Đã rất lâu rồi Cà Phê Võ Thuật mới có dịp quay lại với quý độc giả. Để tạ lỗi cho thời gian vắng mặt đó, Cà Phê Võ Thuật xin phép nhắc lại một câu chuyện cũ. Cũ….mấy ngàn năm, vì nó bắt đầu cùng lúc với những cú đấm đầu tiên của nhân loại. Câu chuyện đó mang tên CHÍNH BẠN.
Cà Phê Võ Thuật (Kỳ 24) – Phút giật mình trên đỉnh vinh quang
Cà Phê Võ Thuật (Kỳ 23) – “Room 3 only”
Có lần, học trò của Khổng Tử nói: “Thầy có tư tưởng, kiến thức thật uyên bác. Chúng con không thể nào vượt qua thầy được.” . Khổng Tử điềm đạm hỏi lại: “Bây giờ con không thể giỏi hơn ta, sau này, khi con làm thầy, học trò của con lại không thể giỏi hơn con. Đến đời học trò của con lại như thế. Thử hỏi, sự học sẽ đi lên hay đi xuống?”. Tất cả học trò của ông đều cúi đầu suy ngẫm.
Nền võ thuật cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Có những người bỏ cả đời ra để nghiên cứu, chứng minh võ thuật bằng chiến đấu. Những động tác hoàn chỉnh, chính xác ngày nay chúng ta học là thành quả của sự chỉnh sửa, hoàn thiện của bao nhiêu đời người. Có những môn võ nguyên thủy vốn rất đơn giản, bình thường, thậm chí là không hiệu quả, nhưng sau hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm phát triển, nó đã trở thành một trong những môn phái lớn của thế giới. Đôi khi chỉ là một kĩ thuật khóa siết mà ngày nay ta có thể học trong một buổi, nó cũng là sự nghiên cứu, hình thành, ứng dụng, chỉnh sửa, truyền bá của một, hay nhiều thế hệ.
Loài người cổ đại đã từng vung những nắm đấm vụng về. Các tài liệu cho rằng cho đến trước thế kỉ thứ 10 trước Công nguyên, loài người vẫn không biết sử dụng đòn đá. Thế nhưng, hãy nhìn ngày hôm nay xem? Mỗi đòn thế võ thuật ẩn chứa rất nhiều kinh nghiệm từ sinh học, thể chất, và cả vật lý nữa.
Ngay cả các võ phái mới hiện nay, ví dụ như Vovinam (xét về tuổi đời thì Vovinam vẫn là một môn phái “trẻ”), có được sự thành công như ngày hôm nay, cũng là do nắm bắt được nền tảng, tinh hoa của các môn phái khác để lại, và phát huy thêm những cái mới, những kĩ thuật, kinh nghiệm do chính các thế hệ võ sinh Vovinam cống hiến, bổ sung cho nền võ học nhân loại.
Tóm lại, ta có thể xem võ thuật như một cái thang vậy. Mỗi thế hệ , thế hệ gia đình, thế hệ võ đường, thế hệ môn phái, thế hệ nhân loại là một nấc thang. Nếu ta biết nắm bắt, biết đứng vững trên những nấc thang đã được hình thành, ta mới có thể tiến xa hơn nữa. Nếu ta mãi lạc hậu, làm lại những nấc thang mà con người đã đạt được , đã nắm được, đã xây dựng được, thì ta sẽ phí cả đời trong sự lạc hậu, quẩnh quanh cả đời rồi ta mới nhận ra là ta chưa đóng góp được gì cho nền võ thuật cả.
Tuy nhiên, cũng đừng hiểu nhầm các võ sinh võ cổ truyền đang “đạp lại nấc thang cũ”. Chính họ cũng đang đứng trên bậc thang mới nhất đấy. Chúng ta có những “cái thang” chung của nền võ thuật, “cái thang” của mỗi môn phái, “cái thang” của kiến thức, kinh nghiệm luyện tập, của y võ, của võ đức. Cũng như các võ sinh võ cổ truyền có cái thang trong môn phái họ vậy. Bản thân những võ phái “cũ” cũng đang phát triển trong chính những thế hệ của họ.
Hãy nhìn xem bộ môn Boxing đã có mấy ngàn năm tuổi mà vẫn giữ nguyên tính “hiện đại”, hãy xem Muay Thái khởi nguồn từ thời phong kiến nhưng vẫn là một trong những bộ môn võ thuật đối kháng được yêu thích nhất hành tinh. Tất cả cũng chỉ vì những nấc thang cũ được bảo tồn và gìn giữ, những nấc thang mới tiếp tục được xây thêm. Bạn có thể xem video clip sau đây – Boxing của 120 năm trước, và bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt nếu so sánh với hôm nay.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”70178″]
Là những võ sinh – những người chịu trách nhiệm cho sự phát triển võ thuật, hãy tiến tới! Đừng dậm chân tại chỗ. Mỗi chúng ta đều là một bậc thang nhỏ của lịch sử võ thuật nhân loại.
Hồ Võ