Cà Phê Võ Thuật : Giấc mơ huyền đai – Bạch Mã Sơn

Chuyên mục Cà Phê Võ Thuật hôm nay đặc biệt giới thiệu một bài viết hay – à không – một bài viết tuyệt vời. Đó là những dòng chia sẻ từ một người trẻ, nhưng xứng đáng để mọi võ sinh dành thời gian đọc và suy nghĩ. Bài viết thu hoạch Huyền Đai Nghĩa Dũng Karate-do của võ sinh Trần Vũ An (1991), Lâm Đồng, CLB TANMIDO.

Cà Phê Võ Thuật: mỗi người yêu võ nên làm một người truyền bá võ thuật

Cà Phê Võ Thuật: Không Cà Phê, cũng chẳng phải Võ thuật

Tp. Hồ Chí Minh, 10/10/2015

Duyên võ… Cuộc hành trình dài Karate-do

Giữa chợ đời lặng lẽ, tôi đã gặp thầy như một cơ duyên may mắn. Trong những lần đăng tải bài trên mạng xã hội, tôi đọc được những bài viết của thầy, và được biết thầy cũng là một Huấn luyện viên Karate Nghĩa Dũng.

Người xưa thường nói: “Đệ tử tầm Sư dị, Sư tầm đệ tử nan”.

Không quản ngại một lần nữa, tôi lại tìm đến thầy vẫn bằng một lòng say mê võ. Tôi cũng chia sẻ với thầy một chút về cuộc sống và con đường học vấn. Thầy đáp lại bằng một câu nói rất mực hiền hòa: “Vậy thì, em qua chỗ anh tập nhé!”.

Tôi sung sướng hạnh phúc, như tìm lại được mạch điện sống với niềm khát khao võ thuật. Được sống như một chiến binh thực thụ, được học được tập với võ đó là sở thích, là niềm đam mê tột bậc đó là một cái gì đó rất nghiền đối với tôi. Duyên ngừng rồi lận đận suốt hơn mười năm qua, tôi vẫn cứ mải miết mong tìm kiếm một mái nhà Karate cho tôi được sống là chính mình.

Hồn võ cho tôi nhiêu thứ lắm, trong suốt nhiều năm qua đi, trải qua bao gian truân khổ nạn nhưng không có bất kỳ khó khăn nào của cuộc sống ngăn được bước chân tôi, cũng nhờ tinh thần võ, hồn võ mà lên. Nó ngấm vào trong máu vào từng thớ da thịt, từ tư duy cho đến cách suy nghĩ. Tình yêu với võ tôi thấy mình bình dị, hòa ái, trọng nhân nghĩa và công bằng với mọi người, biết khoan dung, khiêm nhường, biết suy nghĩ và luôn bình tĩnh trước mọi biến cố.

Ảnh: Internet

Tôi có một thói quen, hễ kết thúc mỗi ngày, trước khi ngủ tôi luôn suy nghĩ về bản thân ba điều:

1. Ngày hôm nay mình đã hoàn thành hết công việc đã đặt ra chưa, chưa thì phải dậy làm ngay, làm xong hết mới được ngủ.
2. Ngày hôm nay mình có nói nặng lời, hay có khiến ai buồn điều gì không. Nếu có tùytheo mức độ, có thể nhắn tin ngay hoặc sớm mai chủ động gặp họ gạt cái tôi và xin lỗi.
3. Ngày hôm nay mình đã làm tốt được việc gì, hay chỉ một câu nói hay, một cử chỉ đẹp, thì những ngày sau cần phát huy.
“Trong đời, không một anh hùng hào kiệt nào sống trên nhung lụa cả – họ thường là kẻ bất hạnh nhất, nhưng rồi họ hơn người nhờ họ biết đứng dậy và phấn đấu chiến thắng nghịch cảnh, chiến thắng mình.”
Đó là một trong những dòng chia sẻ, răn tôi sống phải biết vươn lên, tạo cho tôi chính khí, bản lĩnh kiên cường – bền bỉ – sắc son, một nghị lực cháy lửa vượt qua mọi khó khăn gian truân chẳng ngại.

Yêu võ là hành trình dài xuyên suốt để chinh phục hết khó khăn này tới khó khăn khác, không thay lòng đổi dạ.

Hai tháng dòng dã sáng tối thầy miệt mài lên lớp, ngày nào cũng thế thầy đều nhắn tin nhóm cho tất cả các bạn, anh em đi tập. Trong mỗi buổi tập thầy đều nhắc nhở và chia sẻ, chuyện võ chuyện đời cho tụi tôi hiểu thêm về võ, về xã hội xung quanh. Ba tuần gần thi, có những buổi sớm chỉ có mỗi mình tôi, thầy vẫn đứng lớp. Những hành động của thầy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều,tôi cũng ngại bởi thầy đã dành thời gian tâm sức cho phòng tập quá nhiều. Thầy luôn tạo bầu không khí thoải mái gần gũi với chúng tôi, buổi tập nào thầy cô cũng ân cần mẫu mực, bằng lòng yêu thương thầy luôn nhắc nhở chỉnh sửa cho chúng tôi từng động tác, kỹ thuật. Có lẽ bằng sự tâm đức ấy mà thầy cũng luôn mong muốn có được những người học trò chuyên tâm, say mê. Chẳng mấy bạn hiểu được tâm can thầy, lười nhác khiến thầy buồn lòng. Đúng là chẳng mấy ai sống được cả đời với võ bởi vì người ta thường không chịu đựng được sự vất vả, chẳng mấy ai vượt qua được sự mệt nhoài của thân xác, cũng chẳng mấy ai đủ kiên trì và lòng quyết tâm để theo đuổi nó. Đai đẳng thì muốn oai muốn sang từ cửa miệng mà chất máu lửa thì chẳng có. Giờ có quá nhiều bạn còn ảo tưởng vào cái gọi là đam mê. Tuổi trẻ bây giờ cái gì cũng thích “ăn xổi”, công việc gì cũng muốn có ngay kết quả, chỉ muốn được mà không muốn mất, đốt cháy giai đoạn. Cái tình trạng tam sao thất bản, văn không thông võ chẳng dành, háo danh giờ nhiều quá. Bác Hồ đã từng nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.” Một dân tộc không có nền giáo dục tốt và công dân của dân tộc ấy hạn chế về trí thức, giáo dục thì chắc chắn sẽ để lại những hệ quả không tốt cho xây dựng đất nước trong tương lai. Mong rằng mỗi cá nhân dù ở tầng lớp nào, tuổi tác nào, công việc nào thì hãy tự suy nghĩ lại. Để hội nhập được với cường quốc năm châu thì cần phải phê phán, đấu tranh, quán triệt ngay để loại bỏ những tư tưởng sai, xấu.

Võ thuật là một hành trình dài của Nhận Thức và Giác Ngộ.

Nhà văn Nguyễn Bá Học có viết:

“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi,
mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Quá trình rèn luyện Karate tôi ngộ được ra đó là quá trình chinh phục hết khó khăn này đến khó khăn khác. Cái mà võ thuật dạy cho tôi đó là là tính kiên gan nhẫn nại qua từng động tác kỹ thuật, là con đường phấn đấu nỗ lực không bao giờ có điểm dừng. Nếu sợ khó ngại khổ thì sẽ chẳng đi tới đâu. Bởi trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Thầy nói với chúng tôi, kỳ thi truyền thống này là kỳ thi đầu tổ chức ở Sài Gòn, cho các câu lạc bộ của thành phố. Thầy Dũng cũng lớn tuổi rồi, thầy lại đi xa vào, các em gắng tập luyện tốt để lưu giữ những hình ảnh đẹp, đạt kết quả cao để thầy Dũng được vui. Chỉ vẹn hai tháng ôn luyện nhưng nó là khoảng thời gian ỹ nghĩa, giá trị vô cùng đối với tôi. Được đổ mồ hôi trên sân tập, được nếm cái hương vị đau nhức ê ẩm mỗi ngày, sau mỗi buổi tập về thấm mệt nhưng sảng khoái, đã vô cùng. Với cách nghĩ của tôi, đã là con nhà võ thì phải toát lên cái tinh thần tác phong sự khổ luyện. Có đổ mồ hôi có siêng năng, chịu thương chịu khó, vượt nắng thắng mưa đó mới là thương thầy. Đeo đẳng chỉ để cho nó oai. Đeo đẳng mà lười nhác, thiếu lửa thì không đáng mặt con nhà võ. Lửa chuyên tâm – tinh thần và cách hành xử đó mới xứng là võ nhân không có được ba điều đó thì cũng chỉ là hạng biền, tầm thường quá không có gì đáng phải kính trọng. Nhớ lại trước hôm thi, thầy thông báo cho tất cả nhóm thi. Tập kết về phòng tập để điểm danh ôn luyện và thi thử. Ngày hôm đó thầy chạy cả buổi trưa để đi lo công việc chuẩn bị cho ngày thi. Chiều tối đến, thầy lại gác công việc của thầy để đến lớp. Thầy với chị My cho chúng tôi ôn luyện đến 22 giờ, ngoảnh đi ngoảnh lại đã khuya mất rồi. Hồi chiều thầy có đi đặt gạch cho lớp thi, do thầy cũng muốn chạy đi nhiều chỗ để mua được giá thấp nhất cho chúng tôi. Giá ở thành phố đắt hơn nhiều so với ở Bình Dương, cuối cùng thầy lại hỏi ý kiến nhóm thi để thầy biết hướng đặt. Thầy đưa ra hai phương án: thứ nhất mua gạch ở thành phố giá sẽ cao, thứ hai nếu mua gạch ở trên Bình Dương thì cần hai bạn đi chở. Thầy thông báo nhóm từ chiều mà thầy cũng chưa nhận được lại một ý kiến thống nhất. Thầy phân vân, tôi hiểu trăn trở của thầy. Giá chênh lệnh nhiều nên tôi nói với thầy: thầy nhờ anh Toàn ở Bình Dương mua gạch đi ạ, em sẽ sắp xếp lên chở về. Tôi nhận nhiệm vụ luôn, tập xong, tôi Quốc cùng anh Vespa Minh với 1 bạn nhân viên của thầy chạy thẳng lên Bình Dương trong đêm để chở gạch về cho tất cả các bạn thi.

Nhớ ngày xưa ba tôi thường kể cho tôi nge về đời lính của ba, ba nói: “Là người lính đã lên đường là không sợ, đã nhận nhiệm vụ là làm”. Tinh thần đó thấm nhuần mãi trong tôi cho đến tận hôm nay. Đã không hứa thì thôi, đã nhận là sẽ làm hết mình.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn có viết:

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng – gian khổ sẽ dành phần ai”.

Cứ thấy việc khó ai cũng ngần ngại. Nhiều bạn hững hờ thờ ơ thật đáng trách, đến sát nút ngày thi mà hồ sơ nhiều bạn vẫn còn để thầy phải nhắc nhở. Khuya hôm đó ôn luyện cho chúng tôi xong thầy cô lại vội về may khâu phù hiệu, bệt đen rồi cả đai nữa cho những bạn thiếu sót. Giá như mỗi bạn đề cao tinh thần trách nhiệm chung, ý thức sự đoàn kết và hơn hết nếu như các bạn hiểu được ỹ nghĩa của kỳ thi Huyền Đai truyền thống và giá trị thực thụ của chiếc ĐAI ĐEN thì các bạn đã không để thầy phải bận lòng. Gần 12 giờ đêm chúng tôi mới lên tới nơi, may mắn có anh Toàn phụ giúp chúng tôi chằng gạch lên xe, trên đường chạy về đây là cái cảm giác đầu tiên từ khi vô miền Nam tôi chạy xe trong đêm khuya khoắt cũng thú vị lắm, Vào thinh không, chỉ đèn đường, sương đêm với những hạt mưa lất phất đủ thấm lạnh, ai bảo miền Nam không lạnh… Lạnh đấy!

Nỗi niềm mênh mang quá, bao năm rồi? giờ đây vẫn còn lênh đênh, đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn, áo trận sờn vai bạc mầu…con biết bây giờ mẹ chờ em trông…nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang…nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…

Một chút thoảng buồn thế thôi nhé! Để biết rằng tâm hồn mình, không phải là gỗ đá. Mờ sương đêm, tôi tự động viên mình vi vu vào nhạc khúc du dương: Bài Ca Người Lính của cố nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền mà cha tôi vẫn thường hát;

Đường dài hành quân xa, đi khắp non sông nhà
Ngày ngày quàng trên vai ba lô và cây súng
Chân băng qua gió mưa, đầu đội trời sao thưa
Thân băng qua thép gai vượt làn đạn mưa bay
Ôi tim ta bốc cao lửa thiêng anh hùng
Bao yêu thương thiết tha, gửi lại người phương xa
Ta đi trong tiếng ca, ngàn đời còn ngân nga
Ôi ta kiêu hãnh sao bước trên đường xa
Một thời đầy gian lao, chân bước trong chiến hào
Nhìn đồng đội yêu sao, chia nhau từng giây sống
Ta chia nhau hiểm nguy, đường dài dìu nhau đi
Ta chia nhau chiến công và nhường mềm đêm đông
Ta đi qua chiến tranh vẫn tươi nụ cười
Xa em bao tháng năm, mà lòng chẳng xa xăm
Trong đêm sao biếc xanh, nhìn bầu trời long lanh
Sao như đôi mắt em vẫn đang nhìn anh
Rừng già mờ hơi sương, ôm súng gác bên đường
Lòng nặng tình quê hương, đêm mơ về thành phố
Ta xa trang sách xưa, làm bạn rừng cây thưa
Ta xa bao phố trưa dầm mình vào đêm mưa
Ta hi sinh máu xương giữ yên phố phường
Ơi em nơi phố xa ,giờ này vào ca ba
Ta yêu trong cách xa, tình ngọt ngào hơn hoa
Em ơi kiêu hãnh sao thủy chung lòng ta.
Tôi không dám chạy xe nhanh vì tôi thầm biết đằng sau là gạch cho sáng sớm mai, nhiệm vụ này không được phép sai sót. Do cả tháng bận chuyện học ở trường rồi lại sáng tối tập luyện dường như tôi cũng thấm mệt, nhiều đoạn chạy lờ đờ tôi đi vào giấc ngủ chẳng biết, thắng kít lại giật mình tôi đứng lại đổ nửa chai nước còn treo trên xe vào mặt. Định thần một hồi tôi chạy tiếp.

“Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày,
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi…”
(Cố nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn)

Đêm đó trên đường chạy xe về tôi như sâu chuỗi lại một khoảng thời gian được tập, ôn luyện và những người bạn mới. Được dự thi Huyền Đai truyền thống là một niềm vinh dự ỹ nghĩa vô cùng lớn lao, ấy thế mà có nhiều người ỷ lại ỷ y hoàn toàn không biết trân trọng. Nếu mục đích chỉ đăng ký thi để đeo đai cao, để thỏa trí tự mãn với chính bạn thân, hay để khinh thường ra mặt với những bạn cấp đai thấp hơn, thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác, quá tự tin và thích thể hiện thì đó là sự ngu ngốc ngờ nghệch nhất, tự đánh mất giá trị của bản thân, để rồi chiếc đai đen cũng chỉ là một món hàng vài chục vài trăm nghàn trong các cửa hàng thể thao mà thôi. Hãy thành tâm luyện tập, khiếm tốn, ngừng phàn nàn và hãy cố gắng hết sức đối với mọi việc trong cuộc sống, sự tích lũy về lượng đến một ngày sẽ tạo nên sự thay đổi về chất.
Rồi điều “xứng đáng” sẽ tự đến.
Bộ sách Hoài Nam Tử có ghi chép:
Trong thiên hạ có 3 cái nguy:
1. Đức ít mà được ân sủng nhiều.
2. Tài kém mà ở địa vị cao.
3. Thân không lập được công to mà hưởng bổng lộc nhiều.

Tôi giận giữ khi tôi nghĩ như vậy bởi vì tôi là một người yêu và khát vọng được tập luyện Karate-Do. Cuộc sống của tôi là chuỗi ngày vất vả, phải tự lo cơm áo gạo tiền, lên tôi hiểu rõ “thời gian là vàng bạc”. Ngày thầy thông báo sắp tới có đợt thi, tôi dường như tận dụng, trân trọng từng giây phút đến để được ôn luyện, eo hẹp lắm để cân bằng giữa việc học trên trường với võ. Xa xôi, khó khăn tôi không ngại, tôi chỉ sợ không được tập Karate nữa thôi. Sau kỳ thi này tôi biết tôi sẽ phải đối diện với một vài trục trặc, đống công việc học bên trường bị dồn cục. Nhưng tôi vẫn quyết tâm dành hết tâm sức cho khoảng thời gian thi Huyền Đai này, bởi tôi tự xem đây là “cơ hội”.Tôi thầm nghĩ, là đàn ông có thể nghèo, nhưng không thể đánh mất đam mê và khát vọng của đời mình. Hãy loại bỏ từ “giá như” và những từ đồng nghĩa ra khỏi cuộc sống, cũng đừng bao giờ tự cho mình thành người khiếm khuyết, đừng bao giờ mở miệng chỉ lý do và lý do. Nếu say mê hãy thả mình vô chuỗi ngày đau đớn thể xác, hãy tô luyện sự chịu đựng và kiên nhẫn. Hãy cho mình lạc vào những tháng ngày mất mát như tôi. Trái tim của người chiến thắng là một cái công tắc đèn luôn bật. Chiếc đai chỉ ngả mầu bởi máu và mồ hôi, rèn luyện học hỏi không ngừng nghỉ về phẩm chất cốt cách để nên một con người.
Đúng là hòn sỏi được láng mịn nhờ dòng nước chảy ngàn năm.

Nhiều khi tôi thầm nghĩ, luyện võ thuật chính là rèn luyện bản thân, rèn luyện cái tôi của chính mình. Tôi có một cảm nhận từ sâu thẳm trong tôi. Võ cái đích cuối không phải là võ, mà hình như võ dẫn đường đưa tôi đến Lễ đến “ĐẠO” đến những giá trị nhân văn nhiều hơn. Võ, sinh ra con người cứng cỏi, tạo lên nghị lực, một sức mạnh tiềm tàng để “khai sáng” bản thân. Sau những buổi tập thấm mệt về, đêm là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất. Tôi thường hay suy nghĩ, trong nhiều năm chiêm nghiệm trong cuộc sống, thông qua việc rèn luyện quyền cước võ hun đúc cho tôi một nhân cách chín chắn và một sức mạnh nội tâm, một con người hoàn toàn bản lĩnh khí phách – quân tử, không cáu khỉnh mà điềm đạm khoan dung, biết hướng thiện, đẹp đời đẹp người.“Học võ là học đạo làm người” Tôi nhận ra võ còn là một hình thái nghệ thuật, giáo dục văn hóa truyền thống vì võ dạy cho người học biết nuôi dưỡng nhân tính và sống theo đạo lý trong một tôn chỉ rèn luyện nhân cách làm người, biết đối nhân xử thế.

Gần hai giờ sáng, chúng tôi chở gạch về đến nhà thầy, bữa đó có nhiều bạn ở Bình Phước lên ở lại nhà thầy để sáng mai đi thi sớm. Dỡ gạch xuống, tôi ngó vào phòng định rửa mặt rồi báo cáo với thầy công việc. Nhưng đêm cũng đã khuya mà phòng trọ của thầy cũng nhỏ chắc thầy cô đã ổn định chỗ nằm cho mọi người rồi, nên tôi quyết định chạy xe trong đêm về phòng người bạn ở gần trường để nghỉ. Hai tiếng sau thầy gọi điện cho tôi, chắc thầy sợ tôi ngủ quên, lên thầy báo thức. Nghe máy xong tôi vội khoác áo chuẩn bị đồ và chạy ngược về nhà thầy để cùng anh em nhóm chở gạch tới trường thi. Ngày thi Huyền Đai cũng đến, có lẽ vì mệt lại đói mà tôi chẳng còn hơi sức gì mà lo nghĩ hay hồi hộp nữa. Chở gạch đến chúng tôi cùng thầy bưng xuống sắp xếp gọn và bố tri sân thi, thầy là người kỷ luật luôn đề cao trách nhiệm trong công việc. Tôi thấy thương thầy nhiều lắm, thấy sự lo lắng trên khuôn mặt của thầy. Suốt thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, tôi hiểu được những lo toan sự quan tâm của thầy dành cho chúng tôi. Đúng 7 giờ cả sân đã tập trung hàng lối nghiêm chỉnh. Thầy Dũng đi vô, thầy dặn dò chúng tôi vài điều trước khi thi. Thầy gọi theo danh sách thi, tôi là người thứ ba. Tôi bước lên hoàn toàn không run sợ, chỉ là hơi hồi hộp bởi kỳ thi này tôi quyết tâm và kỳ vọng rất nhiều, chỉ mong muốn có được kết quả tốt nhất để đáp đền ân tình của thầy Thắng và đóng góp một phần thi tốt trong kỳ thi. Trong 5 bài Heain và Tekki 1, Bassai Dai, Kanku Dai. Thầy Dũng cho chúng tôi tự trọn một bài đi, không gần ngại tôi trọn bài Kanku Dai, hai tiếng “KIAI” trong bài đầu tiên đã giúp tôi tan biến sự hồi hộp và thức tỉnh sự thiếu ngủ. Hai phần thi còn lại tôi đều thực hiện tốt.

Kỳ thi kết thúc thầy Dũng bước ra về, tôi chỉ có một mong ước nhỏ là được ôm thầy. Thầy ôm tôi siết chặt, vẫn câu nói ấy thầy nói nhỏ bên tai tôi: “Con nhớ thường xuyên liên lạc cho thầy biết tin tức nhé!”

Tôi sẽ nhớ mãi về người thầy bình dị rất đỗi cao cả, nụ cười gần gũi vòng tay hiền hòa mà thầy Dũng đã dành cho tôi, tôi mong thầy mãi luôn vui khỏe thầy sẽ mãi là điểm tựa là niềm động lực lớn lao để chúng con vững bước trên đường đời. Con cảm ơn thầy nhiều lắm ạ – Nhớ tình cảm công ơn của thầy con hứa sẽ không phụ niềm mong mỏi của thầy. Con hứa với thầy con sẽ luôn cố gắng phấn đấu để trở thành một cậu học trò ngoan thành đạt.

Con kính chúc thầy luôn mạnh khỏe!

Giờ tôi chỉ mong sớm vinh quy bái tổ sau bao năm lăn lộn mưu sinh và hơn hết điều mà hơn 10 năm qua tôi luôn nỗ lực chỉ muốn về tổ đường thành kính thắp nén nhang thơm, được ôn lại, được hiểu sâu hơn về tổ sư về cội nguồn võ học. Mong ước có một lần được hành quân cùng đồng môn huynh đệ, gạt đi cái xô bồ tấp lập nơi phố thị, quên đi cuộc sống đời thường. Cùng tìm về nơi yên bình của núi rừng hùng vĩ, trở về trốn thiên nhiên hoang sơ, được cảm nhận bầu không khí cỏ cây muông thú. Một lần được chiêm ngưỡng Bạch Mã Sơn, được hít hà khám phá cái cảm giác thanh tịnh về đêm giữa lưng chừng mây núi – trời đất. Một lần mong được ghi dấu chân mình lên Huế – miền đất võ hiền hòa đằm thắm, thân thương.

Đức Phật Thích Ca dạy các đệ tử rằng:

“Đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình,
tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.

Trong tập nhật ký trong tù, bác Hồ có viết:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn.
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy.
Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Chặng đường dài tha phương lận đận mưu sinh, đối với tôi sau nhiều năm đam mê học học không ngừng nghỉ, tôi đã vượt qua, đã chinh phục được những cung đường khó khăn, những gian nan trên dòng đời xuôi ngược. Được hiểu điều nhân nghĩa ở đời, một cái tâm đoan chính. Được thừa hưởng lượng kiến thức phong phú đó là một hành trình chiến thắng chính bản thân mình, tạo lên một con người bản lĩnh và chính khí, nghị lực vượt lên chính mình không đầu hàng số phận, không nghiên ngả nao núng, không chịu khuất phục trước mọi gian truân nghiệt ngã – sóng gió của cuộc đời bằng một tâm thế vững vàng. Học được cách dũng cảm đối mặt, chịu đựng gian khổ, chiến thắng nội tại với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống như những đối thủ thực sự của mình. Biết ngẩng đầu hiên ngang đĩnh đạc. Sống ngay thẳng vuông tròn.

Phẩm chất đạo đức chí khí của một con người không phải tự dưng mà có được. Đó là quá trình nỗ lực học tập, tinh thần kiên trì – kiên định, tự giác – tự rèn luyện phấn đấu không ngừng nghỉ mỗi ngày và mọi ngày của bản thân, bằng lời nói bằng việc làm. Khắc phục những thói lười biếng, sự giả dối, tính tham lam, lòng giận hờn, sự ghen ghét, óc đố kỵ, vượt qua được những tình cảm si mê… Chế ngự những ham muốn thấp hèn, là tu sửa bản thân, rèn luyện nhân cách để làm phát triển những phẩm chất cao đẹp như lòng vị tha, lòng nhân ái, tính hòa thuận với mọi người; có ý thức trách nhiệm cao đối với tập thể, phát huy hơn nữa những năng lực tiềm tàng trong mỗi con người… Từ đó là cho cuộc sống của mỗi cá nhân được thăng hoa, để góp phần xây dựng cho cuộc sống gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nhớ phải tu dưỡng từ gốc tâm hồn.
“Bởi tôi hiểu, mọi thứ xứng đáng chỉ có được trong tu dưỡng.”

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”

GỬI LỜI TRI ÂN!

Tôi biết ơn, tới người thầy đã đặt nền móng cho tôi đến với Karate-Do và hơn hết đó chính là thầy Lê Cảnh Thắng, chị Diễm My người đã luôn quan tâm, lo lắng giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi được nối lại duyên võ. Em cảm ơn thầy cô nhiều lắm ạ! Thầy cô đã cho em niềm tin, hy vọng và cả món quà lớn lao em được nhận. Còn rất nhiều điều em muốn nói, muốn làm và gửi đến thầy trong vô vàn cảm xúc không nói lên thành lời. Được học tập được rèn luyện gần thầy cô chỉ trong thời gian ngắn, em đã học thêm được nhiều điều. Chốn Sài Thành nơi mà con người ta chỉ trọng vọng tiền tài địa vị, khinh khỉ bần hèn thấp kém, khi dòng người vẫn mải miết kinh tế thì Thầy vẫn thầm lặng đưa những chuyến đò qua sông bằng sự tận tụy, tận tâm nhất. Điều mà mà chẳng mấy ai có thể làm được thầy à!
Tôi thầm cảm ơn Cha, sự kỷ luật của cha đã cho con bản lĩnh và sự mạnh mẽ, cảm ơn mẹ đã tần tảo vất vả sớm hôm cho con hiểu tình thương bao la trời biển trong đời. Tôi thầm cảm ơn nghịch cảnh, chính trong sự khốn khó. Tôi không xem nó là rào cản mà biến nó thành động lực, lấy gian nan để rèn luyện ý chí tinh thần. Cho tôi sự chín chắn để có được bản thân ngày hôm nay.
“Dân cường thì nước thịnh”.
Cảm ơn sâu sắc đến Đạo Người – Đạo Võ, sự ấm áp từ mái nhà Nghĩa Dũng Karate-Do. Đã giúp tôi hoàn thiện mình. Tôi sẽ mãi khắc ghi những ký ức đẹp, những bài học quý giá từ võ. Tôi sẽ nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa, phấn đầu không ngừng, sống thật tốt – thật hay – thật đẹp, phát huy tinh thần võ đạo. Duyên võ dù có nhiều bộn bề lận đận nhưng trong tôi vẫn luôn đau đáu mong có ngày trở về quê hương, khôi phục tạo một lớp võ cho các em nhỏ. Hun đúc, truyền cho các em cảm hứng, nguồn động lực sau nhiều năm trải nghiệm tôi có được, mong cho các em có sức khỏe, tự tin vững bước vào đời – tiếp nối thừa kế một tài sản có giá trị thật sự, gieo nhân tốt cho công cuộc phát triển. Đóng góp tài sức nhỏ vào việc ích nước lợi dân, kiến thiết xây dựng đất nước.

Xứng đáng là môn đồ của gia đình Nghĩa Dũng Karate-Do.

Nguồn: CLB TANMIDO