Một số võ đường ở Sài Gòn trước kia có những tuyệt chiêu được học từ các môn phái võ ở Trung Quốc như: Hầu quyền (mô phỏng loài khỉ), Xà quyền (loài rắn)… Thế nhưng khi vào Việt Nam, những tuyệt chiêu này đã được nghiên cứu, cải tiến mang đậm chất Việt Nam. Tuyệt chiêu mô phỏng hành động của loài hạc (Võ đường Nam Tông) và tuyệt chiêu mô phỏng bọ ngựa (Võ đường Thái Cực Đường Lang) là những ví dụ tiêu biểu.
18 loại binh khí trong võ cổ truyền Việt Nam
Kỹ thuật căn bản Thảo thất bộ trong Võ cổ truyền
Tuyệt kỹ Hạc quyền Việt Nam
Những năm 1960 – 1970, giới võ lâm ở Sài Gòn đã có nhiều lời đồn đại về tuyệt kỹ song thiết của môn phái Nam Tông. Tuyệt kỹ mô phỏng theo cách chiến đấu của loài chim hạc này không chỉ đáng sợ vì tính sát thương chết người của nó, mà còn bí ẩn hơn khi chỉ có vài đại đồ đệ của môn phái trong hàng vạn môn sinh mới nắm được. Vì đặc điểm lợi hại cứ sử dụng là cầm chắc gây thương tích cho đối thủ, tuyệt kỹ này gần như rồi không được truyền dạy cho các thế hệ võ sinh sau này, và đến nay gần như đã thất truyền.
Đây là một trong những tuyệt kỹ nổi bật của môn phái Nam Tông do võ sư Lê Văn Kiển (Tám Kiển) truyền dạy từ cuối những năm 1940. Vị võ sư này sinh năm 1917 tại Sóc Trăng, từ bé đã theo học môn Bạch Hạc, một võ phái xuất phát từ Trung Quốc. Tương truyền, tổ sư của môn phái này là nữ giới, sống trên một ngọn núi hùng vĩ, quanh năm tuyết phủ, một hôm tình cờ chứng kiến trận chiến giữa cáo và chim hạc. Tưởng chim hạc sẽ bị cáo vồ chết, ai ngờ chim hạc uyển chuyển tránh những cú lao người, mổ những cú trời giáng khiến kết cục cáo kiệt sức mà chết vì mất máu. Học theo chim hạc, bà sáng tạo nên những quyền cước theo nguyên tắc mềm dẻo, uyển chuyển, lấy âm nhu thắng dương cương, vận sức địch đánh địch… Các thế hệ đệ tử sau này tiếp tục vận dụng, sáng tạo thêm nhiều tuyệt chiêu, binh khí để sử dụng khi giao chiến, ví dụ như tuyệt kỹ song thiết. Khi Nam Bộ nổi dậy kháng chiến, được sự khuyến khích của chính quyền cách mạng, võ sư Tám Kiển đã xung phong huấn luyện võ thuật cho lực lượng Thanh niên Cứu quốc. Kỹ thuật sử dụng song thiết, mã tấu, côn, cách đánh cận chiến… mà ông truyền dạy cho một số du kích, tự vệ ở chiến khu Trà Lồng, Trà Cú, Mỹ Phước… đã một thời là nỗi kinh hoàng với lính lê – dương Pháp, lính ngụy.
Năm 1948, võ sư Tám Kiển lập ra võ đường âm Dương tại Sài Gòn – Chợ Lớn vào năm 1950, đến năm 1957 đổi tên võ đường là Nam Tông. Theo võ sư Tám Kiển: “Nam Tông là môn phái võ thuật thực hành theo nguyên lý âm – dương nên chữ Nam Tông ở đây vừa mang vết tích của nhà Phật (võ phục màu nâu), vừa là biểu tượng của Thiếu Lâm Nam phái và Bạch Hạc phái”.
Nam Tông là võ phái đầu tiên ở miền Nam dạy binh khí cho môn sinh, thu hút hàng chục ngàn thanh thiếu niên luyện tập. Thế nhưng riêng với tuyệt kỹ song thiết, do có độ sát thương cao, có thể dễ dàng dẫn đến cái chết của đối thủ nên song thiết chỉ được tổ sư Tám Kiển truyền dạy cho số ít cao đồ, trong số đó nổi bật 3 đại đệ tử sử dụng song thiết đạt đến mức thượng thừa là võ sư Lê Văn Minh (hiện dạy Nam Tông ở Bình Dương), võ sư Quan Vân Triều (hiện dạy Nam Tông tại Nhà Thiếu nhi Q.10) và võ sư Trần Thị Cúc (hiện ngụ ở “ngã ba Thái Lan”, thị trấn Long Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Sau này, có khá nhiều người hoài nghi: “Tuyệt kỹ này ghê gớm đến mức nào mà phải hạn chế truyền dạy như vậy? “. Các đệ tử của môn phái cho biết, điều này hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của võ phái: Không thu học phí môn sinh, dạy và học võ với mục đích Dân khỏe – Nước cường. Một điều đặc biệt khác: Võ sư Tám Kiển nghiêm cấm môn đồ thượng đài, bởi theo ông thì “thắng bại hơn thua trên sàn đấu chỉ chuốc lấy oán thù…”
Năm 1969, võ sư Lê Văn Kiển vận động thành lập Tổng hội Võ học và được các đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Chủ tịch từ 1968 – 1973. Sau năm 1975, võ sư Tám Kiển mở lớp dạy tại nhà riêng và đứng lớp tại Trường Cao đẳng Thể dục TW II. Sau một tai nạn giao thông, ông qua đời vào năm 2003.
Vang danh Thái Cực Đường lang Chợ lớn
Một trong những lò võ khác ở Sài Gòn cũng có những tuyệt chiêu mô phỏng theo hành động của loài vật là võ đường Thái Cực Đường Lang, có những cú ra đòn “chết người” dũng mãnh như bọ ngựa.
Người sáng lập võ đường này là võ sư Trần Minh (người Hoa, sinh năm 1927). Sư phụ của ông là Triệu Trúc Khê, người đã dành cả cuộc đời theo môn phái Đường Lang, môn võ dựa theo lối đánh của con bọ ngựa. Tổ sư của môn phái này khi vào rừng tìm thuốc, tình cờ chứng kiến trận đấu giữa chim và bọ ngựa với kết cục chim bị đôi càng đối thủ cắt đứt cổ. Biết bọ ngựa có lối chiến đấu rất đặc biệt, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu tỉ mỉ các động tác đó rồi tự tập luyện rồi chế tác ra một môn võ riêng gọi là Đường Lang quyền.
Võ sư Trần Minh nghiên cứu, tổng hợp, chắt lọc tinh hoa Thiếu Lâm Bắc phái, Tinh Võ môn, Đường Lang cùng các môn võ Nam phái tổng hợp thành môn võ riêng, tuy vậy vẫn giữ tên võ đường là Thái Cực Đường Lang. Võ đường này không chỉ có những tuyệt chiêu mô phỏng hành động bọ ngựa chém đứt cổ chim như đã miêu tả ở trên, mà còn học theo những tuyệt kỹ khác của môn phái Bắc Đường Lang của Trung Quốc. Những tuyệt kỹ này ra đời khi tổ sư của môn phái học theo những ngón đòn mà bọ ngựa thường đánh phanh bụng loài dế đến chết, học theo bộ pháp ảo diệu nhanh nhẹn của loài khỉ …
Ở võ đường Thái Cực Đường Lang, võ sư Trần Minh thường nói với học trò: “Có những thế võ đỡ rồi mới đánh, như vậy là chậm. Đối phương sau khi tấn công sẽ có thời gian lui về thủ, ta đánh khó trúng. Nếu hiểu cái lý đó, ta nghiên cứu điều chỉnh lại: Vừa đỡ vừa đánh (liên tiêu đới đả) đối phương sẽ khó tránh đòn”. Đặc điểm của Thái Cực Đường Lang là dùng tay để thủ, dùng chân tấn công đối phương, khẩu quyết là “Thủ thị lưỡng phiến môn / Toàn bằng cước đả nhân” (Tạm dịch: Tay là hai cánh cửa / Toàn nhờ chân đánh đối phương”).
Ngoài việc dạy võ thuật, dạy biểu diễn lân sư rồng, trước năm 1975 võ sư Trần Minh còn dạy tiếng Anh, Pháp, Hoa cho những học viên nước ngoài công tác tại các lãnh sự quán ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn thông thạo cả 3 thứ tiếng Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến.
Binh khí “bách chiến bách thắng”
Song thiết gồm hai sợi dây xích, mỗi dây dài độ 0,9m (chưa kể tay nắm) được cấu tạo bởi 5 lưỡi dao inox (hình ôvan, dày 3 – 5 ly) nối liền nhau bằng 3 khoen inox tròn. Tay nắm của song thiết dài khoảng 0,2m, có trục xoay.
Song thiết gọn nhẹ và tiện dụng, dễ dàng xếp bỏ vào túi quần, khi sử dụng có thể thủ hoặc tấn công (cận chiến lẫn tầm xa, tương tự khúc côn). Về kỹ thuật, song thiết bao gồm các thế: Loang, đâm, chụp dây, tung dây, chặn dây, hất dây, vừa đánh vừa xoay người từ trước ra sau và ngược lại, vừa đánh vừa xoay người tiến dần lên phía trước, vừa lăn tròn thân người vừa đánh… Khi lâm trận, võ sĩ đan chéo hai tay, vai uyển chuyển, loang dây bao bọc thân người để thủ. Lúc tấn công, song thiết với nhiều thế như tung dây quấn lấy binh khí, hai tay song song đâm thẳng về phía trước theo bộ đinh tấn, tung dây chém chẻ từ phần đầu trở xuống, dùng bộ xà tung dây chém ống chân đối phương hoặc kết hợp với đá bay để thu dây về…
Các cao thủ của làng võ cho biết, kỹ thuật khó nhất của song thiết là loang dây và chụp dây (thu dây). Khi loang dây, hai cánh tay phải luôn cặp sát hông, cổ tay thật dẻo, đường loang phải tròn, đều, che kín thân người. Chụp dây cần chính xác, khéo léo và nhanh gọn. Song thiết có độ sát thương cao, thường “bách chiến bách thắng” mỗi khi được sử dụng.
(Theo Pháp luật & Đời sống)