Cà phê võ thuật (Kì 6) – Yêu võ

Cà phê võ thuật (Kì 5) – Võ thuật và bạo lực

Quay lại với những câu chuyện võ và cuộc sống, tôi vô tình nhận ra một điều rằng võ thuật thường tồn tại trong chúng ta với một vị trí rất quan trọng. Có thể đó là tài sản thừa kế của truyền thống gia đình. Có thể đó là niềm đam mê từ tấm bé. Có thể đó đã từng là một lớp võ phong trào ta “thử” đi theo và “nghiện” luôn từ đó…. Và một dạng nữa, một dạng đặc biệt: yêu võ.
Tôi đã thử trò chuyện với vài người mà tôi cho rằng họ yêu võ. Có người trong số họ đã… chia tay người yêu chỉ vì cô ấy không chịu được một chàng trai thường xuyên trở về nhà với những vết xước. Có người thì luôn khua tay khoắng chân mọi nơi mọi lúc – có lẽ đây là dạng “yêu” say đắm nhất tôi từng biết.
Cho đến một lần, tôi trò chuyện với một gã thú vị – thú vị đến độ tôi quyết định đem cuộc trò chuyện của tôi với gã bên bàn cà phê ra kể với quý độc giả.
Đầu tiên, tôi hỏi gã:
– Anh có yêu võ không?
– Yêu võ nghĩa là sao?
Lần đầu tiên bị hỏi ngược lại sau nhiều ngày đi hỏi người khác, tôi bắt đầu khựng và lúng túng:
– À… thì tức là… giống như yêu người yêu mình vậy đó.
– Ờ. Vậy thì không. Tôi không yêu võ.

keep-calm-and-love-martial-arts-7
Tôi khá bất ngờ với câu trả lời. Anh bạn đang ngồi đối mặt với tôi qua bàn cà phê là một trong những người anh em tôi mến mộ nhất trong số những người anh em bạn bè võ thuật. Tuổi võ của anh ấy lớn hơn cả tuổi tôi, thời gian anh ấy tập võ còn nhiều hơn thời gian tôi chơi bời mỗi ngày. Và tôi khẳng định luôn rằng nếu anh ấy không yêu võ thì đã không bám trụ với lớp Taekwondo phong trào ở tỉnh lẻ này – với những đồng lương chỉ đủ hằng ngày gửi xe đổ xăng.
– Anh như vậy mà bảo không yêu võ? Vậy còn ai yêu võ nữa? – Tôi cố gắng gỡ gạc sự hoài nghi của mình.
– Em có yêu ai bao giờ chưa?
– Dạ có.
– Vậy sao em còn hỏi câu đó?
– Em không hiểu ý anh.
Anh ấy thở dài, khẽ khoắng ly cà phê đã tan đá hết nửa.
– Em yêu người ta, thì lúc nào em cũng muốn làm gì tốt cho người ta. Giúp ích cho người ta. Luôn phấn đấu vì người ta. Yêu võ cũng tương tự vậy thôi. Anh mầy có làm được gì cho võ đâu mà dám mở miệng nói yêu võ
Tôi ngập ngừng. Chắc là anh còn ấm ức chuyện 4 đứa học trò anh kì vọng nhất vừa rồi đều thua ở vòng loại giải trẻ.

Liệu tron g chúng ta có chung một định nghĩa về niềm đam mê võ thuật?
Liệu tron g chúng ta có chung một định nghĩa về niềm đam mê võ thuật?

– Yêu võ thì nên làm được cái gì đó cho võ. Đào tạo ra một võ sinh thì khó, sáng tạo, tìm tòi ra thứ gì đó lại càng khó. Nhưng ít ra, cái tối thiểu nhất, đơn giản nhất em phải làm cho võ thuật đó là tập võ làm sao, dạy võ làm sao, “sống võ” làm sao mà để người ngoài nhìn vào thấy, “Ờ, thằng đó học võ, sống tốt vậy đó, con em mình cũng nên học võ để sống tốt được như nó”. – Anh tiếp lời.
– Vậy thì anh có yêu võ đó chứ?
– Bữa trước anh say quá, lại đang bực bội, có đánh nhau với thằng kia… Có bao giờ em yêu một ai đó mà khiến người ta nhìn vào em mà đánh giá không tốt người đó chưa?
Nói đoạn, anh dốc hết li cà phê rồi đứng dậy bỏ về.
– Giờ người ta nhìn anh mà người ta ghét võ, ghét người học võ. Đó không phải yêu võ. Mở miệng nói mình mê võ, yêu võ thì dễ lắm. Nhưng mà… xin lỗi. Anh sống hơi cực đoan vậy đó. Anh… không có yêu võ.
Anh bỏ đi, để tôi lại với những dòng suy nghĩ của riêng anh. Của riêng tôi.
Trong suốt những tháng ngày qua – kể từ ngày tôi xác định võ thuật là niềm đam mê lớn nhất của đời mình, tôi đã thực sự yêu võ?
Hồ Võ