng cọ, chứ không có neo và dây bằng kim loại. Do đó, chi tiết Tào Tháo cho quân dùng xích sắt liên kết hạm đội thành “liên hoàn trận” là điều không hợp lý. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu hiện đại, tướng Hoàng Cái lợi dụng gió Đông thực hiện hỏa công theo hướng từ Nam lên Bắc và “thiêu rụi tới doanh trại của Tào quân trên bờ sông”. Như vậy, nhiều khả năng trận đánh của Hoàng Cái chỉ có thể… tách đội thuyền của Tào Tháo thành hai phần.

Các nhà phân tích cho rằng, việc toàn bộ hạm đội Tào Tháo bị hỏa thiêu là điều không thể xảy ra.
Các nhà phân tích cho rằng, việc toàn bộ hạm đội Tào Tháo bị hỏa thiêu là điều không thể xảy ra.

Trên thực tế, Hoàng Cái chỉ huy hơn 10 thuyền phóng hỏa, sử dụng kế trá hàng để lọt vào giữa trận địa thuyền của Tào Tháo. Song, ngay khi hỏa công bắt đầu, ông đã bị trúng tên rơi xuống nước. “Tam Quốc Chí – Hoàng Cái truyện” dẫn “Ngô thư” viết – “Chiến dịch Xích Bích, Hoàng Cái bị trúng tên, rơi xuống nước, được Ngô quân cứu lên, nhưng không nhận ra Cái”.

Việc hạm đội của Chu Du mất tướng tiên phong ngay từ đầu trận đánh giúp cơ hội triệt thoái của Tào Ngụy lớn hơn rất nhiều. Hạm đội của Tào Tháo bị trúng kế ở Ô Lâm là sự thực, song việc hạm đội này bị “tận diệt” là điều bất khả thi. Thời điểm đó, quân Ngô lợi dụng gió Đông để tấn công, nhưng chính hạm đội Tào Ngụy cũng thuận gió rút lui về căn cứ thủy quân ở Ba Khâu. Trước sự truy kích của liên quân Chu Du – Lưu Bị, cùng nhiều nguyên nhân nội tại khiến Tào quân tan rã, buộc Tào Tháo phải hỏa thiêu hạm đội, rút chạy về đường Hoa Dung và “suýt” bị Quan Vân Trường đoạt mạng. “Tam Quốc Chí – Tôn Quyền truyện” viết – “Tào công đốt thuyền rút lui”, thừa nhận việc Tào Tháo tự đốt thuyền ở Xích Bích, nhưng cũng chỉ là tàn dư từ trận Ô Lâm mà thôi.

Nguồn: Tri Thức Trẻ